Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tìm phương án tối ưu cho sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh
Nguyễn Lê - 26/05/2022 17:15
 
Đó là lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chiều 26/5 tại Quốc hội.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tìm phương án tối ưu cho sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam là lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chiều 26/5 tại Quốc hội.

Đây cũng là nội dung còn có ý kiến khác, nên Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đang để 2 phương án.

Phương án 1, người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Phương án 2, giữ nguyên như quy định hiện hành. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra (Ủy ban Xã hội của Quốc hội) đồng tình với phương án 2, để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài và cho rằng, để khắc phục các tồn tại hiện nay, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy định về sử dụng ngôn ngữ phải tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, tạo cơ hội để đội ngũ y bác sĩ trong nước được tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới.

Việc quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải biết tiếng Việt thành thạo, theo đại biểu Hà, cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng. Thực tế, nhiều bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Như ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản có bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nếu chỉ cho phép các bác sĩ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ làm hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mời các bác sĩ có chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng những người dân Việt Nam lại không được sử dụng dịch vụ là không phù hợp”,  bà Hà nêu quan điểm.

Thảo luận ở tổ 12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu lần sửa luật này phải bổ sung, sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là những vấn đề rút ra qua phòng, chống dịch Covid-19.

Phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh khám chữa bệnh. Vừa rồi, có hoạt động không an toàn cho bệnh nhân và bác sĩ, Chủ tịch Quốc hội nói.

Muốn vậy, theo ông Vương Đình Huệ, phải làm sao có các quy định minh bạch, công khai ai chức phận thế nào thì làm việc đó.

Cả Quốc hội và Chính phủ mong muốn đại biểu tập trung trí tuệ hoàn thiện luật này cao nhất có thể được, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Nhấn mạnh quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài là vấn đề khó nhất, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời xem kinh nghiệm quốc tế thế nào để có phương án tối ưu.

Y học bây giờ ngày càng hiện đại, lại có phiên dịch, nếu quy định như phương án 1 thì làm sao tiếp cận nguồn lực nước ngoài nữa, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cho biết thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, ở vị trí chủ toạ các phiên họp của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đều "dịch" được đến 90% dù đại biểu ở địa phương nào phát biểu, ông Vương Đình Huệ nói việc dịch thuật từ các ngôn ngữ khác sang tiếng Việt sau này cũng đơn giản hơn. Vì thế phải tính toán kỹ quy định về sử dụng ngôn ngữ, chẳng hạn yêu cầu với người đứng ra đăng ký hành nghề lâu dài khác với các bác sĩ khám chữa bệnh tại cơ sở đó.

Quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người  nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam cần được lập luận kỹ hơn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sau khi thảo luận ỏ tổ, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường, vào sáng 13/6.

Bộ trưởng Y tế khẳng định "lấy người bệnh làm trung tâm”.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ y tế cho biết mong muốn lớn nhất của lần sửa đổi này là làm thế nào để có thể nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bênh cho người dân.

Đó là lý do vì sao dự thảo luật xây dựng theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm”. Giải thích thêm một số vấn đề, Về quy định thi cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, đến thời điểm hiện nay có lẽ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không có thi cấp chứng chỉ hành nghề.

“Chúng ta cứ học xong rồi chúng ta thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ chúng ta cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, thi cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ khi ra hành nghề.

“Việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc anh phải tham dự các kỳ thi, có giá trị trong vòng 5 năm. Nhưng để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt để khuyến khích với người bác sĩ khi ra hành nghề thì anh phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời. Vì vậy, trong dự thảo luật chúng tôi đưa ra 2 cách thức có thể cấp: Một là trong giai đoạn 5 năm đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới.Hai là, nếu như không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải học lại, như vậy chúng ta đảm bảo rằng, một bác sĩ khi ra trường, tốt nghiệp là đã có thể hành nghề được, trong quá trình đó thì năng năng lực bác sĩ hành nghề sẽ được nâng lên", Bộ trưởng giải thích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư