Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng sẽ dần được khơi thông
Thùy Vinh - 05/03/2014 08:50
 
Trả lời phóng viên , ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, để kích cầu tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nhiều gói kích cầu dòng chảy vốn, với lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm. Lãi suất cao, tín dụng sản xuất bị chèn lấn >Bộ Xây dựng phủ nhận đề xuất gói 100.000 tỷ đồng cho BĐS >Thừa tiền - thiếu vốn vẫn là bộ phim nhiều tập

Lãi suất huy động đang dần được điều chỉnh giảm thêm, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chưa giảm lãi suất cho vay. Ông nhận định thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước  Chi nhánh TP.HCM
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh TP.HCM

Sau Tết Nguyên đán, dư nợ tín dụng của các ngân hàng tăng chậm lại, trong khi nguồn tiền gửi vẫn dôi dư.

Chính vì thế, các ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động nhằm cắt giảm chi phí, đồng thời để có cơ sở giảm lãi suất cho vay cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp trong thời gian tới, thì trước hết phải giảm lãi suất đầu vào.

Do đó, có thể trước mắt, lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay, mà có khả năng bắt đầu từ quý II/2014, các ngân hàng sẽ điều chỉnh, lãi suất có thể giảm thêm 1-2%.

Hiện lãi suất cho vay đối với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 8 - 8,5%/năm với ngắn hạn và 10 - 11%/năm với trung, dài hạn.

Dự kiến, kế hoạch triển khai chương trình kết nối cung - cầu vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn năm nay diễn biến ra sao? Quy mô vốn, lãi suất như thế nào, thưa ông?

Quy mô vốn của chương trình cho vay ưu đãi này trong năm nay sẽ được tăng lên gần gấp đôi, trên 20.000 tỷ đồng, thay vì chỉ có 13.000 tỷ đồng như năm qua. Lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm dần, ít nhất khoảng 1-2% so với hiện nay.

Cho dù quy mô và số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua chương trình vẫn ở mức độ còn khá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, song kết quả của chương trình là rất quan trọng và mang lại hiệu quả lớn đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM đã có nhiều khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng 6,35%; tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6%; tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 9,04% so với năm 2012. Điều này thể hiện rõ những giải pháp hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vậy nguồn vốn cho vay chương trình bình ổn hàng hóa năm nay ra sao?

Nếu như năm 2013, chỉ có 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn tham gia cho vay bình ổn, với tổng nguồn vốn cho vay là 1.960 tỷ đồng, thì năm nay, dự kiến sẽ mở rộng cho các ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ bình ổn, với lãi suất chỉ 6%/năm. Tính đến thời điểm này, nguồn vốn ngân hàng đăng ký cho vay chương trình bình ổn đã lên đến 4.500 tỷ đồng và khả năng nguồn vốn này sẽ tăng lên cao hơn trong thời gian tới.

Trước mắt, các ngân hàng sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gia súc, gia cầm. Hiện có khoảng 60 doanh nghiệp đăng ký tham gia kinh doanh hàng bình ổn theo danh sách của Sở Công thương TP.HCM.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang làm việc với Sở Công thương để từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhất là với các đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh hàng bình ổn, với lãi suất thấp 6%/năm.

Ngân hàng vẫn chủ yếu chỉ được cho vay ngắn hạn do lo ngại nợ xấu gia tăng, trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp hiện rất lớn, thưa ông?

Chương trình triển khai cho vay ưu đãi năm 2014 của TP.HCM sẽ bao gồm cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn; cả VND lẫn ngoại tệ trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nguồn vốn huy động cũng được cơ cấu lại và gia tăng kỳ hạn gửi dài ngày, thay vì kỳ hạn ngắn như trước. Đây cũng chính là điều kiện tốt để phát triển tín dụng trung và dài hạn.

Đối với vấn đề nợ xấu, thì các ngân hàng đã và đang tích cực xử lý, trong đó có việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Còn các khoản vay mới sẽ được kiểm soát chặt hơn về chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện tốt hơn đối với ngân hàng trong việc đẩy mạnh cho vay hiện vẫn chính là sức khỏe của doanh nghiệp đang dần cải thiện, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kỳ vọng sẽ tốt hơn trong các quý tiếp theo.

Tín dụng tăng trưởng âm 1,66%; chưa bỏ trần lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 20/2/2014, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66%, trong đó tín dụng tiền đồng giảm tới 1,94%. NHNN cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư