Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng cá nhân sụt giảm, lợi nhuận ngân hàng năm 2020 dự kiến chỉ tăng 4,9%
Thùy Liên - 01/09/2020 15:55
 
Cho vay cá nhân giảm sụt giảm đang tác động lớn đến thu nhập lãi của ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao và biên lãi ròng lớn.
f

Tín dụng tăng nhờ cho vay doanh nghiệp

Theo báo cáo vừa công bố của FiinGroup dựa trên báo cáo tài chính quý 2/2020 của 19 ngân hàng niêm yết, cho vay khách hàng của nhóm ngân hàng này tính đến cuối quý 2/2020 chỉ tăng trưởng 3,4%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ hai năm trước (9,2% năm 2018, 8,2% năm 2019). Bên cạnh đó, tín dụng cũng tăng thấp hơn huy động (tăng 4,2%). Điều này khác với xu hướng trong những năm gần đây khi tăng trưởng cho vay khách hàng luôn cao hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng.

Đáng nói, tín dụng cá nhân có xu hướng giảm từ năm 2019, dù vẫn là động lực chính. Cụ thể, năm 2019, tín dụng cá nhân của 16 ngân hàng niêm yết chỉ còn tăng 22,6% trong khi năm 2018 là 23,7%. Ngược lại, tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh trở lại với mức tăng 11% (từ mức tăng 7,6% năm 2018).

Nửa đầu năm nay, tuy số liệu về tín dụng cá nhân và tín dụng doanh nghiệp không được phân tách rõ trong báo cáo tài chính các ngân hàng song 5 ngân hàng có phân tích trong thuyết minh báo cáo tài chính (VPB, VIB, MBB, SHB, KLB) cho thấy động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đến từ tín dụng doanh nghiệp.

Trong đó, VPB, VIB, MBB, KLB đều là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng cá nhân cao. Vì vậy, việc tín dụng cá nhân của các ngân hàng này chỉ tăng trưởng 2% trong khi tín dụng doanh nghiệp tăng 9,6% cho thấy xu hướng tín dụng cá nhân bị ảnh hưởng nhiều hơn do Covid-19 cũng như xu hướng siết tín dụng cá nhân của các ngân hàng.

Các chuyên gia phân tích của Fiingroup nhận định, xu hướng giảm tốc tín dụng cá nhân ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần và biên độ lãi thuần (NIM) của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao và biên lãi ròng lớn. NIM của 19 ngân hàng niêm yết giảm 8,8 điểm cơ bản (bps) so với quý 1/2020.

NIM quý 2/2020 của các ngân hàng sút giảm không chỉ do tín dụng cá nhân sụt giảm mà còn là sự phản ánh rõ ảnh hưởng từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Tăng thu ngoài lãi không thể bù đắp sụt giảm từ tín dụng 

Về cơ cấu thu nhập của ngân hàng, theo FiinGroup, trong quý 2/2020, thu nhập lãi thuần trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 68,6% tổng thu nhập hoạt động trừ chi phí dự phòng, giảm từ mức 70,2%.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại (mua bán ngoại tệ, chứng khoán, góp vốn/mua cổ phần…) chiếm lần lượt 14,6% và 16,8%, tăng so với mức 13,2% và 16,5% trong quý 1/2020.  

Với tín dụng tăng trưởng thấp và NIM giảm mạnh, thu nhập lãi thuần (chưa trừ dự phòng) của 19 ngân hàng niêm yết giảm 7,5% so với Q1-2020 và chỉ tăng trưởng 0,1% so với Q2-2019. Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tăng 6,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng tăng 9,6% so với cùng kỳ, thu nhập từ các hoạt động còn lại tăng 25,2% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sau khi xuống mức thấp trong quý 1/2020 tăng trở lại đáng kể, đạt mức 14,6%. Cùng với lãi từ các hoạt động còn lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng với các ngân hàng trong quý 2/2020 trong bối cảnh thu nhập lãi thuần chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ và giảm 7,5% so với quý liền kề.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng các khoản thu nhập như vậy, đặc biệt là việc giảm NIM và thu nhập lãi thuần, theo FiinGroup, việc các ngân hàng có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 là hết sức thách thức.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập từ chứng khoán tăng trưởng 268,1% so với cùng kỳ, chiếm 5,3% tổng thu nhập hoạt động trừ chi phí dự phòng của ngân hàng (tăng so với mức 1,55% cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, việc tăng tỷ trọng thu nhập từ chứng khoán chỉ có thể bù đắp phần nào sự suy giảm về NIM và thu nhập lãi thuần.

Lợi nhuận cả năm chỉ tăng 4,9%

Tính riêng trong quý 2/2020, lợi nhuận sau thuế của 19 ngân hàng niêm yết tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế của  khối ngân hàng niêm yết chỉ tăng 12,8% so với cùng kỳ, giảm nhiều so với hai năm trước đó.

Một điểm đáng lưu ý nữa là tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 2/2020 có sự đóng góp đáng kể từ cắt giảm chi phí hoạt động. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động giảm 4,5% trong khi chi phí hoạt động giảm 12%, tiếp diễn xu hướng từ quý 1/2020 với tổng thu nhập hoạt động giảm 5,9% trong khi chi phí hoạt động giảm 14,2%. Điều này khác với các năm trước khi chi phí hoạt động có xu hướng giảm trong quý 1 rồi tăng trở lại trong quý 2.

Ngoại trừ BVB và NVB, 17 ngân hàng còn lại đã cắt giảm mạnh chi phí cho nhân viên - khoản chiếm lớn nhất trong chi phí hoạt động- với tổng mức giảm 8% trong quý 2/2020 và 13,6% trong quý 1/2020. Khoản chi lớn tiếp theo là chi cho hoạt động quản lý công vụ giảm 33,9% trong quý 2/2020 và 12,6% trong quý 1/2020.

Không những thế, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 19 ngân hàng niêm yết cũng giảm 19,4% so với quý 1/2020, góp phần vào việc tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, do Thông tư 01, mức tăng này chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận của các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 8/6/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249 nghìn khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, và chỉ phải trích lập dự phòng theo nhóm nợ đã cơ cấu lại.

Trong quý 2/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng lên 1,71% từ mức 1,44% cuối quý 4/2019. Nếu không thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn.

Với tình hình hiện tại, FiinGroup dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 18/19 ngân hàng (riêng CTG không đưa ra kế hoạch cụ thể) dự kiến chỉ tăng 4,9% so với năm 2019. Kế hoạch này khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết nửa đầu năm nay (tăng 12,95).

Báo cáo của FiinGroup cũng nhấn mạnh, con số lợi nhuận trên là nhờ những thay đổi trong chính sách hạch toán của Ngân hàng theo Thông tư 01 của NHNN. Theo đó, dư nợ được cơ cấu này sẽ vẫn được hạch toán là Nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, khi các chính sách này thay đổi thì sự tác động của Covid-19 đến chất lượng tín dụng và qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng sẽ được phản ánh.

Dự phòng "bào mòn" lợi nhuận ngân hàng nhỏ
Báo cáo tài chính quý II/2020 của một số nhà băng nhỏ cho thấy, lợi nhuận quý này sụt giảm do tăng trích dự phòng rủi ro.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư