Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 10/7: Bệnh diễn biến nặng vì không tái khám định kỳ
D.Ngân - 10/07/2025 10:34
 
Nữ bệnh nhân 66 tuổi, bị phình động mạch chủ ngực phát hiện cách đây 5 năm nhưng không tái khám định kỳ. Gần đây, khối phình giãn lớn vượt ngưỡng an toàn, buộc phải phẫu thuật để tránh nguy cơ vỡ mạch, đe dọa tính mạng.

Bệnh diễn biến nặng vì không tái khám định kỳ

Động mạch chủ là mạch máu lớn xuất phát từ tim, mang máu đi nuôi toàn bộ cơ thể. Đoạn đầu tiên của động mạch chủ, gọi là động mạch chủ lên, đặc biệt quan trọng vì chịu áp lực máu cao.

Bác sỹ khuyến cáo người bệnh nên tái khám định kỳ theo chỉ định để tránh biến chứng sức khỏe nguy hiểm.

Phình động mạch chủ ngực là tình trạng thành mạch tại một đoạn bị giãn lớn hơn 1,5 lần so với đường kính bình thường, làm tăng nguy cơ xảy ra hai biến chứng nguy hiểm: vỡ khối phình và bóc tách thành mạch, tức lớp mạch máu bị xé rách.

Theo Ths.Trần Thúc Khang, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho hay, phình động mạch chủ nếu được phát hiện sớm, người bệnh có thể theo dõi sát để can thiệp đúng thời điểm, ngăn ngừa biến chứng đột ngột. Tuy nhiên, trường hợp của bà Mường cho thấy hậu quả của việc bỏ qua tái khám định kỳ.

Cách đây 5 năm, trong một lần kiểm tra sức khỏe tổng quát, bà Mường được chẩn đoán có khối phình động mạch chủ lên kích thước khoảng 47 mm. Dù bác sỹ đã kê thuốc và hẹn tái khám để theo dõi tiến triển khối phình, bà chủ quan vì không có triệu chứng, sức khỏe ổn định nên không đi khám lại.

Đến nay, khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sỹ ghi nhận khối phình đã giãn tới hơn 55 mm, vượt ngưỡng nguy hiểm. Đáng chú ý, bà còn được phát hiện mắc van động mạch chủ hai mảnh dị tật bẩm sinh (bình thường van có ba mảnh).

Đây là một trong những nguyên nhân gây phình động mạch chủ do dòng máu xoáy, lệch tâm tạo áp lực bất thường lên thành mạch, lâu dài dẫn đến giãn và phình mạch.

Dù chưa có triệu chứng rõ ràng, nhưng với kích thước khối phình lớn và có van hai mảnh kèm tăng huyết áp, bác sỹ chỉ định phẫu thuật thay đoạn động mạch phình để phòng ngừa nguy cơ vỡ đột ngột.

Bác sỹ Khang cho biết, tổn thương tại động mạch chủ lên không thể can thiệp bằng đặt stent mà bắt buộc phải phẫu thuật mở ngực để thay đoạn mạch tổn thương bằng ống ghép nhân tạo. May mắn, van động mạch chủ hai mảnh của bà Mường vẫn hoạt động tốt nên không cần thay van.

Ca phẫu thuật được thực hiện thuận lợi. Các bác sỹ cắt bỏ đoạn động mạch chủ ngực bị phình và thay bằng đoạn mạch máu nhân tạo, giữ lại van tim. Sau mổ 6 ngày, bà Mường hồi phục tốt, vết mổ lành, tim hoạt động ổn định, kết quả tái khám cho thấy ống ghép hoạt động tốt, van không bị hẹp hoặc hở.

Bác sỹ Khang cảnh báo, phình động mạch chủ là bệnh tiến triển âm thầm, nhiều năm không có triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, hoặc có yếu tố gia đình với bệnh di truyền như hội chứng Marfan, hay dị tật van động mạch chủ hai mảnh... cần kiểm tra tim mạch định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Biến chứng vì dùng thuốc Nam chữa tuyến giáp

Sau nhiều năm đắp lá cây và uống thuốc gia truyền để chữa bướu cổ, bà H. (56 tuổi, ngụ Vũng Tàu) bất ngờ phát hiện khối u đã thòng xuống trung thất, chèn ép khí quản, đe dọa tính mạng.

Bà V.T.H. phát hiện có khối u ở cổ từ cách đây 20 năm. Dù được bác sỹ khuyên nên phẫu thuật sớm, bà từ chối vì sợ “đụng dao kéo” có thể gây biến chứng, đặc biệt là mất tiếng hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Suốt nhiều năm, bà H. miệt mài điều trị bằng phương pháp dân gian. Mỗi tuần hai lần, bà bắt xe từ Vũng Tàu ra Bình Thuận để lấy thuốc nam, chi phí mỗi đợt lên đến 5 triệu đồng. Sau nửa năm không thấy hiệu quả, bà tiếp tục đến Đồng Tháp tìm thầy lang đắp lá cây với hy vọng “tiêu u”. Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút đắp thuốc, vùng cổ bị bỏng nặng, phồng rộp, phải điều trị hơn một tháng mới lành, để lại sẹo thâm.

Khi không còn sờ thấy khối u ở cổ, bà H. vui mừng tưởng đã khỏi bệnh mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả chụp CT tại viện khiến bà choáng váng như khối u không biến mất mà đã thòng sâu xuống trung thất, khoang nằm giữa lồng ngực, nơi chứa các cơ quan trọng yếu như tim, khí quản, mạch máu lớn, thực quản...

Khối u dài gần một gang tay (khoảng 12 cm), chèn ép khí quản khiến bà H. cảm thấy thở rít mỗi khi nằm. Theo ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, chuyên khoa ung bướu,  Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đây là trường hợp bướu giáp thòng trung thất, khá nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời.

“Bướu không tiêu mà tiếp tục lớn dần và tụt xuống trung thất do nhiều yếu tố cơ học như trọng lực, áp lực âm trong lồng ngực khi hít vào, khí quản cổ ngắn, cổ to, cơ cổ khỏe...”, bác sỹ Trông lý giải.

Do bướu đã di chuyển sâu vào trung thất, việc tiếp cận và cắt bỏ khối u qua đường mổ cổ thông thường là vô cùng khó khăn. Nếu không khéo, bác sỹ buộc phải cưa xương ức để lấy khối u ra, một kỹ thuật xâm lấn lớn, gây đau đớn nhiều, nguy cơ mất máu, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng sau mổ cao và thời gian hồi phục kéo dài.

Theo các chuyên gia, bướu giáp thòng trung thất chiếm khoảng 3% - 20% trong tổng số các trường hợp bướu giáp, thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi.

Đa số bướu là lành tính, nhưng khi phát triển lớn có thể chèn ép khí quản, thực quản, mạch máu trung thất, gây khó thở, khó nuốt, thay đổi giọng nói, thậm chí suy hô hấp cấp nếu không điều trị kịp thời.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giúp loại bỏ triệt để khối bướu và cải thiện rõ rệt các triệu chứng.

Bác sỹ Đoàn Minh Trông khuyến cáo, hiện chưa có bằng chứng y học nào cho thấy việc đắp lá cây, uống thuốc nam hay thuốc gia truyền có thể làm tiêu bướu. Nhiều bệnh nhân khi không còn sờ thấy bướu cổ liền tưởng bệnh đã khỏi, nhưng thực chất bướu có thể đã di chuyển xuống ngực như trường hợp bà H.

Điều trị sai cách không chỉ tốn kém tiền bạc, công sức mà còn khiến bệnh tiến triển nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm. Khi bướu giáp thòng quá lớn, việc phẫu thuật sẽ càng khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Người phụ nữ có túi thừa hiếm gặp ở thực quản

Bà Hoàng, 66 tuổi, sống chung với hơi thở hôi trong nhiều năm do mắc túi thừa Zenker hiếm gặp ở thực quản. Khối túi thừa kích thước 2,5-3 cm gây ứ đọng thức ăn, vừa được các bác sỹ cắt bỏ thành công bằng phương pháp nội soi hiện đại, ít xâm lấn.

Theo TS.Đỗ Minh Hùng, chuyên gia tiêu hóa, túi thừa Zenker là một túi nhỏ hình thành do lớp niêm mạc thực quản phình ra qua một điểm yếu ở cơ, thường tại vị trí giao nhau giữa hầu họng và thực quản.

Đây là tình trạng rất hiếm gặp, chỉ chiếm 0,01-0,11% dân số. Dù lành tính, túi thừa có thể gây ra nhiều triệu chứng phiền toái và tiềm ẩn biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời.

Ba năm trước, bà Hoàng tình cờ phát hiện túi thừa Zenker trong một lần nội soi dạ dày định kỳ. Dù không gây đau, túi thừa khiến hơi thở bà có mùi hôi do thức ăn ứ đọng và phân hủy trong túi. Mỗi vài tháng, bà phải vào viện nội soi để hút sạch thức ăn tồn đọng, gây bất tiện trong sinh hoạt.

Gần đây, túi thừa có dấu hiệu to dần, kích thước lên đến 3 cm, làm tăng nguy cơ biến chứng như khó nuốt, viêm phổi hít, sặc thức ăn. Bà quyết định đến viện để can thiệp triệt để.

TS.Đỗ Minh Hùng đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực với 1.975 lát cắt để xác định chính xác vị trí, kích thước và mối liên quan giải phẫu của túi thừa với các cơ quan xung quanh.

Kết quả cho thấy túi thừa nằm ở cạnh trái thực quản cổ, ngay dưới sụn nhẫn, kích thước 3 cm, giới hạn rõ, không xâm lấn mỡ hay mô xung quanh. Với các yếu tố thuận lợi, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi qua đường miệng bằng ống mềm theo kỹ thuật hiện đại.

Trước đây, cắt túi thừa Zenker thường được thực hiện bằng mổ hở hoặc nội soi bằng ống cứng, những phương pháp xâm lấn nhiều, gây đau sau mổ và cần thời gian phục hồi lâu.

Hiện nay, kỹ thuật nội soi qua khoang thứ ba (third space endoscopy) là bước tiến mới. Bác sỹ tạo một đường hầm dưới lớp niêm mạc, tiếp cận cơ nhẫn hầu, nơi hình thành túi thừa để cắt và đóng lại bằng kẹp clip. Phương pháp này giúp kiểm soát tốt, không để lại sẹo, giảm đau, ít biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.

Trong ca nội soi, bác sỹ xác định vị trí túi thừa cách cung răng trên 15 cm. Sau khi tạo khoang giữa niêm mạc túi thừa và thực quản, bác sỹ dùng dao đốt cắt lớp cơ tạo nên túi, sau đó đóng kín lỗ mở bằng 5 kẹp clip. Toàn bộ quá trình diễn ra nhẹ nhàng, không có biến chứng.

Sau phẫu thuật, bà Hoàng không đau, đi lại bình thường và được xuất viện chỉ sau một ngày. Trong tuần đầu, bà sẽ ăn thức ăn loãng để tránh kích thích vùng can thiệp. Dự kiến bà sẽ trở lại sinh hoạt bình thường ngay sau đó.

Túi thừa Zenker là bệnh tiến triển chậm, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Khi kích thước lớn hơn, người bệnh có thể gặp khó nuốt, cảm giác mắc nghẹn ở cổ họng, ho mạn tính, sặc khi ăn, thậm chí viêm phổi hoặc loét, thủng túi thừa. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nam giới trên 60 tuổi và phổ biến tại các nước châu Âu, Bắc Mỹ hơn là châu Á.

Nguyên nhân hình thành túi thừa Zenker liên quan đến sự kết hợp giữa rối loạn chức năng cơ nhẫn hầu và yếu điểm giải phẫu bẩm sinh hoặc mắc phải, khiến lớp niêm mạc bị đẩy ra ngoài và tạo thành túi.

Do bệnh không thể phòng ngừa triệt để, bác sỹ khuyến cáo người dân, đặc biệt người lớn tuổi, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư