Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 29/9: Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng; Phát hiện một trường hợp nhiễm sốt rét hiếm gặp
D.Ngân - 29/09/2022 09:45
 
Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng ở TP.HCM. Đắk Lắk vừa phát hiện một trường hợp nhiễm sốt rét Plasmodium malariae - một thể sốt rét ác tính hiếm gặp... là những thông tin đáng chú ý.

Báo cáo sự cố y khoa vì sự an toàn của người bệnh

Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Quốc gia về sức khỏe và y tế toàn cầu (NCGM) Nhật Bản vừa khai giảng lớp tập huấn “Báo cáo sự cố y khoa”.

Sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro như bệnh viện. Việc báo cáo sự cố y khoa có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự an toàn của người bệnh.

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và an toàn người bệnh là vấn đề sống còn hiện nay. Trọng tâm của công tác “An toàn người bệnh” chính là ngăn ngừa không để xảy ra sự cố y khoa.

Đào tạo liên tục là chìa khóa để giúp đội ngũ cán bộ nhân viên bệnh viện nhận thức và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về “An toàn người bệnh” và công tác phát hiện, báo cáo, phân tích và xây dựng các giải pháp ngăn ngừa sự cố y khoa.

Những kiến thức và kinh nghiệm về “Báo cáo sự cố y khoa và An toàn người bệnh” từ Nhật Bản mà các chuyên gia của NCGM cung cấp trong đợt tập huấn này sẽ giúp ích rất nhiều cho đội ngũ cán bộ nhân viên Việt Nam nâng cao trình độ và thay đổi thái độ, hành vi, cùng nhau xây dựng, hoàn thiện, củng cố môi trường khám bệnh, chữa bệnh an toàn, tin cậy, hiệu quả.

Khóa tập huấn theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Các khóa tập huấn tiếp theo: Khóa 2 (ngày 18/10) và khóa 3 (ngày 17/11).

Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục mở cổng kết nối truyền trực tuyến đến tất cả các điểm cầu là các bệnh viện và cơ sở y tế trong cả nước có nhu cầu tham gia tập huấn.

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay, Thành phố ghi nhận 14.738 ca mắc tay chân miệng. Riêng tuần 39 (từ ngày 19/9/2022 – 25/9/2022), thành phố ghi nhận thêm 488 ca mắc mới, tăng 16,7% so với trung bình 4 tuần trước.

Ảnh minh hoạ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ ngày 15/9-28/9 bệnh viện đã tiếp nhận 688 trường hợp ngoại trú điều trị bệnh tay chân miệng và có 39 ca điều trị nội trú.

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian dài bị gián đoạn do dịch Covid-19 khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn trong đó có bệnh tay chân miệng.

Phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần đặc biệt cẩn thận khi trẻ tựu trường mùa dịch. Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phòng dịch. Cho tới nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc-xin để phòng bệnh, vậy nên biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng vẫn là rửa tay sạch sẽ, vệ sinh nơi ở và đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng chia sẻ thêm, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ như nổi hồng ban ở tay, chân, sốt, biếng ăn, loét miệng.... thì cần nghĩ ngay tới tay chân miệng vì đây là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em và rất nguy hiểm đối với trẻ.

Cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

Người dân không được chủ quan trước dịch bệnh vì trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần trong đời. Ngoài ra, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí có thể tử vong khi mắc bệnh tay chân miệng.

Đắk Lắk: Phát hiện một trường hợp nhiễm sốt rét hiếm gặp

Thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, tỉnh này vừa phát hiện một trường hợp nhiễm sốt rét Plasmodium malariae - một thể sốt rét ác tính hiếm gặp.

Bệnh nhân là N.H.T 22 tuổi, đến Bờ Biển Ngà (châu Phi) làm việc ở vùng rừng núi được khoảng hơn 1 tháng thì bắt đầu bị sốt. Cơn sốt ban đầu không điển hình, sốt kéo dài 6-7 giờ kèm vã mồ hôi, đau đầu. Về sau thì sốt cách nhật kéo dài chỉ 2 giờ.

Tại châu Phi, khi phát sốt, bệnh nhân chỉ uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Do sốt kéo dài, người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, đến ngày 20/9/2022 bệnh nhân trở về Việt Nam và nhập viện tại Bệnh viên Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.

Sau khi test nhanh và làm xét nghiệm lam máu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt rét Plasmodium malariae.

Người bệnh đã được điều trị uống thuốc SR Chloroquin và Primaquin liều duy nhất. Sau 3 ngày dùng thuốc, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hết sốt và đang được tiếp tục theo dõi.

Hai biến chứng nặng nhất của tay chân miệng cần đặc biệt lưu ý
Biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư