Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tìm nguyên nhân khiến kiến nghị kiểm toán chưa được xử lý
Mạnh Bôn - 12/07/2024 08:46
 
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa thực hiện tổng rà soát kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện trong vòng 10 năm trở lại đây. “Có 4 nguyên nhân khiến kiến nghị chưa được thực hiện”, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng KTNN cho biết.
Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng KTNN 

Số tiền mà KTNN kiến nghị xử lý tài chính lên đến 67.513 tỷ đồng vẫn chưa được thực hiện có những nguyên nhân nào, thưa bà?

Nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về việc dây dưa trong xử lý kiến nghị của kiểm toán mỗi khi Quốc hội biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vào giữa năm. Chính vì vậy, chúng tôi đã thực hiện tổng rà soát về việc thực hiện kiến nghị trong vòng 10 năm trở lại đây để giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.

Kết quả tổng rà soát cho thấy, có 4 nhóm nguyên nhân khiến kiến nghị chưa hoặc không thể thực hiện được. Trong đó, nhóm nguyên nhân lớn nhất, chiếm 59%, tương đương gần 39.804 tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện thuộc về đơn vị được kiểm toán; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 chiếm 24,6 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 16%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN chiếm ít nhất, chỉ có 0,4 %.

Bà có thể cho biết cụ thể hơn các nguyên nhân khiến kiến nghị xử lý tài chính chưa hoặc không thể thực hiện được?

Với nhóm nguyên nhân thứ nhất, kiến nghị chưa thực hiện được là do đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính; không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động; đã thực hiện nhưng chưa cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ để KTNN xác nhận đã thực hiện; chứng từ, tài liệu hồ sơ thực hiện kiến nghị chưa đảm bảo theo quy định...

Nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 gồm: do chờ phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện; nhà thầu không hợp tác, phối hợp thực hiện vì còn có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu; chưa được bố trí vốn thanh toán, đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán để thực hiện; chưa được phê duyệt quyết toán, thanh toán gói thầu, dự án làm cơ sở để thực hiện.

Nhóm nguyên nhân khác là do chưa đến thời điểm đơn vị báo cáo và một số lý do khác nữa.

Nhóm cuối cùng thuộc về trách nhiệm của KTNN là do đơn vị đã thực hiện nhưng đang trong quá trình xem xét để xác định kết quả và có lý do là đơn vị chưa thống nhất với kiến nghị. Mặc dù nguyên nhân chưa thực hiện kiểm toán do phía KTNN chiếm tỷ lệ vô cùng thấp, nhưng chúng tôi luôn coi là những bài học kinh nghiệm khi đưa ra kết luận, kiến nghị trong các báo cáo kiểm toán.

Nguyên nhân kiến nghị xử lý tài chính chưa, thậm chí không thực hiện do KTNN vô cùng thấp không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi?

Đây là cuộc tổng rà soát việc thực hiện kiến nghị để thực hiện giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Sau đó, đây là tài liệu, dữ liệu để lần đầu tiên Tổng KTNN thực hiện chất vấn trước Quốc hội (tại Kỳ họp thứ bảy) về hoạt động kiểm toán. Vì vậy, việc rà soát được thực hiện rất thận trọng, có số liệu cụ thể.

KTNN được giao trọng trách kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước liên quan cụ thể đến từng đơn vị được kiểm toán, đến từng tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. Do vậy, nếu để xảy ra sai sót, dù là sai sót nhỏ nhất, cũng ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán và uy tín của tổ chức, cá nhân.

Thưa bà, có gì bảo đảm kết luận, kiến nghị của KTNN khách quan, trung thực và chính xác?

Năm 2023, KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại 129 đơn vị thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty. KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, như sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nên phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí.

Chúng tôi cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; số liệu kiểm kê kho chênh lệch với số liệu trên sổ kế toán hoặc chưa kiểm kê đầy đủ tài sản, vật tư, hàng hóa; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả...

Doanh nghiệp nào để xảy ra tồn tại, hạn chế nào, số tiền cần phải tăng thu, giảm chi, thu hồi bao nhiêu đều được xác định cụ thể và công khai. Nếu báo cáo kiểm toán không khách quan, trung thực và chính xác, thì chắc chắn đơn vị được kiểm toán không chấp nhận. Tất nhiên, không thể đòi hỏi tất cả kiến nghị, kết luận phải chính xác tuyệt đối, nên mới có 0,4% số kiến nghị chưa được thực hiện do đơn vị chưa thống nhất với kiến nghị.

Năm 2023, qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, chúng tôi kiến nghị xử lý trên 1.510 tổ chức và gần 2.340 cá nhân, đến nay chỉ có 0,66% tổ chức và 0,26% cá nhân chưa bị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương xử lý vì cần tiếp tục làm rõ một số hạn chế, vi phạm về quản lý tài chính công, tài sản công. Nếu báo cáo, kiến nghị của KTNN không khách quan, chưa chính xác, chắc chắn các tổ chức, cá nhân không chấp nhận bị xử lý mà sẽ dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Trách nhiệm vụ Ngân hàng SCB không phải của Kiểm toán Nhà nước
Trước câu hỏi của đại biểu chất vấn liên quan tới trách nhiệm kiểm toán trong các vụ án, đặc biệt là vụ Ngân hàng SCB, Tổng Kiểm toán Nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư