Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Hai biến chứng nặng nhất của tay chân miệng cần đặc biệt lưu ý
D.Ngân - 27/05/2022 20:05
 
Biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Theo Bộ Y tế, hiện đã có hơn 5.500 ca tay chân miệng được phát hiện từ đầu năm đến nay, trong đó có 1 ca tử vong. Thời điểm hiện tại, dịch đang tăng mạnh tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng. 

Biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Tại Hà Nội, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng so với thời gian trước. Cụ thể, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trẻ nhập viện do tay chân miệng đang tăng dần. 

Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, từ đầu tuần đến nay, trẻ vào nhập viện tăng gấp đôi, gấp ba so với tuần trước, với khoảng 20 trẻ. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng ghi nhận các ca tay chân miệng đến khám và nhập viện. Đáng lưu ý tay chân miệng lây rất nhanh, trong lớp có 1 trẻ mắc thì nhiều trẻ khác sẽ lây bệnh.

Còn theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ sở thường gặp những ca biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim. 

Đây là 2 biến chứng hay gặp, khiến trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Ý kiến của bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, mặc dù 70% ca tay chân miệng ở thể nhẹ, đa số tự khỏi nhưng cũng có một số trẻ gặp phải biến chứng nặng có thể tấn công vào não gây tổn thương trung tâm hô hấp, tuần hoàn làm cho trẻ dễ suy hô hấp và tuần hoàn, có thể tử vong. 

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong (do biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi..) nếu không xử trí kịp thời. Vì vậy, trẻ cần được theo dõi sát, để xử trí kịp thời những biến chứng xảy ra.

Được biết, trẻ bị tay chân miệng thường có những biểu hiện điển hình như loét miệng, lòng bàn tay bàn chân có những nốt phát ban hoặc bọng nước. 

Tuy nhiên, có những trẻ chỉ nổi nốt ở ngoài da tay chân mà miệng không có biểu hiện và ngược lại. Một số trường hợp tay chân miệng sang thương có thể nổi cả ở trên mông, trên đầu gối hoặc là ở cùi chỏ. 

Đáng lưu ý, trẻ mắc tay chân miệng đa số dưới 5 tuổi, trùng vào thời điểm trẻ mọc răng và đôi khi trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng làm cho trẻ chảy nước miếng hay biếng ăn nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn trẻ bị mọc răng, không phát hiện bệnh kịp thời.

Ngoài nhầm lẫn với sốt mọc răng, nhiệt miệng, tay chân miệng còn hay bị chẩn đoán nhầm với sốt phát ban, thậm chí là thủy đậu do các nốt bóng nước trên cơ thể.

Theo các bác sĩ, khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ mắc tay chân miệng có thể tái mắc sau đó.

Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa cho biết, hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. 

Các bác sĩ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo 4 mức để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không. 

Theo đó, nếu bệnh nhân ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà. 

Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, dịch bệnh này chắc chắn sẽ bùng phát. 

Tương tự như đợt dịch năm 2013, nhiều trẻ bị di chứng bệnh rất nặng nề, có cháu bị di chứng thần kinh, bại não.

Vậy nên, bác sĩ Thoa khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đến viện càng sớm càng tốt, nếu trẻ có những dấu hiệu như sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt quá 48 tiếng.

Bên cạnh đó, trẻ có biểu hiện ngủ giật mình chới với, đi không vững như bình thường hoặc có biểu hiện nôn ói, ói liên tục, thở bất thường, thở mệt hoặc ngủ li bì không thức dậy, vã mồ hôi lạnh các bậc phụ huynh cũng cần đưa tới các cơ sở y tế kịp thời.

Với trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng, cha mẹ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị sốt, an toàn nhất là sử dụng paracetamol. 

Một số trẻ không sốt cao, nhưng nếu bé bị đau miệng do loét họng nhiều thì cũng có thể sử dụng thuốc paracetamol để giảm đau miệng. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến vệ sinh răng miệng cho trẻ vì những trẻ bị tay chân miệng rất ngại đánh răng và dễ ứ đọng nước miếng do trẻ bị đau miệng, không dám nuốt, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng, đặc biệt là viêm nướu răng, làm cho thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ trẻ bị sụt cân. 

Đặc biệt, phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ, để trẻ ăn mặc thoáng mát, không ủ trẻ quá kín, tránh không bôi hoặc đắp các loại lá cây hay thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Thời gian tới dự báo dịch tay chân miệng còn phức tạp do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, thói quen chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Sai lầm điều trị tay chân miệng

Khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ thường sử dụng thuốc xanh để bôi lên các nốt phỏng nước khiến hình dạng nốt bị che khuất, bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Thêm vào đó, không ít cha mẹ lại dùng kháng sinh để trị bệnh mà không hề biết trường hợp bệnh không bội nhiễm thì thuốc kháng sinh không có tác dụng. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Hơn nữa, còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh khiến việc điều trị bệnh lý chung sau này gặp không hiệu quả.

- Sử dụng vitamin trong thời gian trẻ bị chân tay miệng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ cũng là điều không cần thiết.

- Nhiều phụ huynh còn kiêng tắm khi trẻ mắc tay chân miệng. Điều này là không cần thiết vì không tắm có thể khiến trẻ bị ngứa ngáy, gãi nhiều khiến nốt phỏng bị vỡ, dẫn đến nhiễm trùng. Thời gian mắc bệnh trẻ có thể tắm như bình thường nhưng cần tắm nước ấm, ở nơi kín gió.

Đã có 4 ca tử vong do tay chân miệng
So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tay chân miệng tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư