Thứ Tư, Ngày 09 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 8/7: Tầm soát sớm để điều trị ung thư kịp thời
D.Ngân - 08/07/2025 11:08
 
Bốn người trong gia đình cùng mắc ung thư vú, nhưng họ đã vượt qua bằng sự kiên cường và tiến bộ y học. Trong đó, một người phụ nữ 41 tuổi đã được cứu sống nhờ ca phẫu thuật 5 trong 1, không chỉ loại bỏ ung thư mà còn phòng ngừa nguy cơ tái phát.

Cả nhà mắc ung thư

Phát hiện một khối u ở ngực phải từ năm 2024 nhưng cho rằng lành tính, chị T.H.N. (41 tuổi, sống tại Bình Dương) không đi khám. Chỉ đến khi khối u phát triển nhanh, gây đau vào năm 2025, chị mới tìm đến viện kiểm tra.

Ảnh minh họa.

Tại Khoa Ngoại Vú-Đầu Mặt Cổ, ThS.BS.CKI Huỳnh Bá Tấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhận định, khối u có dấu hiệu ác tính. Kết quả siêu âm và chụp nhũ ảnh cho thấy khối u đường kính 5cm, có mạch máu nuôi, một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư. Sinh thiết sau đó xác định chị mắc ung thư vú giai đoạn 3, thể nội tiết.

Không bất ngờ, bởi trong gia đình chị đã có đến ba người mắc bệnh: dì ruột bị ung thư vú năm 2010, em họ năm 2018, và chị gái ruột vào năm 2019, khi mới 45 tuổi. Dù không mang đột biến gen BRCA, nhưng việc có nhiều người thân mắc bệnh đã đặt chị vào nhóm nguy cơ rất cao.

“Với bệnh nhân có tiền sử gia đình như chị N., nguy cơ mắc ung thư và tái phát đều cao hơn bình thường, đặc biệt khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn,” bác sỹ Tấn cho biết.

Sau hóa trị 6 chu kỳ để thu nhỏ khối u, chị N. được chỉ định phẫu thuật tích hợp 5 trong 1, một bước tiến y khoa giúp giảm nguy cơ tái phát và cải thiện chất lượng sống. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng gồm cắt tuyến vú bị ung thư, đoạn nhũ dự phòng bên còn lại, nạo hạch nách, nội soi cắt buồng trứng và tái tạo ngực hai bên bằng túi ngực.

Ê-kíp phẫu thuật gồm các bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật vú, phẫu thuật nội soi và gây mê hồi sức phối hợp thực hiện để đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.

Ca mổ không chỉ giúp loại bỏ hoàn toàn tổn thương ung thư, mà còn giúp chị N. giảm mặc cảm, rút ngắn thời gian điều trị, đồng thời hạn chế nguy cơ phải mổ nhiều lần trong tương lai. Chị sẽ tiếp tục xạ trị và điều trị nội tiết sau phẫu thuật để ngăn ngừa tái phát hoặc di căn xa.

Theo bác sỹ Tấn, yếu tố gia đình là một trong những nguy cơ đáng lưu ý: khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có yếu tố di truyền. Những người có mẹ, chị gái hoặc con gái bị ung thư vú trước tuổi 50 có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi người bình thường. Người có thân nhân cấp 2 như dì, cô, bà cũng có nguy cơ cao hơn trung bình.

Một nghiên cứu lớn từ Thư viện Y khoa Hoa Kỳ cho thấy: đoạn nhũ phòng ngừa đối bên giúp giảm tới 96% nguy cơ ung thư ở vú còn lại, đặc biệt ở những người có nhiều thân nhân mắc bệnh. Ở người mang đột biến gen BRCA1/2, phẫu thuật này giúp giảm gần 50% nguy cơ tử vong do ung thư vú.

Dù vậy, hiện chưa có phác đồ chuẩn cho phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa. Quyết định này thường được đưa ra dựa trên sự đồng thuận giữa bệnh nhân, gia đình và bác sỹ, sau khi được tư vấn kỹ lưỡng về lợi ích và rủi ro.

Bác sỹ Tấn nhấn mạnh, không phải ai có nguy cơ cũng mắc bệnh, nhưng việc tầm soát sớm là điều tối quan trọng. Phụ nữ từ 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ mỗi năm.

Với người có nguy cơ cao, nên tầm soát sớm hơn, đặc biệt là con gái của người từng mắc bệnh, nên khám trước 10 năm so với tuổi mà mẹ được chẩn đoán.

Trường hợp của chị N. là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều phụ nữ. Phát hiện bệnh sớm hoặc chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp y học hiện đại có thể tạo ra sự khác biệt sống còn. Ung thư không phải là dấu chấm hết, nếu chúng ta dám đối diện và hành động kịp thời.

Đột quỵ vì bệnh lạ

Một phụ nữ tại Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, nói khó, đau đầu dữ dội. Các bác sỹ Bệnh viện Bãi Cháy chẩn đoán chị bị nhồi máu não cấp do Moyamoya. Đây là bệnh mạch máu não cực hiếm nhưng nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm có thể để lại di chứng nặng hoặc tử vong.

Kết quả chụp cộng hưởng từ và chụp mạch não cho thấy bệnh nhân bị hẹp tắc động mạch não giữa hai bên, dấu hiệu đặc trưng của Moyamoya. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu theo phác đồ đột quỵ, kết hợp chăm sóc hồi sức và phục hồi chức năng sớm. Nhờ phát hiện kịp thời, sau vài ngày, người bệnh dần phục hồi vận động và khả năng giao tiếp, tránh được biến chứng nặng.

Theo ThS.BS Giáp Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Thần kinh, Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy, Moyamoya là bệnh lý mạch máu não hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng hẹp hoặc tắc dần các động mạch cảnh trong và não giữa, khiến não bộ tự hình thành các mạch máu phụ nhỏ li ti để duy trì tuần hoàn giống làn khói mờ trong ảnh chụp mạch, cũng là nguồn gốc tên gọi “Moyamoya” (theo tiếng Nhật).

Bệnh thường gặp ở người trẻ, tiến triển âm thầm, dễ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu hoặc xuất huyết não nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Bác sỹ Mạnh cảnh báo, người dân cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sớm của bệnh mạch máu não như: đau đầu kéo dài, tê yếu tay chân, nhìn mờ thoáng qua, nói ngọng, cơn thiếu máu não thoáng qua, ngất không rõ nguyên nhân hoặc co giật – đặc biệt ở trẻ em.

Khi xuất hiện triệu chứng thần kinh cấp tính như liệt nửa người, méo miệng, đau đầu dữ dội, nói khó… cần đưa người bệnh đến viện ngay trong 3 - 4,5 giờ đầu là thời gian vàng để cứu sống và hạn chế di chứng.

Ngoài ra, người có nguy cơ cao như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, hút thuốc, tiền sử gia đình… nên tầm soát mạch máu não định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ não bộ khỏi những biến cố nguy hiểm.

Được cứu sống vì biến chứng cực hiếm của Lupus

Một bệnh nhi 14 tuổi mắc Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) vừa được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống ngoạn mục sau khi gặp biến chứng cực hiếm là chảy máu phế nang lan tỏa (DAH) chỉ gặp ở khoảng 2% bệnh nhân lupus, nhưng có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

Bệnh nhi được chẩn đoán SLE và điều trị ổn định tại một cơ sở y tế. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau khi ra viện, em bắt đầu ho ra máu đỏ tươi liên tục, kèm sốt nhẹ. Tình trạng tiến triển nhanh chóng thành khó thở, mệt lả. Khi nhập viện Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, em trong tình trạng suy hô hấp nặng (SpO₂ chỉ 80%), thiếu máu nghiêm trọng (Hb chỉ 40 g/L), huyết động không ổn định.

Dù chưa thể nội soi phế quản do tình trạng nguy kịch, dựa vào hình ảnh X-quang và CT ngực (tổn thương kính mờ lan tỏa), cùng xét nghiệm miễn dịch cho thấy lupus đang hoạt động mạnh, các bác sỹ xác định bệnh nhi mắc biến chứng DAH. Đây là tình trạng máu tràn vào phế nang, nơi trao đổi oxy khiến người bệnh khó thở cấp, thiếu máu nhanh và có nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn.

Đứng trước quyết định sống còn, ê-kíp điều trị đã lựa chọn phác đồ điều trị mạnh: methylprednisolone liều cao kết hợp cyclophosphamide. Đây là loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh thường dùng trong các biến chứng lupus đe dọa tính mạng như viêm não, viêm thận hoặc DAH.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi hết ho máu, cắt sốt, không còn phải thở máy và phục hồi tốt. Hiện em đã ra viện và tiếp tục theo dõi điều trị lupus ngoại trú.

Các bác sỹ đánh giá thành công ca bệnh đến từ việc nhận diện sớm biến chứng hiếm gặp, phân biệt đúng với chảy máu phổi do nhiễm trùng, điều rất quan trọng vì hướng điều trị hoàn toàn trái ngược nhau.

Nếu chẩn đoán sai, việc dùng thuốc ức chế miễn dịch có thể khiến nhiễm trùng nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân. PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhận định đây là một thành tựu y khoa, là minh chứng rõ nét cho tinh thần quyết liệt, trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sỹ tuyến cuối.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư