
-
Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phẫu thuật, giảm biến chứng nguy hiểm
-
Quy định mới về đánh giá thực hành tốt sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc
-
Đã có vắc-xin não mô cầu thế hệ mới bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ
-
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế hiện đại tại Vinhomes Grand Park -
Tin mới y tế ngày 6/7: Mắc bệnh nặng vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Hà Nội phấn đấu nâng chiều cao trung bình thanh niên lên 169 cm vào năm 2030
Trong những năm gần đây, công tác dân số và phát triển trên địa bàn TP.Hà Nội đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng dân số, một trong những mục tiêu then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Y tế được giao 9 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu liên quan đến dân số.
Đáng chú ý, 3 trong số 4 chỉ tiêu này tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong cải thiện thể chất, trí tuệ và tầm vóc người dân Thủ đô.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất phải đạt 85%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất đạt 90%; tuổi thọ trung bình toàn dân đạt 76,5 tuổi; và mức sinh thay thế bình quân đạt 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Thời gian qua, Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng chống tệ nạn xã hội TP.Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình, đề án nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Năm 2024, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đã đạt 84%, dự kiến sẽ cán mốc 85% vào năm 2025. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 5 bệnh bẩm sinh đạt 89% trong năm 2024 tăng thêm 3 mặt bệnh so với giai đoạn trước và được kỳ vọng sẽ đạt 90% vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân được đẩy mạnh, với tỷ lệ tham gia năm 2024 đạt 65%, dự kiến đạt 85% vào năm 2025.
Thành phố cũng triển khai các đợt khám sàng lọc và tư vấn về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho học sinh THPT tại 5 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với quy mô khoảng 5.000 người/năm. Đồng thời, mỗi năm tổ chức khám sàng lọc khiếm thính cho hơn 30.000 trẻ em tiền tiểu học tại các trường mầm non.
Một trong những kết quả nổi bật là cải thiện chiều cao trung bình của thanh niên Hà Nội. Theo thống kê, đến năm 2024, chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi ở Hà Nội đạt 167,5 cm và nữ đạt 156,5 cm. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam đạt 169 cm và nữ đạt 158 cm.
Song song với đó, các chỉ số khác liên quan đến sức khỏe trẻ em cũng được kiểm soát tốt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ở mức 6,6%; thể thấp còi ở mức 9,8%; tỷ lệ béo phì được khống chế ở mức 1,1%, góp phần giữ vững chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Tuổi thọ bình quân của người dân Thủ đô năm 2024 đạt 76,3 tuổi và được dự báo sẽ tăng lên 76,5 tuổi vào năm 2025.
Những kết quả trên cho thấy, Hà Nội đang đi đúng hướng trong công tác dân số và phát triển, không chỉ đảm bảo duy trì mức sinh hợp lý, mà còn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, thể lực và trí tuệ của người dân. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển bền vững trong tương lai.
Cẩn trọng với dị ứng, ngộ độc hải sản trong mùa du lịch biển
Mùa hè là thời điểm cao điểm của du lịch biển, khi nhiều người tìm đến các vùng biển để nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức những món hải sản tươi ngon. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các tai biến liên quan đến dị ứng và ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là từ hải sản nếu người dân không cẩn trọng trong lựa chọn và sử dụng.
Gần đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và cấp cứu một trường hợp ngộ độc nặng sau khi ăn so biển. Theo các bác sỹ, bệnh nhân bị ngộ độc Tetrodotoxin độ 2. Đây là một loại độc tố thần kinh cực mạnh thường có trong so biển.
Điều đáng nói là so biển có hình dạng rất giống sam, một loại hải sản có thể ăn được nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Khác với sam, so biển chứa lượng độc tố tập trung cao ở trứng, gan và ruột.
Đặc biệt, Tetrodotoxin không bị phân hủy bởi nhiệt nên kể cả khi đã chế biến kỹ, chất độc vẫn không bị loại bỏ. Chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Không chỉ so biển, Tetrodotoxin còn được tìm thấy trong cá nóc, bạch tuộc đốm xanh và một số loài hải sản khác. Chất độc này hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng trong vòng 10-45 phút sau khi ăn như tê quanh miệng, lan ra tay chân, buồn nôn, tiêu chảy, yếu cơ, khó thở. Trường hợp nặng có thể dẫn tới liệt cơ hô hấp, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong.
Bên cạnh nguy cơ ngộ độc, dị ứng hải sản cũng là vấn đề phổ biến nhưng thường bị xem nhẹ. Các loại hải sản như tôm, cua, sam biển... chứa nhiều protein có lợi nhưng cũng có thể chứa những protein “lạ”, dễ khiến hệ miễn dịch của người có cơ địa nhạy cảm phản ứng quá mức. Khi ăn phải những loại thực phẩm này, cơ thể có thể tạo ra kháng thể chống lại các protein lạ, giải phóng histamin, chất trung gian gây ra hàng loạt phản ứng dị ứng.
Tùy vào mức độ và cơ quan bị ảnh hưởng, người bệnh có thể gặp các biểu hiện như hắt hơi, ngạt mũi, khó thở, nổi mề đay, ngứa ngáy, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn...
Trong những trường hợp nặng, người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ phản ứng dị ứng cấp tính với các biểu hiện như da tái lạnh, tím tái, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
PGS-TS.Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người vẫn chủ quan trước các phản ứng dị ứng với hải sản. Có người cho rằng “ăn quen sẽ hết dị ứng”, nhưng thực tế, phản ứng ở lần sau thường nặng hơn lần trước.
Trong những trường hợp nhẹ như nổi mề đay, ban đỏ, buồn nôn, tiêu chảy, người bệnh có thể theo dõi tại nhà và ngừng ăn loại thực phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, nôn ói liên tục, tụt huyết áp, da nổi mẩn kèm phỏng nước... cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Để phòng tránh dị ứng và ngộ độc hải sản khi đi du lịch, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm. Người từng có tiền sử dị ứng hải sản cần ghi nhớ rõ loại đã từng gây phản ứng để tuyệt đối tránh sử dụng lại.
Tránh ăn các loại hải sản lạ, chưa từng sử dụng trước đó; không nên ăn hải sản được đánh bắt tại các vùng biển ô nhiễm hoặc đang có hiện tượng thủy triều đỏ. Khi ăn tại nhà hàng, cần chọn nơi đảm bảo vệ sinh, có nguồn hải sản rõ ràng. Nếu mua về tự chế biến, nên chọn hải sản tươi sống, bảo quản đúng cách và mua từ nguồn uy tín.
Ngoài ra, không nên ăn hải sản cùng lúc với thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Lý do là trong hải sản có chứa asen pentavalent không gây độc ở trạng thái bình thường, nhưng khi kết hợp với vitamin C liều cao có thể chuyển hóa thành asen trioxide (thạch tín), gây ngộ độc cấp tính.
Với trẻ em, phụ huynh cần cẩn trọng khi cho ăn thử lần đầu, nên cho ăn lượng nhỏ để theo dõi phản ứng. Những người có cơ địa dị ứng nên luôn mang theo thuốc chống dị ứng hoặc thuốc theo đơn của bác sỹ.
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc hải sản do Tetrodotoxin hoặc dị ứng nặng. Việc điều trị chủ yếu dựa vào hồi sức tích cực và kiểm soát triệu chứng. Do đó, người dân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc tại nhà hoặc trì hoãn cấp cứu khi có dấu hiệu bất thường.
Trong trường hợp người ăn hải sản có biểu hiện khó thở, tím tái, thở yếu hoặc ngừng thở, cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng hô hấp nhân tạo và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
Hải sản là món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng trong mùa hè, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được lựa chọn và sử dụng đúng cách. Sự chủ động, hiểu biết và thận trọng sẽ giúp mỗi chuyến du lịch trở nên trọn vẹn và an toàn hơn.
Không tuân thủ điều trị insulin, bệnh nhân nhập viện vì biến chứng nặng
Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 25 tuổi trong tình trạng nguy kịch do không tuân thủ điều trị insulin, dẫn đến biến chứng nhiễm toan ceton, biến chứng cấp tính nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường type 1.
Bệnh nhân V.H.H, 25 tuổi, quê tại Hải Dương, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều, lơ mơ, buồn nôn và nôn liên tục. Được biết, anh H. có tiền sử đái tháo đường type 1 được chẩn đoán cách đây 3 năm và đã được chỉ định điều trị bằng insulin loại Mix 16-16. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ điều trị đều đặn.
Khoảng một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, đau bụng vùng hạ sườn trái và sau đó là tình trạng giảm ý thức, nôn nhiều.
Anh được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện (Hải Dương), nơi ghi nhận chỉ số đường huyết cao bất thường trước khi chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt, chỉ số BMI ở mức rất thấp (15,6), có dấu hiệu mất nước và nhiễm trùng rõ rệt. Kết quả lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị nhiễm toan ceton, biến chứng nguy hiểm thường gặp ở người mắc đái tháo đường type 1 khi không kiểm soát tốt đường huyết. Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiêu hóa và tiết niệu.
Các bác sỹ đã tiến hành điều trị tích cực bằng phương pháp bù dịch, điều chỉnh điện giải, kiểm soát đường huyết bằng insulin tác dụng nhanh (Actrapid), sử dụng kháng sinh phổ rộng cùng các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng.
Theo bác sỹ Hoàng Mỹ Lệ Dung, Khoa Điều trị tích cực, sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, hết các triệu chứng mất nước, ổn định về tim phổi và tiêu hóa. Anh H. cũng được hội chẩn thêm về chế độ kiểm soát đường huyết cũng như dinh dưỡng chuyên biệt nhằm tránh tái phát nhiễm toan ceton trong tương lai.
Bác sỹ Dung nhấn mạnh, bệnh nhân đái tháo đường type 1 nếu không tuân thủ điều trị insulin dễ rơi vào toan ceton, biến chứng cấp tính có thể đe dọa tính mạng. Việc phát hiện sớm, xử trí kịp thời và giáo dục kỹ năng tự quản lý bệnh đóng vai trò sống còn.
Ca bệnh của anh H. là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng bệnh nhân đái tháo đường type 1 về tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị, đặc biệt là sử dụng insulin đều đặn theo chỉ định của bác sỹ. Bên cạnh đó, người bệnh cần được trang bị kiến thức về cách nhận diện sớm các dấu hiệu biến chứng để có thể xử lý kịp thời.
Theo các chuyên gia, nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể tích tụ quá nhiều a-xít trong máu do thiếu hụt insulin, dẫn đến cơ thể không thể sử dụng đường glucose làm năng lượng mà phải phân giải mỡ, tạo ra thể ceton.
Biến chứng này phổ biến ở người bệnh đái tháo đường type 1, và có thể phòng ngừa hiệu quả nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết và tuân thủ điều trị.
-
Tin mới y tế ngày 7/7: Hà Nội đặt mục tiêu nâng thể chất, trí tuệ và tầm vóc người dân Thủ đô -
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế hiện đại tại Vinhomes Grand Park -
Tin mới y tế ngày 6/7: Mắc bệnh nặng vì chủ quan không điều trị viêm gan B -
Đẩy nhanh tiến độ kê đơn thuốc điện tử -
Sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều trẻ em nhập viện -
Tin mới y tế ngày 5/7: Hệ lụy khôn lường khi lạm dụng thuốc lá -
Thay khớp gối - Khôi phục vận động cho người cao tuổi
-
Vietcombank dẫn đầu ngành ngân hàng về đổi mới sáng tạo và ESG
-
Vietcombank giới thiệu Apple Pay đến chủ thẻ quốc tế Vietcombank JCB
-
Ngân hàng ngoại khuấy động thị trường bất động sản bằng chiến lược "cam kết dài hạn"
-
Acecook Việt Nam công bố chiến lược phát triển mới
-
Tập đoàn AEON chính thức ra mắt Chương trình Điểm thành viên “WAON POINT”
-
OBC Holdings ra mắt thị trường với dự án A&K Tower