Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tìm lời giải cho bài toán cho logistics ĐBSCL
Huy Tự - 19/12/2017 07:47
 
Sáng 18/12/2017, tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư Đồng Tháp 2017, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh ĐồngTháp Nguyễn Văn Dương, Hội nghị Phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vục đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã diễn ra, với sự tham dự của trên 300 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành ĐBSCL, chuyên gia trong lĩnh vực logistics và các doanh nghiệp, các hãng tàu trong và ngoài nước, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vùng ĐBSCL là một trong 07 vùng kinh tế của Việt Nam, thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, chiếm 12% diện tích, 19% dân số, có mạng lưới kênh rạch chằng chịt, có lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lương tái tạo,  là trung tâm sản xuất nông nghiêp lớn nhất cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lương nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây, 95% lương gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy hải sản xuất khẩu cả nước.

Đặc biệt, ĐBSCL còn có điều kiện về vị tri địa lý rất thuận lợi về kết nối giao thương với các vùng trong cả nước, và là vùng thuộc lãnh thổ của Việt Nam có vị trí khoảng cách gần nhất với các nước trong khu vực ASEAN, trong đó giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không) đóng vai trò hết sưc quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics của vùng nói riêng và cả nước nói chung…

.
.

Tiềm năng về xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL trên lĩnh vục nông thủy sản là điều không thể bàn cãi, tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua gần 80% lương hàng hóa, nông sản xuất khẩu của vùng vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng vùng Đông Nam bộ, tức là phải tốn chi phí tập kết và vận chuyển hàng hóa trên dưới hơn 200km, từ đó đã làm giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng tựu trung lại đó chính là hệ thống logistic của vùng còn yêu kém, hầu như chưa hình thành, hiện mới chỉ là các khu kho bãi của các đại lý với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ bốc xếp, quản lý khai thác còn thô sơ, đơn giản…

Ông Nguyễn Thanh Phong- Giám đốc Vinalines khu vực Hậu Giang cho biết, để nâng vị thế cạnh tranh nông thủy sản vùng ĐBSCL không gì khác hơn ĐBSCL phải là nơi thu gom, tập trung hàng hóa và xuất khẩu trực tiếp nhanh nhất ra nước ngoài, do vậy cần tập trung mở rộng và nâng cấp luồng cho tàu vào cửa Định An,  hình thành các khu trung chuyển phân phối tập trung trong khu vực, nâng cấp  và mở rộng các tuyến kênh huyết mạch, nhất là tuyến kênh Chợ Gạo để tăng lưu lượng vận chuyển đường thủy, chống ùn tắc tuyến kênh huyết mạch này, liên kết hợp tác chặt chẽ với các hãng tàu biển trong và ngoài nước, đồng thời tập trung đào tào và phát triển nguồn nhân lực về logitics cho ĐBSCL.

.
.

Đồng tình về sự thiếu hụt nguồn nhân lực phục vu cho logitics ĐBSCL, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh: TP. Cần Thơ hiện là trung tâm của vùng, thuận lợi trong thu hút đầu tư logistics, nhưng hiện nay hầu hết các trường đại học tại ĐBSCL, kể cả Trường Đại học Cần Thơ vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo về logistics, đây là sự thiệt thòi lớn  không chỉ của TP. Cần Thơ mà cho cả vùng ĐBSCL cần phải khắc phục nhanh trong thời gian tới…

Ông Trần Đỗ Liêm, Giám đốc Hợp tác xã vân tải Rạch Gầm thừa nhận: với lợi thế sông rạch chằng chịt của vùng ĐBSCL và chi phí vận chuyển hàng hóa bằng giao thông thủy đang chiếm ưu thế, vì chi phí rẻ hơn so với 03 loại hình vận chuyển còn lại, cho nên phát triển logistics cho ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết để nông sản ĐBSCL tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững. Đồng thời, ngành chức năng từ trung ương đến địa phương cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng cường khả năng kết nối trong vận tại đường thuỷ nói chung…

Ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở giao thông vận tải Đồng Tháp đề nghị: cần tăng cường năng lực  khai thác hệ thống đường thuỷ nội địa trong vùng: đầu tư nạo vét, cải tạo tuyến Mương Khai- Đốc Phủ Hiền, nâng cấp loạt cầu trên các tuyến đường thuỷ nội địa như: cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai, nạo vét các luồng tuyến, cửa sông và mới đây Đồng Tháp vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư tuyến quốc lộ 30 mới, hiện đại song hành quốc lộ 30 cũ theo hình thức BOT.

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định: phát triển logistics tại vùng ĐBSCL là bước đi đúng đắn của vùng và của ngành giao thông vận tải nhằm giảm chi phi cho nông sản vùng ĐBSCL, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuât khẩu ra thế giới. Ông Thể đề nghị: trước mắt cần tập trung nâng cấp hoàn thiện 04 trục dọc và 01 tuyến cao tốc, 09 tuyến trục ngang, đồng thời phải khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông hiện có trong vùng để nâng tính hiệu quả, trong điều kiện ngân sách nhà nước có giới hạn cần phải huy động mọi thành phần kinh tế tham gia theo hình thức PPP, BOT kể cả thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Cần hình thành nhanh các trung tâm logistics lớn tại các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang và TP. CầnThơ, nghiên cứu cải tiến các loại phương tiện đường thuỷ nội địa đảm bảo khai thác phù hợp với đặc điểm sông, kênh của vùng và đặc biệt đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hàng hoá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic khi sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải…

Nghẽn với chi phí logistics
Chi phí logistics (dịch vụ hậu cần) tại Việt Nam hiện ở mức rất cao trong chi phí kinh doanh, khi chiếm tới 18% GDP, với khoảng 40 tỷ USD. Thậm chí,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư