Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Tín dụng tăng "thần tốc" trong tháng 6/2024; VND mất giá thấp so với nhiều nước trong khu vực
Thùy Liên - 23/07/2024 14:28
 
Tín dụng đã có sự tăng trưởng thần tốc trong tháng 6/2024 với mức tăng 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng cộng lại.

Tín dụng bất động sản tăng 4,6%, riêng cho vay doanh nghiệp bất động sản tăng 10,29%

Tín dụng đã có sự tăng trưởng thần tốc trong tháng 6/2024 với mức tăng 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng cộng lại.  

Thông tin tại Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, chia sẻ tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...

Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, chiếm tỷ trọng 39-40% tổng tín dụng bất động sản; Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%. Như vậy, cầu vay mua nhà đã thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm song vẫn ở mức thấp.

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng đột biến trong tháng 6/2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tín dụng tăng phản ánh khách quan thực tế. Vào đầu năm kinh tế chưa thực sự khởi sắc nhưng đến gần đây mọi chuyện đã sáng sủa hơn rất nhiều, cầu đầu tư tăng sẽ kéo theo cầu tín dụng.

Theo Phó thống đốc NHNN, việc đẩy mạnh tín dụng phải đến từ hai phía. Đầu tiên phải có những chính sách tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, chẳng hạn như yếu tố pháp lý, làm sao cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là về vốn, vốn đến từ nhiều nguồn, vốn tự có của doanh nghiệp, từ thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu, và từ vay ngân hàng. Những nguồn này phải được đẩy mạnh đồng bộ. Riêng ngành ngân hàng thì thời gian qua đã rất quyết liệt để đẩy vốn ra nền kinh tế.

Không để nảy sinh tâm lý găm giữ tỷ giá.

Với điều hành tỷ giá, lãnh đạo NHNN cho biết, tỷ giá có quan hệ tổng hoà với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường.

Tuy nhiên công tác điều hành tỷ giá của NHNN 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Nửa đầu năm nay, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền. Thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Từ đầu năm đến nay, VND mất giá khoảng 4,4%. Mức mất giá này là thấp hơn so với nhiều nước, Hàn Quốc, Nhật Bản đồng nội tệ mất giá tới 7% hoặc 11%. Phó thống đốc nhận định, mức mất giá của VND như vậy là mức hợp lý.

"Chúng ta không thể căng cứng, cố định tỷ giá trong bối cảnh như vậy. Chúng ta điều hành tỷ giá sao cho hài hoà, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ", ông nói.

Chia sẻ về định hướng điều hành tỷ giá trong những tháng còn lại của năm 2024, lãnh đạo NHNN khẳng định, công tác điều hành không chỉ đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, tránh tâm lý găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp mà còn nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD, kiến nghị giải pháp ngăn "bùng nợ"
Tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, song thị trường này đang gặp khó khăn vì tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư