Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
[TOÀN CẢNH] Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn
Kỳ Thành - 07/11/2019 11:39
 
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, hôm nay (7/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Là vị Bộ trưởng thứ ba thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, các nội dung chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ xoay quanh các nhóm vấn đề:

(1) Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

(2) Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức.

(3) Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an.

Cuối giờ chiều nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sẽ phát biểu giải trình làm rõ thêm nội dung này.

 
11/07/2019 11:45

79 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Bước đầu đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ, cục. Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giảm nhiều. Tinh giản biên chế cũng đạt được kết quả khả quan, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.

Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. Vì thế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định đã xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 79 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn
 
07/11/2019 12:02

Đại biểu chất vấn về tình trạng tham nhũng vặt

Chất vấn về tình trạng tham nhũng vặt, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tình trạng gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra nhiều nơi, chậm được khắc phục gây bức xúc trong cử tri và xã hội.

"Nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài xử lý quy định trong Luật cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục siết chặt kỷ luật công vụ", ông Cầu nói.

Ông Cầu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong sửa đổi Luật cán bộ, công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất gì mạnh tay hơn, mới hơn để khắc phục các tình trạng nói trên?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu
 
07/11/2019 12:05

Xây dựng vị trí việc làm, trả lương theo chính sách mới

Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng.

“Bộ Nội vụ đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, vì Chính phủ giao Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, nhưng hơn một năm từ năm 2015 đến tháng 8/2016, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt được Đề án vị trí việc làm nào đối với các đơn vị sự nghiệp công lập".

Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng phân cấp cho bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên. Sau khi phân cấp, các bộ, ngành, địa phương làm rất tốt nên đến nay, gần như bộ, ngành, địa phương đã làm tất các vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vấn đề còn lại là xác định đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương.

Nói thêm về chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Bộ Chính trị đã giao cho Ban tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp về vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương 2021.

Ông Tân cho biết việc xây dựng đề án vị trí việc làm lần này làm kỹ hơn, dự kiến chia làm 4 nhóm để dễ xếp lương, khác với trước đây chia quá nhiều nhóm nên không thể cơ cấu tiền lương khác nhau được.

 
07/11/2019 12:07

Phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ tiếp tục vào 14h00. Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan lĩnh vực nội vụ sẽ kết thúc trong chiều nay, trước khi Quốc hội chuyển sang nhóm vấn đề thứ tư về thông tin và truyền thông vào sáng mai (8/11).

Báo Đầu tư Online sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung này.

 
11/07/2019 15:19

Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Phản ánh vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập. 

Cho rằng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức, đại biểu lý giải, thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học  rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu đặt câu hỏi: Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Về vấn đề tinh giản biên chế, theo đại biểu cử tri băn khoăn lo lắng về tình trạng giảm những người "tinh" và đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức kém tài?

Theo đại biểu, việc sắp xếp lại bộ máy Nhà nước chắc chắn sẽ có rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, điều này tạo nên tâm lý rất bất an.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp then chốt để chúng ta giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với chủ trương tinh giản biên chế tinh gọn bộ máy?

 
07/11/2019 15:16

Bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tâm thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ.

Theo Bộ trưởng, không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa.

Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với Quốc hội, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Về vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm.

Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế.

Bộ trưởng cũng hứa với đại biểu Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, sẽ xây dựng Nghị định mới với những quy định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa. Đó là vấn đề đi vào thực chất, đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.

07/11/2019 15:18

Tham nhũng vặt là lỗ hổng dẫn đến 'đắm thuyền'

Trả lời câu hỏi về xử lý cán bộ, công chức tham nhũng vặt của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng cho rằng Lê Vĩnh Tân, đó là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Tham nhũng vặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt.

Vừa qua Chính phủ ban hành Đề án Văn hoá công vụ, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động triển khai. Thủ tướng cũng đã phát động văn hoá công sở, công chức phải thực sự là công bộc, tinh thần này phải được thổi lên.

Bộ trưởng nêu thực tế có các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có khi làm 12h đêm không nghỉ. Như Bộ Nội vụ có những ngày làm đến đêm đèn vẫn sáng, các cơ quan khác cũng vậy.

“Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu. Vì vậy chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cao bằng như hiện nay”, Bộ trưởng bày tỏ và nhấn mạnh, tinh thần xử lý tham thũng vặt là phải xử lý kiên quyế.

 
11/07/2019 17:01

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không cần thiết với giáo viên

Trả lời về biên chế giáo viên và việc sáp nhập các cấp học, các trường, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua bộ đã có nhiều buổi làm việc về vấn đề biên chế giáo viên. “Giáo viên rất đông nên vướng mắc về biên chế giáo viên cần cùng nhau có giải pháp tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ”, ông Nhạ nói.

Ông Nhạ chia sẻ vui mừng trước thông tin Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tới đây sẽ có nhiều đổi mới về tuyển dụng, điển hình như quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. “Với giáo viên nói riêng, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết”, ông Nhạ nói.

BỘ trưởng Phùng Xuân Nhạ
BỘ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Ông khẳng định sẽ phối hợp với các địa phương và cùng Bộ trưởng Bội vụ Lê Vĩnh Tân xây dựng nghị quyết tham mưu Chính phủ đảm bảo biên chế giáo viên hợp lý, có lộ trình giảm các cán bộ quản lý, phục vụ không cần thiết nhưng con số tăng cũng hợp lý chứ không thể tăng vô cùng”, ông Nhạ nói.

Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh khi sáp nhập thì yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, điều kiện bởi mỗi cấp học có tâm sinh lý khác nhau, khi sắp xếp phải tính toán kỹ. Bên cạnh đó, ông cho rằng lãnh đạo quản lý Nhà trường hay giáo viên khi sáp nhập liên cấp cùng phải có đủ điều kiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư