Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 5/7: Hệ lụy khôn lường khi lạm dụng thuốc lá
D.Ngân - 05/07/2025 09:13
 
Một người đàn ông 50 tuổi, hút thuốc lá suốt nhiều năm, suýt mất ngón tay do mắc bệnh viêm tắc động mạch, một biến chứng nguy hiểm liên quan trực tiếp đến thói quen hút thuốc.

Hệ lụy khôn lường khi lạm dụng thuốc lá

Anh Mẫn (50 tuổi), sống tại miền Tây Nam Bộ, hút khoảng hai gói thuốc lá mỗi ngày trong nhiều năm. Khoảng một tháng trước, ngón áp út bàn tay phải của anh xuất hiện vết loét kéo dài không lành, kèm theo cảm giác đau nhức đầu ngón tay liên tục, khiến anh mất ngủ triền miên.

Ảnh minh họa.

Ban đầu, anh đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và được chẩn đoán mắc bệnh lý về móng. Sau nhiều lần cắt lọc da, bôi thuốc và thay băng nhưng không thuyên giảm, bác sỹ nghi ngờ anh bị thiếu máu nuôi chi, dấu hiệu của bệnh lý mạch máu ngoại biên.

Kết quả siêu âm và chụp CT cho thấy hệ mạch máu lớn vẫn lưu thông bình thường, nhưng các nhánh mạch máu nhỏ ở tay phải bị viêm tắc nghiêm trọng. Anh Mẫn sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để điều trị chuyên sâu.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Mạch máu, xác nhận anh Mẫn mắc bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu), một bệnh lý hiếm gặp do viêm không xơ vữa, thường ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và vừa ở tay và chân.

Bác sỹ Dũng giải thích, bệnh Buerger là sự kết hợp giữa viêm và hình thành cục máu đông trong lòng mạch, làm suy giảm lưu lượng máu nuôi chi. Nếu không điều trị kịp thời, các ngón tay hoặc ngón chân có thể chuyển màu tím đen, loét, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử và phải đoạn chi. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết biến chứng đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh Buerger là do hút thuốc lá. Các hóa chất trong khói thuốc kích thích hệ miễn dịch tấn công thành mạch máu, gây viêm và tổn thương. Cả hút thuốc chủ động, thuốc lá điện tử, và hút thuốc thụ động đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Do các mạch máu bị tắc nằm ở vị trí rất nhỏ và sâu, bác sỹ không thể thực hiện các phương pháp can thiệp như nong mạch hay đặt stent. Thay vào đó, ekip quyết định thực hiện phẫu thuật cắt hạch giao cảm ngực, phương pháp gián tiếp giúp giãn mạch và cải thiện lưu thông máu.

Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 15 phút. Bác sỹ nội soi qua hai vết mổ nhỏ 5 mm ở vùng nách, đưa thiết bị vào lồng ngực và cắt bỏ hạch thần kinh giao cảm. Việc loại bỏ hạch này giúp làm giãn các mạch máu ngoại vi, tăng lưu lượng máu đến chi, giảm đau do thiếu máu mô và thúc đẩy lành thương.

Sau phẫu thuật, tay anh Mẫn ấm trở lại, cơn đau giảm nhanh chóng. Anh xuất viện sau hai ngày và được bác sỹ tư vấn cai thuốc lá để ngăn ngừa tái phát bệnh.

Theo bác sỹ Dũng, bệnh Buerger thường phát triển âm thầm. Giai đoạn đầu có thể chỉ là cảm giác nóng rát, tê, hoặc ngứa ran ở tay và chân. Sau đó, xuất hiện các vết loét nhỏ ở ngón tay, ngón chân, thay đổi màu da. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị chuột rút, tắc mạch, các ngón chuyển màu đỏ, xanh, tím, lạnh và tê – dấu hiệu rõ rệt của hoại tử.

Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ phải cắt ngón hoặc đoạn chi, đặc biệt khi nhiễm trùng lan rộng gây hoại tử nặng.

