Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Cơ quan nào cấp phép hành nghề cho bác sĩ?
Khánh Linh - 25/05/2022 15:37
 
Thẩm quyền cấp phép hành nghề vẫn còn có ý kiến khác. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc chiều 25/5.
,
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Quốc hội về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề

Một trong những nội dung mới trong Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc chiều 25/5 là quản lý hoạt động của người hành nghề y.

Nội dung này nằm nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

Theo Dự thảo, 7 chức danh cần kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Đó là bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic).

Việc cấp giấy phép hành nghề cũng được quy định mới, dựa trên đánh giá năng lực hành nghề thay vì chỉ theo đối tượng và văn bằng chuyên môn như hiện hành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Long cho biết, thẩm quyền cấp phép hành nghề vẫn còn có ý kiến khác. Trong Dự thảo, Chính phủ đang trình 2 phương án.

Phương án 1, Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề. 

Phương án này phù hợp với mô hình của một số quốc gia trên thế giới, tập trung đầu mối cấp và quản lý Giấy phép hành nghề sẽ bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ trong quản lý, tránh tình trạng một người hành nghề có nhiều giấy phép do các cơ quan cấp khác nhau

Khối lượng công việc hành chính cho các cơ quan quản lý nhà nước được giảm, để tập trung cho việc thực hiện chức năng ban hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật;

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc đến nhược điểm về việc phát sinh bộ máy để phục vụ hoạt động kiểm tra, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề;

Phương án 2 được đưa ra là Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Cơ quan quản lý Nhà nước (gồm Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.

Cách này được giải trình là không làm xáo trộn hệ thống quản lý người hành nghề hiện nay; không làm phát sinh bộ máy để phục vụ hoạt động kiểm tra, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề.

“Có thể xảy ra tình trạng một người hành nghề có nhiều giấy phép do các cơ quan cấp khác nhau. Không giảm bớt khối lượng công việc hành chính cho các cơ quan quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Long nói về phần nhược điểm cần cân nhắc. 

Lấn cấn quy định bác sỹ nước ngoài cần thành thạo tiếng Việt hay không

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế cho biết, đây là nội dung còn có ý kiến khác. Dự thảo đang đưa ra 2 phương án.

Phương án 1, người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Ưu điểm của phương án này là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa do thực tế trong thời gian qua, việc sử dụng phiên dịch gây ra nhiều sai sót chuyên môn do bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề và người bệnh.

Quy định này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Phương án này cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do số lượng người hành nghề là người nước ngoài ít. Tính đến tháng 4/2022,  Bộ Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 878 người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và người nước ngoài hành nghề  hiện nay tập trung chủ yếu vào một số chuyên khoa như thẩm mỹ, nha khoa, y học cổ truyền...”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long báo cáo Quốc hội.

Quy định này cũng được cho là không ảnh hưởng đến việc mời chuyên gia từ các nước có nền y học phát triển sang Việt Nam để đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như tạo điều kiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhưng nhược điểm là mặc dù dự thảo Luật đã quy định lộ trình thực hiện là 9 năm kể từ ngày có hiệu lực (trong khoảng thời gian này, người hành nghề là người nước ngoài đã được cấp phép vẫn tiếp tục được hành nghề và được sử dụng phiên dịch trong quá trình hành nghề) nhưng sau 9 năm sẽ có một bộ phận người hành nghề là người nước ngoài sẽ không thể đáp ứng điều kiện về biết tiếng Việt thành thạo và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người hành nghề là người nước ngoài.

Phương án 2, giữ nguyên như quy định hiện hành. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Ưu điểm của phương án này là không ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người hành nghề là người nước ngoài. Nhưng phương án này không nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gửi đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2 trong thẩm quyền cấp phép hành nghề.
Theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề, vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh: Đưa Việt Nam bắt kịp thế giới
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với nhiều nội dung sửa đổi lớn sẽ đáp ứng cầu khám, chữa bệnh trong giai đoạn mới, nâng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư