Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tổ chức phiên tòa trực tuyến: Phải trình Quốc hội quyết định
Nguyễn Lê - 21/09/2021 16:20
 
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
.
Phiên họp chiều 21/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 3, chiều 21/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Tòa án nhân dân Tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Trình bày tờ trình về nội dung trên, Phó chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nêu rõ, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh, Phó Chánh án trình bày.

Sự cần thiết, theo tờ trình còn là, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo đó, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm tác phòng chống dịch bệnh an toàn, Phó chánh án trình bày.

Toà án Tối cao xác định phạm vi áp dụng phiên toà trực tuyến là các vụ án hình sự, hành chính, dân sự. Trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh; xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Uỷ ban tán thành chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Pháp luật tố tụng hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) chưa quy định về hình thức xét xử trực tuyến nhưng đã quy định một số trình tự, thủ tục tố tụng được áp dụng phương thức giao dịch điện tử (thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện thủ tục cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử, nhận đơn khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử…), bà Nga cho biết.

Về thẩm quyền, cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban tán thành với Toà án nhân dân Tối cao, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương và giao Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì, ban hành văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.. Sau 3 năm, kể từ ngày văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệc lực thi hành, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổng kết thực tiễn thi hành và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Có  ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, thì nội dung cho phép Toà án nhân dân Tối cao tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021), bà Nga phản ánh.

Đều thống nhất về sự cần thiết tổ chức phiên toà trực tuyến, song thẩm quyền quyết định là vấn đề còn nhiều băn khoăn trong phần thảo luận sau đó. 

Một số ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích nguyên tắc chung của phiên tòa là: “Xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục”, trong đó trực tuyến là một trong các hình thức xét xử trực tiếp có áp dụng công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ khẳng định, đề xuất về phiên toà trực tuyến về cơ sở chính trị là đầy đủ, cơ sở pháp lý là không trái luật và cơ sở thực tiễn đã có, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể giải thích để Toà án nhân dân Tối cao có thể ban hành quy chế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định không có quy định nào nói Uỷ ban Thường vụ có thẩm quyền giải thích điều này. "Đừng cố gắng giải thích pháp luật theo ý của ta", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan hữu quan hoàn thiện văn bản báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, sau đó trình ra kỳ họp thứ hai của Quốc hội (tháng 10/2021).

Phát biểu sau đó, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình giải thích lý do đề xuất là cái gì có lợi cho việc chung mà không trái luật thì làm, và không sớm thì muộn cũng sẽ phải xét xử trực tuyến. Nhưng hướng dẫn tổ chức phiên toà trực tuyến là vượt quá quyền của Toà án nhân dân Tối cao nên cần xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao sự chủ động của Toà án nhân dân Tối cao, nhưng luật đã quy định cứng, trực tuyến và trực tiếp là hai khái niệm khác nhau, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và khẳng định việc cho phép tổ chức phiên toà trực tuyến không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là việc lớn liên quan đến quyền con người, quyền công dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất của Tòa án nhân dân Tối cao nhưng phải trình Quốc hội quyết định, ông Vương Đình Huệ kết luận. 

Xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng trong 5 năm qua
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư