Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 05 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 18/5: Cao điểm kiểm tra, xử lý thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên toàn quốc
D.Ngân - 18/05/2025 08:02
 
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến sản xuất, phân phối thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sữa giả.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Công điện số 65/QĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả và các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mở cao điểm kiểm tra, xử lý thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên toàn quốc

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận ký nêu rõ, thực hiện Công điện số 40/CĐ-TTg, 41/CĐ-TTg (ngày 17/4/2025) và Công điện số 55/CĐ-TTg (ngày 2/5/2025) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh phòng, chống hàng giả trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2352/BYT-QLD (ngày 20/4/2025) và Công văn số 2936/BYT-QLD (ngày 15/5/2025) đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo mở đợt cao điểm trong tháng 5 nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả và hàng không rõ nguồn gốc.

Một trong những yêu cầu trọng tâm là đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, theo Công điện số 65/QĐ-TTg ngày 15/5/2025, các tỉnh, thành phố cần triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong thời gian từ 15/5 đến 15/6/2025. Phạm vi kiểm soát bao gồm các sản phẩm thuốc, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng và diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế. Kết quả thực hiện sẽ được báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/6/2025 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến sản xuất, phân phối thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sữa giả. UBND các tỉnh, thành cần phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 614/KH-BYT ngày 13/5/2025 về triển khai các công điện trên địa bàn.

Một trong những yêu cầu trọng tâm là đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các địa phương cần tập trung đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức; xử lý nghiêm tin báo, tố giác tội phạm và quản lý chặt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực y tế. Việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm sẽ giúp truy tìm tận gốc đường dây, ổ nhóm buôn bán hàng giả, tiến tới kiến nghị khởi tố theo quy định pháp luật.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan để phổ biến, yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu căn cứ khoa học hoặc phóng đại công dụng sản phẩm khi chưa được xác minh kỹ hồ sơ pháp lý. Những trường hợp quảng cáo gian dối sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần phổ biến nghiêm túc tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc tuân thủ quy chế, quy trình công tác; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, không bị tác động bởi lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế.

Công tác kiểm tra, giám sát đột xuất về phòng, chống tham nhũng cũng được yêu cầu tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi bao che, dung túng.

Bộ Y tế nhấn mạnh, công chức, viên chức sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mỹ phẩm giả và thiết bị y tế giả trên địa bàn.

Việc mở đợt cao điểm lần này là một trong những bước đi quyết liệt của Chính phủ và Bộ Y tế nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Biến chứng thẩm mỹ khó phục hồi do tự ý điều trị mụn

Một nam thanh niên 24 tuổi phải nhập viện và trải qua tiểu phẫu dẫn lưu áp xe do tự ý nặn mụn ở vùng mũi gây biến chứng viêm mô tế bào.

Anh T.P.K. (24 tuổi, ngụ TP.HCM) xuất hiện tình trạng sưng nề, đau nhức dữ dội vùng mũi sau khi tự tay nặn mụn. Mặc dù đã tự mua thuốc kháng sinh uống tại nhà, tình trạng vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngày hôm sau, anh K. đến viện để khám bệnh.

Tại đây, ThS.BS Trịnh Lê Vy, Đơn vị Tai Mũi Họng, người điều trị cho anh K, xác định anh K. bị viêm mô tế bào vùng mũi, có dấu hiệu hình thành áp xe. Trước nguy cơ biến chứng nặng, bác sỹ khuyến cáo nhập viện để điều trị sớm. Tuy nhiên, do vướng công việc, anh K. xin điều trị ngoại trú.

Trong quá trình theo dõi, tình trạng áp xe không cải thiện sau một tuần điều trị bằng kháng sinh đường uống. Vùng mũi vẫn sưng tấy, đau nhức nghiêm trọng. Anh K. quay lại tái khám và được phát hiện khối áp xe lan rộng, căng tức, có nguy cơ xâm lấn lên các vùng kế cận như ổ mắt, nền sọ.

"Bệnh nhân cần được can thiệp sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng như viêm mô ổ mắt, viêm xoang, hoặc thậm chí viêm tắc xoang hang, một tình trạng có thể gây tử vong", bác sỹ Vy cảnh báo.

Để loại bỏ tổn thương cho bệnh nhân, ê-kíp đã rạch một đường nhỏ bên ngoài mũi, tại vị trí cao nhất của ổ mủ để dẫn lưu. Đồng thời, tiếp cận từ khoang mũi bên trong để loại bỏ hoàn toàn ổ mủ tích tụ. “Chúng tôi lựa chọn đường rạch phù hợp cả bên trong và bên ngoài mũi nhằm đảm bảo yếu tố thẩm mỹ sau điều trị”, bác sỹ Duy cho biết thêm.

Sau khi lấy hết mủ, khoang áp xe được rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn, đặt ống dẫn lưu và băng ép để kiểm soát nhiễm trùng. Kết quả cấy vi khuẩn từ mẫu mủ cho thấy sự hiện diện của Staphylococcus aureus - vi khuẩn thường gây áp xe và có khả năng kháng kháng sinh cao.

Dựa trên kháng sinh đồ, các bác sỹ đã điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Sau 3 ngày hậu phẫu, tình trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ lành tốt, không có dấu hiệu biến chứng. Anh K. được xuất viện và tiếp tục điều trị ngoại trú.

Theo bác sỹ Phạm Thái Duy, hành động tự nặn mụn, đặc biệt ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm) là cực kỳ nguy hiểm. Vùng này có hệ thống tĩnh mạch thông nối trực tiếp với não qua xoang hang, dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu vi khuẩn xâm nhập.

“Khi dùng tay không sạch hoặc dụng cụ không vô trùng để nặn mụn, vi khuẩn dễ xâm nhập qua da, gây viêm mô tế bào. Nếu không kiểm soát kịp thời, viêm có thể tiến triển thành áp xe, lan rộng và gây tổn thương mô xung quanh”, bác sỹ Duy nhấn mạnh.

Lời khuyên: Khi xuất hiện mụn sưng đỏ, đau nhức hoặc có mủ, đặc biệt ở vùng mũi và mặt, người dân không nên tự ý nặn. Thay vào đó, cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và xử lý đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Vi khuẩn burkholderia ăn thủng van tim

Sau nhiều tháng sốt cao không rõ nguyên nhân, một người phụ nữ 46 tuổi được phát hiện bị vi khuẩn Burkholderia tấn công tim, khiến van động mạch chủ bị thủng nghiêm trọng, dẫn đến hở van nặng và suy tim. Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm của loại vi khuẩn này.

Chị L.T.L. bắt đầu có triệu chứng sốt liên tục từ tháng 3/2024, nhiệt độ thường xuyên ở mức 38–39°C, kèm theo mệt mỏi, khó thở khi gắng sức. Ban đầu chị cho rằng chỉ là cảm sốt thông thường nên tự uống thuốc hạ sốt tại nhà.

Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện. Sau khi đi khám tại một bệnh viện, kết quả cấy máu cho thấy chị nhiễm vi khuẩn Burkholderia. Dù đã được điều trị bằng kháng sinh trong một tuần, tình trạng sốt vẫn kéo dài. Tháng 6/2024, chị chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để tiếp tục điều trị.

ThS.Trần Vũ Minh Thư, Trưởng khoa Nội Tim Mạch 2, Trung tâm Tim mạch, cho biết Burkholderia là vi khuẩn tồn tại phổ biến trong tự nhiên, đặc biệt ở môi trường đất, nước bẩn.

Vi khuẩn này có khả năng tấn công nhiều cơ quan trong cơ thể, gây viêm phổi, áp xe gan, lách, thận, màng não, nhiễm trùng máu… Tuy nhiên, trường hợp vi khuẩn ăn thủng van tim gây hở van động mạch chủ nặng như của chị Liên là vô cùng hiếm gặp. Trong hơn 25 năm hành nghề, bác sỹ Thư cho biết đây là lần đầu tiên ông tiếp nhận một ca bệnh như vậy.

Cùng tham gia điều trị, BS.CKI Đỗ Duy Long, Khoa Nội Tim mạch, cho biết thêm Burkholderia là vi khuẩn gram âm, nhỏ, di động, chủ yếu sinh trưởng trong môi trường hiếu khí nhưng cũng có thể tồn tại trong điều kiện kỵ khí đặc biệt.

Những người làm việc liên quan đến đất, nước, như nông dân, công nhân môi trường, hoặc người từng đi qua vùng có dịch dễ nhiễm loại vi khuẩn này. Đáng nói, trong nhiều trường hợp, không thể xác định được con đường nhiễm bệnh rõ ràng, như trường hợp của chị Liên.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân được chỉ định làm siêu âm tim, xét nghiệm máu và các chẩn đoán hình ảnh khác. Kết quả cho thấy chị bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, trong đó vi khuẩn đã tấn công trực tiếp vào van tim, tạo ra một lỗ thủng lớn trên van động mạch chủ. Điều này khiến máu trào ngược nghiêm trọng, dẫn đến hở van cấp độ nặng và suy giảm chức năng tim.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã điều trị tích cực bằng phác đồ kháng sinh mạnh trong 6 tuần liên tục. Dần dần, tình trạng sốt của bệnh nhân giảm hẳn, sức khỏe ổn định trở lại, không còn dấu hiệu nhiễm trùng tái phát trong vòng 8 tháng sau đó. Tuy nhiên, để ngăn ngừa nguy cơ tái phát, chị tiếp tục được chỉ định dùng kháng sinh đường uống thêm ít nhất 3 tháng và tái khám định kỳ để theo dõi sát sao.

Tháng 3/2025, khi thể trạng hồi phục đủ điều kiện, chị Liên được phẫu thuật thay van động mạch chủ. Trong ca phẫu thuật, mẫu mô van bị tổn thương được gửi đi cấy để kiểm tra khả năng còn tồn tại vi khuẩn.

Kết quả cho thấy không còn dấu vết của Burkholderia, chứng minh quá trình điều trị kháng sinh trước đó đã thành công. Sau mổ, chức năng co bóp tim (chỉ số EF) của bệnh nhân phục hồi tốt, đạt trên 50%, mức bình thường ở người khỏe mạnh. Chị xuất viện sau một tuần và tiếp tục theo dõi ngoại trú.

Theo bác sỹ Long, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn Burkholderia, người dân cần hạn chế tiếp xúc với bùn đất, nước bẩn, đặc biệt khi trên cơ thể có vết thương hở, vết bỏng hay vết loét.

Không nên bơi lội ở sông, hồ, ao bị ô nhiễm. Khi làm việc trong môi trường dễ nhiễm khuẩn như đồng ruộng, công trình, nên mang đầy đủ đồ bảo hộ như giày ủng, găng tay.

Đặc biệt, người mắc các bệnh nền như tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch cần chú ý chăm sóc kỹ các vết thương, tránh nguy cơ nhiễm trùng. Với người nội trợ, việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, thường xuyên khử trùng dao thớt cũng là biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Bác sỹ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bất thường như sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, ho, đau cơ, nhức đầu, đổ mồ hôi đêm hoặc các biểu hiện nhiễm trùng khác, người dân không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Thu hồi và tiêu hủy hai lô mỹ phẩm vi phạm quy định ghi nhãn và vi sinh vượt chuẩn
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc đối với hai lô sản phẩm mỹ phẩm vi phạm các quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư