Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 07 năm 2024,
Tìm lời giải cho mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%
Hà Nguyễn - 18/07/2024 08:00
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương tiếp tục thảo luận, tìm giải pháp đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,5 - 7% trong năm 2024.
Một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh.  Ảnh: Đức Thanh

Không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được

Lại một lần nữa, những đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đã được đưa ra. Thậm chí, khi phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đóng vai trò là “tổng tham mưu trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, đó là những “kết quả quan trọng, khá toàn diện và rất đáng khích lệ”.

“Chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt kỳ vọng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định rằng, trong thành công chung đó, đặc biệt là mức tăng trưởng 6,93% của quý II và 6,42% trong 6 tháng đầu năm 2024, có đóng góp tích cực của toàn ngành kế hoạch và đầu tư, thống kê nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.

Nhưng một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nói rằng, không thể chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. “Đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa, đã hiệu quả thì hiệu quả hơn nữa, sáng tạo hơn nữa công tác tham mưu, phải bám sát tình hình, chủ động kiến tạo và khai thác những thời cơ, cơ hội mới cho phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói với các cán bộ của toàn ngành.

Dễ hiểu vì sao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thế. Bởi lẽ, dù con số tăng trưởng của 6 tháng là tích cực, nhưng thách thức, khó khăn phía trước còn lớn, nhất là khi kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định, trong khi kinh tế trong nước chưa hẳn “xuôi chèo, mát mái”. Một số ngành, lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, điển hình là lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu và sức mua chưa phục hồi mạnh mẽ, chi phí đầu vào còn cao, vẫn còn những nút thắt chưa được tháo gỡ trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản...

Trong bối cảnh đó, áp lực được đặt ra khi tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội. Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số 5,5%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6%...

“Áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 là rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả Kế hoạch 5 năm 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Như vậy, câu chuyện không chỉ là 6 tháng cuối năm tăng trưởng được bao nhiêu, mà còn là làm sao đạt mức tăng trưởng cao nhất, tạo nền tảng cho kinh tế năm 2025, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Đó là một nhiệm vụ nặng nề.

Bàn luận về nhiệm vụ này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu đã muốn tăng trưởng năm 2024 đạt 6,5-7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng trên 7%. “Phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể và có giải pháp để thực hiện”, ông Cao Viết Sinh nói và cho biết, khảo sát các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc mới đây cho thấy, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về các thủ tục môi trường, xây dựng, đầu tư…

“Muốn tăng trưởng, phải kịp thời tháo gỡ”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Đình Cung lo lắng về các động lực liên quan đến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân. “Tinh thần đầu tư đang giảm sút. Nếu tiếp tục như vậy, tiềm năng tăng trưởng sẽ giảm”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng cao

6,5%, thậm chí là phấn đấu đạt mức 7%, hoặc cao hơn, là mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra cho năm 2024. Nhưng làm sao để đạt được mục tiêu này?

Tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư, như khuyến nghị của hai chuyên gia Cao Viết Sinh và Nguyễn Đình Cung là một trong những giải pháp quan trọng. Quan trọng không kém, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 6 tháng cuối năm - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2024, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo, các ngành, lĩnh vực, các địa phương phải phục hồi nhanh hơn, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn, khai thác tốt hơn các nguồn lực, động lực tăng trưởng, thời cơ, thuận lợi…

Chúng ta xác định, phải đầu tư để phát triển và phát triển để ổn định.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Trên cơ sở kết quả của 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã dự báo các kịch bản tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, đồng thời kiến nghị Thành phố chọn kịch bản tăng trưởng cả năm đạt 7-7,5%, phấn đấu đạt mức 8% trong năm nay”, ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng nói.

8% là mức tăng trưởng đạt cận dưới mục tiêu mà Đà Nẵng đặt ra cho năm 2024 (8-8,5%). Để đạt được con số này, Đà Nẵng - một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước - đang quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư... và đặc biệt là triển khai hiệu quả các chính sách đặc thù mà Quốc hội đã dành cho Thành phố.

“Chúng tôi mong sớm có các văn bản hướng dẫn để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng”, ông Lê Thanh Tùng nói.

Trong khi đó, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhất là thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cũng như tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, như thể chế, chính sách, quy hoạch… để thúc tăng trưởng GRDP năm 2024.

Khi các địa phương phục hồi nhanh hơn, kinh tế cả nước cũng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tích cực hơn. Trong nỗ lực chung đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục nhấn mạnh vai trò tham mưu chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng đã chỉ ra 10 nhiệm vụ quan trọng toàn ngành phải thực hiện trong nửa cuối năm, cũng như các năm tiếp theo, bao gồm quyết tâm cải cách, đổi mới tư duy phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…

“Chúng ta xác định, phải đầu tư để phát triển và phát triển để ổn định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đó chính là tư duy phát triển mới, tạo nền tảng cho nền kinh tế tăng tốc phát triển không chỉ cho năm 2024, mà cả những năm tiếp theo.

Sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí vốn đầu tư công
Chủ trì hội nghị về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; thường xuyên rà soát,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư