Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tỉnh Tiền Giang chốt mức phí và lộ trình tăng phí cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Anh Minh - 25/11/2019 07:44
 
Đây là một trong những nút thắt cuối cùng để nhóm nhà tài trợ có thể ký hợp đồng tín dụng cho Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sắp thông nút thắt về vốn tín dụng.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sắp thông nút thắt về vốn tín dụng.

UBND tỉnh Tiền Giang vừa có công văn gửi các ngân hàng tham gia hợp vốn cho Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận gồm Vietinbank, BIDV, Agribank, VP Bank và doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án và các ngân hàng tham gia hợp đồng vốn sớm hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng, đảm bảo tiến độ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý áp dụng mức phí và lộ trình tăng phí tuân thủ theo phương án tài chính đã duyệt, đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn không kéo dài quá 15 năm.

Cụ thể, mức phí năm cơ sở Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuạn tương ứng với 5 nhóm xe là 2.100 – 3.000 – 3.700 – 6.000 – 8.400 đồng/xe/km. Lộ trình tăng phí 15%/3 năm trong suốt vòng đời Dự án.

Trường hợp có những chính sách về chính sách liên quan ảnh hưởng bất lợi tới phương án tài chính, dòng tiền trả nợ của Dự án thì doanh nghiệp dự án sẽ báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang xem xét để cùng trao đổi, thống nhất trước với các ngân hàng tham gia hợp vốn để xem xét, giải quyết. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền có ý kiến chỉ đạo.

UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các ngân hàng tham gia hợp vốn và doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng và giải ngân tín dụng Dự án trong tháng 11/2019 để công trình triển khai, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020.

Được biết, mức phí cơ sở và lộ trình tăng phí nêu trên đã được ba bên là UBND tỉnh Tiền Giang, các ngân hàng, nhà đầu tư thống nhất hồi giữa tháng 11/2019.

Trước đó, vào giữa tháng 9/2019, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký gửi các ngân hàng cam kết, khi đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành, đưa vào sử dụng thu phí hoàn vốn đầu tư, trong phạm vi thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không thay đổi về quy hoạch giao thông như đầu tư các tuyến đường giao thông có hướng tuyến tương tự gây ảnh hưởng đến lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông của Dự án và không ban hành các chính sách khác ảnh hưởng đến phương án tài chính, dòng tiền trả nợ của Dự án.

Trường hợp thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về quy hoạch GTVT có ảnh hưởng đến Dự án, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ cùng các ngân hàng tài trợ vốn và doanh nghiệp dự án báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT xem xét đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính Dự án.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử BOT giao thông, một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã đưa ra cam kết với các ngân hàng không thay đổi quy hoạch làm ảnh hưởng lưu lượng giao thông cho dự án vay vốn.

Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, xác định vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 3.400 tỷ đồng (tương ứng 32,4% vốn BOT, trong khi các dự án cao tốc Bắc Nam chỉ là 20%); vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng; còn thiếu 7.082 tỷ đồng chờ các ngân hàng cho vay. Trong đó, 3 ngân hàng VietinBank, BIDV, Argibank cam kết mức tài trợ tối thiểu cho dự án là 5.800 tỷ đồng. Phần hạn mức còn thiếu 1.282 tỷ đồng sau nhiều lần thảo luận, cuối cùng VPBank đã chấp nhận tài trợ.

Ngân hàng Nhà nước thúc 4 ngân hàng sớm cấp vốn cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Bốn ngân hàng gồm VietinBank, BIDV, VP Bank và Agribank được đề nghị sớm ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư