Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng chính sách giúp người nghèo ở Bắc Kạn làm giàu
Nguyễn Duy - 25/08/2018 09:46
 
Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ gia đình ở Bắc Kạn - một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn đã có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh, thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Đưa vốn chính sách đến người nghèo

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn quyết tâm khắc phục khó khăn, đưa nguồn vốn chính sách đến với người dân nghèo. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hàng chục ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có cơ hội tham gia sản xuất - kinh doanh, có thu nhập ổn định, tích lũy và làm giàu.

Bà Hoàng Thị Loan đã nhiều lần được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất bánh phở và phở khô.
Bà Hoàng Thị Loan đã nhiều lần được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất bánh phở và phở khô.

Từ chỗ chỉ có 2 chương trình gồm cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo khi nhận bàn giao vào năm 2003, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, đa dạng các cơ hội vay vốn cho người dân nghèo. 

Đến hết năm 2017, Ngân hàng đã cho 242.218 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với số tiền 4.442 tỷ đồng. Trong đó, 115.748 lượt hộ nghèo, 9.713 lượt hộ cận nghèo, 832 lượt hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu.

Ngoài ra, 13.484 dự án thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm được tiếp cận vốn vay, thu hút 16.250 lao động có việc làm ổn định; 2.275 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ và giúp đỡ gia đình; 6.516 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để làm ăn, cải thiện đời sống; 13.097 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải học phí...

Thoát nghèo từ vốn chính sách

Nhờ vay vốn chính sách để trồng cam, gia đình chị Cao Thị Xanh (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông) đã có thu nhập ổn định, xây nhà và mở rộng diện tích trồng cam. Trước đó, năm 2001, gia đình chị rơi vào tình cảnh trắng tay khi bão lũ quét qua, cuốn trôi cả căn nhà, nhận chìm ruộng lúa. Năm 2002, chị được vay vốn lần đầu từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn. Số tiền vay chỉ 2 triệu đồng, nhưng là nguồn vốn quý đủ để chị mua cây giống và trồng cam bản địa.  Năm 2013, gia đình chị được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng cam. Hiện gia đình chị có 1 ha cam, quýt và 200 gốc cam đường canh, cho thu nhập mỗi năm chừng 150 - 200 triệu đồng. 

Tính đến nay, hộ gia đình bà Hoàng Thị Loan (phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông) đã 3 - 4 lần được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn để sản xuất bánh phở, phở khô. Mỗi ngày, lò bánh của bà làm hết 100 kg gạo, thu 80 kg thành phẩm, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm. Vốn vay của Ngân hàng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. 

Các hoạt động lồng ghép các chương trình vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với các chương trình, dự án giúp thay đổi nhận thức của người dân. Họ đã biết chủ động tính toán, đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đạt doanh số cho vay hơn 265 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 239 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2018 là 1.818 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với 31/12/2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư