
-
Ngày mai diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 66, Nghị quyết 68
-
Giảm 30% tổng mức chi một số nội dung xây dựng pháp luật
-
Quốc hội điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách cho các nhiệm vụ cấp bách
-
Quốc hội chốt chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, có hiệu lực ngay
-
Không đấu giá quyền khai thác một số khu vực khoáng sản nước khoáng tại Kim Bôi, Hòa Bình -
Việt Nam - Thái Lan nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Mời quý vị độc giả ấn F5 để cập nhật
Từ 14h45 chiều nay (8/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sau gần 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, chiều nay (8/11), Quốc hội bước sang phiên chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có báo cáo làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu quan tâm.
Trước đó, 4 Bộ trưởng đăng đàn trả lời Quốc hội là Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng bày tỏ, mỗi kỳ họp Quốc hội là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như hoạt động quản lý chỉ đạo, điều hành và rút ra bài học kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời cũng là dịp nhận rõ hơn những hạn chế những yếu kém những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết để tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn.
“Các vị đại biểu Quốc hội đã nhiệt tâm theo dõi đặt nhiều câu hỏi chất vấn sâu sát giúp cho các thành viên Chính phủ nâng cao chất lượng quản lý, điều hành”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu một số vấn đề mong các đại biểu Quốc hội cùng chia sẻ, Thủ tướng cho biết: Theo tinh thần cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những khó khăn, thách thức phía trước là không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
Thủ tướng nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.
![]() |
Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Không để tái diễn thảm kịch 39 người thiệt mạng tại Anh
Theo Thủ tướng, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là "rừng vàng, biển bạc".
Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhìn nhận, phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.
"Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Thủ tướng nói.
Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo cao nhất của Chính phủ nhấn mạnh yếu tố đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị quyết, chính sách của quốc gia thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương.
Chúng ta đều thấy rõ, cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp. Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chúng ta, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.
Không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
Chuyển qua nội kinh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng khẳng định, không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước.
Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.
Bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL
Nhắc đến việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt nghiêm trọng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
Kiên quyết không nhân nhượng với hành vi xâm phạm trên biển Đông
Về quốc phòng, an ninh, trước mối quan tâm của đại biểu Quốc hội về các hành vi vi phạm nghiêm trọng vùng biển nước ta, Thủ tướng nói đây cũng mối quan tâm, nỗi lo lắng chung.
Chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm trên Biển Đông, Thủ tướng khẳng định.
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng nhìn nhận đây là cuộc chiến đầy khó khăn thách thức.
Nhưng ông khẳng định, phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND cùng các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Tiếp tục tạo thông thoáng môi trường kinh doanh thông qua sửa đổi Luật Đầu tư
Về môi trường đầu tư kinh doanh, thông điệp từ Thủ tướng là cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới. Đặc biệt, cần phối hợp với ngành tòa án cải thiện mạnh mẽ chỉ số giải quyết phá sản (xếp hạng của WB về chỉ số này của Việt Nam là 133/190 nền kinh tế).
Thủ tướng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo Thủ tướng, các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn,… gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư. Đây là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập.
Chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa yêu nước
Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020- 2021.
"Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là của các vị đại biểu Quốc hội", Thủ tướng kêu gọi.
Theo Thủ tướng, chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay.
Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta.
Dẫn lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta nhớ một chữ đồng / Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh", Thủ tướng kêu gọi: Chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong mỗi chúng ta; hãy khơi dậy sức sáng tạo với ngọn lửa đầy nhiệt huyết và đam mê, hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt trên mỗi cương vị của mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đóng góp khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc hùng cường, thịnh vượng để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang.
Sẽ tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân
Trước ý kiến về kinh tế tư nhân của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước xem kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước.
"Chúng ta vui mừng về việc Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân, các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân, các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân. Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước", Thủ tướng nói.
Ông cũng cho biết, đã có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế, ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển. "Đảng, Nhà nước hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới", ông nói.
Dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng cho biết, nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, nên thưởng Huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, không hề có sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân và Nhà nước, mọi thành phần kinh tế trong nền kinh tế đều bình đẳng. Ông cũng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Tính toán lại GDP là điều cần thiết
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền chất vấn, vừa qua Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2017 và đã công bố kết quả quy mô GDP năm 2017 đạt 275 tỷ USD thay cho 220 tỷ USD đã công bố. Và nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 và năm 2019 quy mô GDP của năm 2019 đã đạt ngưỡng khoảng 310 tỷ USD thay cho 266,5 tỷ USD mà Chính phủ đã báo cáo.
Đại biểu muốn biết Thủ tướng có công nhận kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế này không, vì đây là cơ sở quan trọng để đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm chuẩn bị chuẩn bị trình Đại hội Đảng.
Trả lời, Thủ tướng khẳng định không phải vì thành tích mà tính lại GDP, mà đó là thông lệ quốc tế và cách tính công khai, minh bạch.
Theo đó, quy mô GDP mới sau tính lại tăng 25,5%, lên hơn 310 tỷ USD. Tuy nhiên, cách tính này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không phải bây giờ. "Không phải bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Các số liệu báo cáo trước Quốc hội hôm nay, trong văn kiện Đại hội Đảng vẫn là tính toán dựa trên số liệu cũ", Thủ tướng khẳng định.
Ông cũng nói thêm, quy mô GDP tính lại chưa tính kinh tế ngầm, kinh tế chưa chính thức mà mới tính khu vực kinh tế bị bỏ sót, như các hộ kinh doanh cá thể, 76.000 doanh nghiệp trước đây chưa được đưa vào.
Các nước mua một que tăm cũng có hoá đơn, trong khi chúng ta mua tivi, xe máy…nhiều trường hợp không có chứng từ. Hàng năm chúng ta mua hàng triệu ôtô, hàng vạn nhà lầu, xe sang... nhưng thu thuế được bao nhiêu? Vì thế kinh tế Việt Nam còn bị bỏ sót nhiều, khiến thất thu thuế.
Thủ tướng khẳng định tính toán lại GDP là điều cần thiết và đó cũng là thông lệ quốc tế bình thường.
Tận dụng thời cơ phát triển kinh tế ban đêm
Trả lời câu hỏi của đại biểu về kinh tế ban đêm, Thủ tướng nhất trí cho rằng, kinh tế ban đêm là sự năng động kinh tế trong bối cảnh quốc tế là thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng.
Dự báo khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay vào khoảng 18 triệu lượt, Thủ tướng cho rằng phần lớn du khách từ các quốc gia trái múi giờ, do đó cần thời cơ để phục vụ du khách tìm hiểu văn hoá ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh của Việt Nam, qua đó tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động.
Để phát triển kinh tế ban đêm, Thủ tướng cho rằng cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực xảy ra.
Theo Thủ tướng, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế ban đêm theo hướng tốt hơn, tổ chức đa dạng phù hợp và quản lý tốt hơn để tránh những mặt tiêu cực.
"Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ này", Thủ tướng nói.
Nâng cao ý thức tự cường của người dân để hướng đến tăng trưởng bao trùm
Nói về tăng trưởng bao trùm, Thủ tướng cho biết, mô hình tăng trưởng của chúng ta nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ông đánh giá chủ trương này rất quan trọng bởi ở một số nước, lấy phía đông nuôi phía tây, hay ưu tiên phát triển thành phố lớn. Nhưng Đảng, Nhà nước xác định phát triển đồng đều các vùng.
Chúng ta vui mừng vui mừng về sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân được cải thiện.
Nhắc đến các chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để có thu nhập, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cơ hội cho mọi người, nhất là người nông thôn miền núi.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cuộc sống ổn định cho mọi người dân là điều rất quan trọng, đặc biệt là phải nâng cao ý thức tự cường của người dân.
Nhắc tới hình ảnh cụ bà 83 tuổi tại Thanh Hoá 3 lần xin thoát nghèo, Thủ tướng khẳng định điều này cho thấy ý thức tự lực, tự chủ của người dân là đúng truyền thống văn hoá của dân tộc ta.
Gần 250 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có gần 250 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận.
Các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề quan tâm. Cơ bản các vị đại biểu Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ, bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
"Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

-
Ngày mai diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 66, Nghị quyết 68
-
Giảm 30% tổng mức chi một số nội dung xây dựng pháp luật
-
Quốc hội điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách cho các nhiệm vụ cấp bách
-
Tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh
-
Quốc hội chốt chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, có hiệu lực ngay -
Tổ chức đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần XI vào tháng 12/2025 -
Không đấu giá quyền khai thác một số khu vực khoáng sản nước khoáng tại Kim Bôi, Hòa Bình -
Việt Nam - Thái Lan nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện -
Sửa 7 luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách: Mở rộng chỉ định thầu, tăng ưu đãi đầu tư, thuế, hải quan -
Hôm nay, Quốc hội quyết bổ sung ngân sách chi trả chế độ sau sắp xếp bộ máy -
Hợp tác Hải quan Việt Nam - Hoa Kỳ trong ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp
-
Khoa học công nghệ - Đòn bẩy giúp PV Power bứt phá giai đoạn mới
-
SeABank thông báo mời thầu
-
Nhượng quyền dịch vụ quốc tế có “người tiên phong”
-
VietOffice 2025 - Triển lãm của những đột phá
-
K&D Trading - 15 năm xây dựng hệ sinh thái hàng Việt tại Canada, góp phần thúc đẩy hàng Việt Nam ra thế giới
-
Sheraton Hanoi West ra mắt nhiều lựa chọn “Staycation” cho mùa hè 2025