Để phòng tránh bệnh Buerger, bác sỹ khuyến cáo cần tuyệt đối tránh hút thuốc lá – bao gồm thuốc lá thường, thuốc lá điện tử và tránh hút thụ động. Ngoài ra, nên giữ ấm tay chân, nhất là vào mùa lạnh; tập thể dục đều đặn để cải thiện tuần hoàn máu; tránh ngồi hoặc đứng lâu một tư thế; không mặc quần áo quá chật gây cản trở lưu thông máu.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu mạch máu bất thường, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Thừa cân, béo phì liên quan đến sa sút trí tuệ

Thừa cân, béo phì không chỉ là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch... mà còn liên quan chặt chẽ đến rối loạn thần kinh nhận thức, đặc biệt là sa sút trí tuệ. Kiểm soát tốt cân nặng được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ suy giảm chức năng não bộ.

Thông tin trên được các chuyên gia y tế chia sẻ tại hội thảo khoa học “Điều trị đa phương thức về béo phì” do Viện TAMRI vừa tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Lê Văn Tuấn, chuyên gia thần kinh cho biết, sa sút trí tuệ là một dạng rối loạn thần kinh phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và khả năng vận động. Trong đó, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ ngày càng được ghi nhận rõ ràng hơn.

Người béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh lý mạch máu như tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến hệ thần kinh và chức năng nhận thức. Đặc biệt, tình trạng đề kháng insulin trong não được ví như “đái tháo đường type 3” là một trong những cơ chế gây rối loạn chuyển hóa và viêm não, có thể liên quan đến bệnh Alzheimer.

“Người béo phì thường có mô mỡ tích tụ, đặc biệt là vùng bụng. Khi vượt ngưỡng cần thiết, các mô mỡ này không chỉ là nơi dự trữ năng lượng mà còn tiết ra những chất gây rối loạn nội tiết và thần kinh. Điều này làm tăng nguy cơ đề kháng leptin, hormone kiểm soát cảm giác no dẫn đến béo phì và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thần kinh cao cấp,” bác sỹ Tuấn giải thích.

Ngoài ra, người thừa cân còn dễ bị rối loạn hệ vi sinh đường ruột yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến trục ruột, não, góp phần gây thoái hóa thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI càng cao, thể tích chất xám và độ dày vỏ não càng giảm tác động rõ rệt đến khả năng nhận thức.

ThS.BS Hoàng Thị Hồng Linh, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh cho biết, béo phì liên quan đến hơn 200 loại biến chứng khác nhau, bao gồm cả các rối loạn về hệ thần kinh trung ương.

Theo bác sỹ Linh, các hoạt chất đồng vận thụ thể GLP-1 (GLP-1 RA), nhóm thuốc giảm cân hiện đại không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa trong não. Đặc biệt, GLP-1 RA có khả năng vượt qua hàng rào máu não, hỗ trợ tín hiệu insulin trong não và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tình trạng viêm mạn tính, một trong những nguyên nhân chính gây Alzheimer.

“GLP-1 RA không chỉ hỗ trợ giảm cân hiệu quả, mà còn giúp duy trì chuyển hóa năng lượng và cải thiện chức năng nhận thức, đặc biệt trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer. Ở người đái tháo đường type 2 hoặc béo phì, GLP-1 RA giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ một cách rõ rệt” bác sỹ Linh cho biết.

Theo các chuyên gia, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi mà còn đang tác động ngày càng rõ ở người trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy người trẻ bị béo phì có xu hướng suy giảm khả năng tập trung, đọc hiểu chậm, biểu hiện sớm của tình trạng sa sút trí tuệ nhẹ.

“Các nghiên cứu kết hợp giữa béo phì, GLP-1 và rối loạn nhận thức có thể mở ra hướng phát hiện sớm tình trạng sa sút trí tuệ ở người thừa cân. Việc điều trị béo phì hiệu quả, chủ động sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ tổn thương thần kinh ngay từ giai đoạn sớm,” bác sỹ Hoàng nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhấn mạnh, giảm cân không chỉ để cải thiện vóc dáng mà còn là một chiến lược phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có sa sút trí tuệ. Việc giảm cân có kiểm soát, đặc biệt bằng những phương pháp được khoa học chứng minh như sử dụng thuốc GLP-1 RA, sẽ giúp cải thiện cả chuyển hóa và chức năng não bộ mà không gây hại, đặc biệt với người lớn tuổi.

Béo phì là một “bệnh nền” của thời hiện đại, tác động âm thầm nhưng sâu rộng. Do đó, việc tầm soát, điều trị và kiểm soát cân nặng không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà là nhu cầu cấp thiết để bảo vệ trí tuệ và chất lượng sống lâu dài.

Robot hỗ trợ mổ u tuyến ức cạnh tim

Một người đàn ông 61 tuổi vừa được các bác sỹ phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến ức kích thước lớn, nằm sát tim và các mạch máu lớn. Ca mổ thực hiện bằng hệ thống robot hiện đại nhằm giảm thiểu nguy cơ tai biến và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh.

Hai năm trước, ông Viên (61 tuổi) xuất hiện triệu chứng ho, sốt và đau ngực. Tại viện, kết quả chụp CT ngực ghi nhận ông có tổn thương phổi và khối u trung thất kích thước 6 cm, kèm nốt 1 cm ở thùy trên phổi phải.

ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc Hằng (khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu) đã thực hiện mổ nội soi sinh thiết cả hai vị trí. Kết quả cho thấy nốt phổi do nhiễm nấm, còn khối u trung thất là u tuyến ức lành tính. Vì khối u không chèn ép các cơ quan lân cận, bác sỹ quyết định không phẫu thuật, chỉ điều trị nấm phổi trong 3 tháng. Ông Viên dần hồi phục, hết sốt và ho.

Một tháng trước, ông Viên tái khám do đau ngực trở lại. Chụp CT mới cho thấy khối u đã phát triển đến kích thước 10 x 8 x 5 cm, nằm ngay cạnh tim, sát động mạch chủ và tĩnh mạch chủ. Dù khối u chưa dính vào các mạch máu, nhưng vì kích thước lớn, nó gây đè ép và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nếu không can thiệp kịp thời.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, đánh giá, khối u quá lớn nên không thể mổ nội soi. Nếu phẫu thuật mở ngực, nguy cơ tổn thương tim và mạch máu cao do không gian phẫu thuật rất hẹp. Hơn nữa, rạch xương ức sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mất máu và kéo dài thời gian hồi phục.

Để giảm thiểu rủi ro, ê-kíp phẫu thuật đã sử dụng hệ thống robot phẫu thuật Da Vinci Xi. Robot có bốn cánh tay linh hoạt đưa vào lồng ngực qua các đường rạch nhỏ chỉ 8 mm. Các cánh tay robot có khả năng xoay 540 độ, mô phỏng cổ tay người, giúp bác sỹ thao tác chính xác tại những vùng phẫu thuật sâu và hẹp.

“Da Vinci Xi là robot đầu tiên có tay cầm hàn và cầm máu tích hợp, cho phép cắt và xử lý chảy máu ngay tức thì mà không cần thay dụng cụ. Điều này giúp giảm mất máu tối đa,  đặc biệt quan trọng với bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh nền” bác sỹ Dũng cho biết.

Sau hơn một giờ, ca mổ kết thúc thành công. Bệnh nhân chỉ có vết mổ nhỏ, hầu như không đau, có thể đi lại nhẹ nhàng sau một ngày và xuất viện hai ngày sau đó.

Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy ông Viên mắc ung thư biểu mô tuyến ức giai đoạn sớm, chưa xâm lấn. Bệnh nhân đã được lập phác đồ hóa xạ trị để phòng ngừa tái phát.

Theo bác sỹ Lê Thị Ngọc Hằng, tuyến ức nằm sau xương ức và giữ vai trò quan trọng trong việc sản sinh tế bào T, thành phần thiết yếu của hệ miễn dịch. Tuyến ức có thể xuất hiện u lành hoặc ung thư biểu mô tuyến ức (TET).

U tuyến ức lành tính thường phát triển chậm và ít lan rộng. Trong khi đó, ung thư biểu mô tuyến ức ác tính tiến triển nhanh, có nguy cơ xâm lấn và di căn.

Giai đoạn đầu, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Nhiều bệnh nhân chỉ được phát hiện khi khối u đã lớn và gây chèn ép cơ quan xung quanh như tim, phổi hoặc mạch máu. Một số triệu chứng cần cảnh giác gồm: đau tức ngực, khàn giọng, khó thở, ho ra máu…

“Khám sức khỏe định kỳ và chụp hình ảnh lồng ngực là cách hiệu quả để phát hiện sớm các khối u trung thất, từ đó nâng cao khả năng điều trị thành công,” bác sỹ Hằng khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư