Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tìm nguồn lo 18.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Dự án Sân bay Long Thành
Mạnh Bôn - 01/06/2017 22:08
 
Quốc hội vừa thảo luận tổ về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) thành dự án thành phần.

Là một trong những đại biểu Quốc hội tham gia cho ý kiến và thông qua Nghị quyết 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đại biểu  Nguyễn Mạnh Tiến lấy làm tiếc khi xây dựng Nghị quyết 94/2015/QH13 chưa lường trước được vấn đề thu hồi đất cho dự án.

“Khi đó, chúng ta cứ nghĩ là đã có sẵn đất 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha mà chưa tính đến 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Chính vì vậy, Quốc hội mới phải cho ý kiến về vấn đề này”, ông Tiến cho biết.

.
.

Theo quan điểm của ông Tiến, để thuận lợi, Quốc hội không nên ban hành một nghị quyết riêng mà chỉ cần sửa 1 điều của Nghị quyết 94/2015/QH13 theo hướng, Dự án Sân bay Long Thành thay vì thực hiện qua 3 giai đoạn thành 4 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, còn giai đoạn 1, 2, 3 thành giai đoạn 2, giai đoạn 3, giai đoạn 4.

Không băn khoăn về số tiền thực hiện đền bù, tái định cư lên tới 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017), nhưng ông Tiến lại băn khoăn không biết lấy số tiền này ở đâu ra vì thực tế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngân sách chỉ bố chí cho dự án này 5.000 tỷ đồng.

“Chính phủ cần làm rõ số tiền 18.000 tỷ đồng còn thiếu lấy ở nguồn nào thì Quốc hội mới yên tâm”, ông Tiến đề nghị.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ông Hoàng Bình Quân cũng là một trong những đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 94/2015/Qh13 cho rằng cần phải rút kinh nghiệm vì khi xây dựng Nghị quyết này đã không tính đến diện tích đất dành cho tái định cư.

Theo ông Quân, với dự án lớn như Sân bay Long Thành, phải thu hồi đất của 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức, trong đó có cả tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất phức tạp. Vì vậy, vấn đề pháp lý phải hết sức chặt chẽ nếu không sẽ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí còn bị một số tổ chức, cá nhân cố tình chống đối không cho thu hồi đất, phản đối dự án.

“Ngay cả việc giải phóng mặt bằng xong rồi, cũng phải lưu ý đưa vào quản lý sử dụng ngay vì đây là dự án thực hiện rất dài (dự kiến năm 2019 mới khởi công và năm 2015 đưa vào khai thác giai đoạn 1), nếu không cũng như hàng trăm, hàng ngàn dự án khác, giải phóng mặt bằng xong, nhận tiền đền bù, hỗ trợ, tái định cư, nhưng dự án không triển khai với cả trăm lý do như nhà đầu tư hết tiền, ngân hàng không tiếp tục cho vay… diện tích đất thu hồi bị bỏ không, lại có người tiếc đất nhảy vào canh tác, trồng trọt, thậm chí xây dựng dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện rất phức tạp”, ông Quân lưu ý.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ông Đỗ Văn Sinh mong muốn Quốc hội sớm có quyết định về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho Dự án Sân bay Long Thành, vì theo ông, giải phóng được hơn 5.614 ha đất trên diện tích 6 xã với trên 15.000 người dân có nhanh cũng phải mất 3 năm, nếu không có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân có đất bị thu hồi thì năm 2019 khó có thể khởi công xây dựng Dự án Sân bay Long Thành và năm 2015 khó có thể đưa giai đoạn 1 vào khai thác như yêu cầu của Nghị quyết 94/2015/QH13.

“Vấn đề mấu chốt của thu hồi đất là người dân có đất bị thu hồi, phải tái định cư thì đến nơi ở mới phải có điều kiện sinh hoạt, lao động tốt hơn. Chính vì vậy, Quốc hội phải thông qua một nghị quyết với các cơ chế đặc thù vì sửa Nghị quyết 94/2015/QH13 thì không bao quát hết các nội dung này”, ông Sinh nói.

Ông Sinh cho rằng mặc dù chưa có phương án cụ thể về việc huy động 18.000 tỷ đồng số tiền còn thiếu, nhưng cũng không nên quá lo lắng.

“Trong tổng thể Dự án dành ra 1.200 ha để đầu tư cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác. Tức là sau khi bỏ tiền ra thu hồi, tổ chức đấu giá 1.200 ha này sẽ thu lại được một khoản tương đối lớn”, ông Sinh tính toán.

Đại biểu Đỗ Văn Chiến cho rằng, nếu Quốc hội không ban hành Nghị quyết tách phần thu hồi đất, đền bù, tái định cư ra khỏi thành dự án riêng, tách khỏi Dự án Sân bay Long Thành thì đến năm 2025 khó có thể đưa Sân bay Long Thành vào khai thác (giai đoạn 1).

“Thực ra từ nay đến năm 2025 chỉ còn 7 năm nữa, nếu không có 1 Nghị quyết riêng với cơ chế đặc thù thì không thể kịp tiến độ. Vì theo quy định, chỉ thu hồi đất khi có quyết định đầu tư, năm 2019 Chính phủ mới ban hành quyết định đầu tư sau khi trình Quốc hội phương án khả thi, tức là theo quy định thì thu hồi đất sớm nhất vào năm 2019 nếu không có một nghị quyết riêng để xử lý vấn đề  này, đẩy tiến trình thu hồi đất sớm hơn”, ông Chiến phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, ông Trương Quang Nghĩa chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ người đứng đầu ngành giao thông – vận tải, điều làm ông lo lắng nhất chính là làm sao triển khai Dự án Sân bay Long Thành không chỉ bảo đảm chất lượng, xứng đáng là sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực mà còn phải bảo đảm tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác.

“Bộ Giao thông – Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai tha thiết đề nghị Quốc hội cho tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án riêng với Dự án Sân bay Long Thành để đẩy nhanh tiến độ mới mong đưa Sân bay Long Thành vào khai thác theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 94/2015/QH13”, ông Nghĩa mong mỏi.

Phương án mới nhất sẽ mở rộng, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất thế nào?
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng, nâng cấp đồng bộ để tiếp tục là đầu mối giao thông hàng không quan trọng nhất ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư