Thứ Năm, Ngày 03 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 3/7: Bước đột phá trong chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam
D.Ngân - 03/07/2025 07:22
 
Người dân được khám sức khỏe chuyên sâu với "siêu máy CT" hiện đại, góp phần tăng cao hiệu quả điều trị, giảm thời gian chờ đợi, phát hiện sớm, cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh khó.

Bước đột phá trong chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam

Hệ thống y tế Tâm Anh chính thức đưa vào vận hành "siêu máy chụp CT" hiện đại, Somatom Force VB30, với hơn 100.000 lát cắt, hỗ trợ tầm soát và chẩn đoán sớm nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, đột quỵ, dị dạng mạch máu, bệnh van tim...

Ảnh minh họa.

Đây là thế hệ máy CT tiên tiến của hãng Siemens Healthineers (Đức), lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào tháng 2/2025.

Chỉ sau 4 tháng, chiếc máy thứ hai đã chính thức hoạt động tại Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7, TP.HCM, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ngày càng tăng.

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chỉ trong vòng 4 tháng vận hành, siêu máy CT tại Hà Nội đã hỗ trợ tầm soát, phát hiện bệnh sớm cho hơn 4.500 trường hợp.

Đơn cử như trường hợp của chị Lý (37 tuổi), khi đi khám sức khỏe định kỳ đã được chụp bằng máy Somatom Force VB30. Nhờ đó, bác sỹ kịp thời phát hiện tổn thương dạng kính mờ dưới 1 cm tại phổi, dấu hiệu sớm của ung thư phổi ác tính. Nhờ xác định vị trí tổn thương chính xác, ca phẫu thuật loại bỏ khối u được thực hiện kịp thời và chị Lý đã xuất viện chỉ sau một tuần với sức khỏe ổn định.

Siêu máy Somatom Force VB30 hiện còn rất hiếm trên thế giới, chỉ có mặt tại một số trung tâm y khoa hàng đầu ở Mỹ, Đức, Hà Lan... Phiên bản được đưa về Việt Nam có đầy đủ chức năng và phần mềm chính hãng tiên tiến nhất.

Somatom Force VB30 là máy CT đa lát cắt vượt trội, tạo ra hình ảnh sắc nét đến từng milimet, giúp phát hiện các tổn thương và dấu hiệu bệnh lý sớm với độ chính xác cao. Đặc biệt, máy có thời gian chụp toàn thân chỉ 1-2 giây và giảm tối đa liều tia, đảm bảo an toàn ngay cả cho trẻ em”.

Máy còn được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tự động nhận diện các mốc giải phẫu, phân tích hình ảnh, đánh dấu tổn thương và hỗ trợ bác sỹ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn mà không cần làm thêm nhiều xét nghiệm phụ trợ. Tính năng xóa nhiễu kim loại đến 80% còn giúp chụp rõ ràng kể cả ở bệnh nhân từng đặt dụng cụ y tế như đinh, vít, khớp nhân tạo...

Các bác sỹ đánh giá siêu máy CT hơn 100.000 lát cắt tích hợp AI là một bước tiến lớn, đánh dấu sự đổi mới trong chẩn đoán hình ảnh không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Trong lĩnh vực thần kinh, máy có thể thực hiện CT động học 4D, khảo sát tưới máu và hệ mạch não chỉ trong một lần chụp, giúp phát hiện nhanh những bất thường cực nhỏ như cục máu đông, mảng xơ vữa, dị dạng mạch máu… Thời gian phân loại đột quỵ được rút ngắn chỉ còn vài phút, tăng khả năng cứu sống và giảm di chứng.

Ở lĩnh vực ung bướu, nhờ khả năng chụp với độ phân giải cao, lát cắt mỏng 0,4mm, máy phát hiện sớm tổn thương nhỏ ở phổi, gan, thận, xương… AI hỗ trợ phân biệt u lành hay ác tính, giúp chẩn đoán sớm ung thư và điều trị hiệu quả.

Trong tim mạch, Somatom Force VB30 có thể chụp tim ở mọi mức nhịp, kể cả bệnh nhân rối loạn nhịp tim hoặc có bệnh van tim bẩm sinh. Công nghệ “đóng băng chuyển động” trong một nhịp tim giúp ghi lại hình ảnh mạch vành rõ nét, đánh giá chính xác độ hẹp, kể cả với bệnh nhân đã đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu.

Đặc biệt, ở trẻ em và trẻ sơ sinh, đối tượng nhạy cảm với tia xạ, máy vận hành ở mức liều cực thấp nhờ chế độ Turbo Flash và bộ lọc thiếc, đảm bảo an toàn. Một lần chụp CT phổi chỉ tiêu tốn liều tia 0.14 mSv, tương đương với một lần chụp X-quang thông thường.

Việc trang bị "siêu máy CT" hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM không chỉ giúp người dân trong nước tiếp cận dịch vụ y tế công nghệ cao, mà còn thể hiện quyết tâm nâng tầm ngành y tế Việt Nam.

U tuyến thượng thận, bệnh lý ít gặp nhưng không thể chủ quan

Một ca phẫu thuật khó đã được các bác sỹ tại một cơ sở y tế thực hiện thành công khi loại bỏ khối u tuyến thượng thận kích thước lớn, nằm sát động mạch chủ bụng và đang trong tình trạng xuất huyết, hoại tử nghiêm trọng. Ca mổ được hỗ trợ bởi robot phẫu thuật hiện đại Da Vinci Xi, giúp đảm bảo an toàn và rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh.

Bệnh nhân là bà T.B. (56 tuổi, Tiền Giang), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi kéo dài, huyết áp tăng bất thường, kèm theo buồn nôn và khó thở. Qua thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ phát hiện bà có khối u tuyến thượng thận trái kích thước 6x5 cm, đang chảy máu, có dấu hiệu hoại tử và viêm dính nhiều mô lân cận.

PGS-TS.Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu -Thận học - Nam khoa đã quyết định thực hiện phẫu thuật cắt u cho bà B. bằng hệ thống robot Da Vinci Xi, cùng êkip gồm ThS.BS Phan Đức Hữu và BS.CKI Phan Trường Nam.

“Khối u lớn, nằm sát động mạch chủ bụng và viêm dính nhiều vị trí quan trọng, trong khi đang có hiện tượng xuất huyết và hoại tử. Đây là một trong những tình huống phẫu thuật phức tạp và cần sự hỗ trợ tối đa về mặt công nghệ”, PGS-TS.Chuyên nhận định.

Với độ chính xác đến từng milimet, robot Da Vinci Xi hỗ trợ bác sỹ tiếp cận sâu vào vùng mổ khó, bóc tách khối u mà không gây tổn thương các mô lành. Đặc biệt, với thiết kế linh hoạt, các cánh tay robot có thể thay đổi vị trí gắn camera giúp phẫu thuật viên quan sát vùng mổ rõ ràng và chính xác hơn. Trong trường hợp này, camera được gắn vào cánh tay số 3 để có góc nhìn tối ưu cho thao tác phẫu thuật.

Ngoài ra, robot còn tích hợp sẵn các chức năng cắt, hàn, đốt cầm máu... giúp quá trình xử lý tổn thương diễn ra nhanh chóng, giảm tối đa mất máu và nguy cơ tai biến.

Sau hơn một giờ phẫu thuật, khối u được loại bỏ hoàn toàn. Người bệnh không mất máu đáng kể, không tổn thương các mô và cơ quan lân cận. Chỉ sau 4 ngày, bà B. đã hồi phục tốt, ăn uống bình thường và được xuất viện.

Tuyến thượng thận là một phần trong hệ thống nội tiết, đảm nhiệm sản xuất các hormone quan trọng như cortisol, aldosterone và adrenaline, giúp điều hòa huyết áp, chuyển hóa, miễn dịch và phản ứng với căng thẳng.

U tuyến thượng thận tuy hiếm gặp nhưng có thể là u lành hoặc ác tính. Dù là u lành tính, nếu có hiện tượng xuất huyết, hoại tử hoặc ảnh hưởng chức năng nội tiết, cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng.

Theo ThS.BS Phan Đức Hữu, u tuyến thượng thận được phân loại thành u chức năng (có hoạt động nội tiết) và u không chức năng (không ảnh hưởng đến nội tiết). Với u chức năng, dù kích thước nhỏ vẫn cần can thiệp phẫu thuật. Với u không chức năng, nếu dưới 4 cm có thể theo dõi định kỳ; nếu trên 4 cm hoặc có dấu hiệu bất thường thì cần phẫu thuật sớm.

“Trường hợp của bà B., khối u có diễn tiến nhanh, tăng sinh mạch máu, viêm dính và có nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời. Phẫu thuật bằng robot Da Vinci Xi là lựa chọn tối ưu nhất hiện nay”, ThS.BS Hữu cho biết.

Sau mổ, khối u sẽ được gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định bản chất. Nếu là u ác tính, người bệnh sẽ được theo dõi sát và điều trị bổ sung trong vòng 1-3 tháng tiếp theo.

Bác sỹ Hữu cảnh báo: nhiều bệnh nhân u tuyến thượng thận không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Những dấu hiệu cần lưu ý gồm: tăng huyết áp không kiểm soát, mệt mỏi kéo dài, giảm cân không rõ nguyên nhân, rối loạn nội tiết (rậm lông, thay đổi da, rối loạn kinh nguyệt…), đau bụng, đau lưng hoặc khối u được phát hiện tình cờ khi chụp hình ảnh.

Ngoài ra, yếu tố di truyền, tiền sử gia đình, hoặc mắc các hội chứng liên quan cũng làm tăng nguy cơ mắc u tuyến thượng thận.

Bác sỹ khuyến cáo người dân nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, hạn chế đường, muối, mỡ động vật. Đồng thời, cần khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần và tập luyện thể dục để nâng cao miễn dịch, phòng ngừa các bệnh lý nội tiết nguy hiểm.

Suy kiệt cơ thể, chỉ còn cân nặng còn 25kg vì co thắt tâm vị

Sau hơn 30 năm sống chung với chứng khó nuốt, bà Hoàng Thị Hiền (61 tuổi, Hà Nội) suy kiệt nghiêm trọng, cân nặng tụt xuống chỉ còn 25kg, tính mạng bị đe dọa. Nhờ được điều trị bằng kỹ thuật cắt cơ thực quản qua nội soi (POEM) tại viện, bà đã vượt qua biến chứng nguy hiểm và từng bước phục hồi.

Bà Hiền bắt đầu gặp triệu chứng nuốt nghẹn sau khi sinh con thứ hai. Do uống nước thấy dễ chịu nên bà chủ quan, không đi khám. Suốt hơn ba thập kỷ, tình trạng khó nuốt kéo dài âm thầm. Cách đây một năm, sau tai nạn bỏng nghiêm trọng, tình trạng của bà trở nên trầm trọng hơn: bà không thể ăn uống bình thường, kể cả nước hay sữa cũng khó nuốt và dễ nôn ói.

Bà đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán giãn thực quản không rõ nguyên nhân và phải đặt ống thông mũi, dạ dày để duy trì nuôi dưỡng. Thể trạng ngày càng suy giảm nghiêm trọng, bà sút từ 40 kg xuống chỉ còn 25 kg, kèm nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng.

Tiếp nhận điều trị, ThS.BS Đào Trần Tiến, Khoa Tiêu hóa, chỉ định đo vận động thực quản bằng máy đo áp lực. Đây là kỹ thuật “vàng” trong chẩn đoán rối loạn vận động thực quản. Kết quả xác định bà mắc bệnh co thắt tâm vị điển hình, trong đó cơ vòng thực quản dưới không mở ra khi nuốt khiến thức ăn ứ đọng trong thực quản, lâu ngày dẫn tới giãn lớn và biến dạng thực quản.

Tai nạn bỏng trước đó khiến các cơ vùng cổ họng và thực quản của bà bị xơ hóa, co cứng, làm suy giảm hoàn toàn khả năng hỗ trợ nuốt như thay đổi tư thế, vươn người hay uống nước. Khi nhập viện, chỉ số BMI của bà ở mức 12, thuộc nhóm suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Thực quản bị giãn lớn như túi, thức ăn và dịch thường xuyên ứ đọng, gây viêm phổi hít tái diễn, một biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sỹ Tiến, trước đây phương pháp nong thực quản được sử dụng phổ biến, tuy nhiên trong trường hợp này sẽ kém hiệu quả do thực quản đã giãn lớn, có nguy cơ rách. Mổ mở cũng không phù hợp vì thể trạng bệnh nhân quá yếu.

Do đó, kỹ thuật cắt cơ thực quản qua nội soi đường miệng (POEM) là phương án tối ưu nhất hiện nay nhờ ít xâm lấn, phục hồi nhanh, kiểm soát chính xác vùng can thiệp và đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân yếu, thực quản giãn nặng.

Tuy nhiên, thực hiện POEM trên bệnh nhân suy kiệt nặng là một thách thức lớn. Các lớp cơ và mô mỡ toàn thân đều teo mỏng, thành thực quản yếu, tăng nguy cơ chảy máu, thủng hoặc rách trong quá trình thao tác.

Ngoài ra, thực quản giãn lớn làm sai lệch hướng đi, khiến bác sỹ khó định vị khi nội soi. Êkip phải sử dụng hệ thống dây dẫn định vị và điều chỉnh linh hoạt để xác định chính xác vị trí cần cắt cơ. Tại vùng tâm vị, nơi co thắt mạnh nhất, bác sỹ phải tính toán cắt vừa đủ để giải phóng tắc nghẽn, nhưng vẫn hạn chế tối đa nguy cơ trào ngược dạ dày sau can thiệp.

Ca nội soi được thực hiện thành công. Hình ảnh X-quang sau đó cho thấy thuốc cản quang lưu thông tốt xuống dạ dày, không còn ứ đọng ở thực quản. Chỉ sau 1-2 giờ, bà Hiền có thể uống nước, sang ngày thứ hai ăn được cháo và đến ngày thứ ba đã dùng được các món ăn mềm như phở. Thể trạng cải thiện rõ rệt từng ngày.

Bác sỹ Tiến khuyến cáo, sau thủ thuật POEM, bệnh nhân cần ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu trong 7 ngày đầu để tránh ảnh hưởng vị trí khâu cắt.

Sau đó có thể ăn uống bình thường nhưng cần tránh thực phẩm cay, chua, có gas, rượu bia và caffeine để phòng nguy cơ trào ngược.

Với bệnh nhân suy kiệt lâu ngày như bà Hiền, cần ăn từng bữa nhỏ, tăng dần khẩu phần để giúp hệ tiêu hóa thích nghi trở lại, đồng thời bổ sung thực phẩm giàu đạm, sữa, chất béo lành mạnh và vitamin để nhanh phục hồi.

Co thắt tâm vị là bệnh lý rối loạn vận động thực quản, thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm và dễ bị nhầm với trào ngược dạ dày, rối loạn tâm lý hoặc ung thư thực quản. Bệnh không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như giãn thực quản, suy dinh dưỡng, viêm phổi hít và thậm chí tăng nguy cơ ung thư thực quản gấp 50 lần.

Người bệnh có triệu chứng nuốt nghẹn kéo dài, nôn trớ thức ăn cũ, sụt cân không rõ nguyên nhân… cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa sớm. Đo áp lực thực quản hiện là tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh co thắt tâm vị.

Công nghệ robot - xu hướng tương lai của phẫu thuật ung thư
Một bệnh nhân nam 64 tuổi vừa được các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính ở phổi bằng robot phẫu thuật Da Vinci Xi. Nhờ ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư