Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cán đích
Anh Minh - 31/12/2013 22:10
 
Các nhà thầu thi công Dự án Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đang thi công những mét bê tông nhựa cuối cùng của công trình cao tốc dài 63 km. Gói thầu cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cán đích đúng hạn
TIN LIÊN QUAN
Gói thầu đầu tuyến PK1A do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long lãnh đạo liên danh đã hoàn thành cách đây 15 ngày. Điện đã được lắp, hộ lan đã được rào, cây đã mọc xanh trên giải phân cách giữa.

Đến chiều ngày 31/12/2013, đã có thể khẳng định Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) chắc chắc sẽ thông xe toàn tuyến vào trước Tết Ông Công, Ông Táo.

Lễ thông xe dự kiến sẽ được chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức trong khoảng ngày 15 - 20/1/2014 như yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường tại buổi kiểm tra công trường hôm 19/12.

Đây là công trình đường cao tốc lớn thứ ba được thông xe trong dịp này. Tuy nhiên, khác với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hay tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ thông xe tạm một đoạn ngắn, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ thông xe chính thức toàn bộ tuyến đường cao tốc quy mô 4 làn xe, dài 63 km, có tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.

Tại dự án này, sau khi thông xe đoạn 30 km cuối tuyến đi qua địa phận tỉnh Thái Nguyên vào tháng 7/2013, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ thông xe nốt đoạn đầu tuyến dài 30 km từ nút giao Ninh Hiệp tới cầu Phù Lôi (Sóc Sơn) thuộc các gói thầu PK1A, PK1B, PK1B.

Hiện toàn bộ các công trình kỹ thuật lớn trên chính tuyến, trong đó có các cầu lớn như: Thạc Quả, Ngọc Cầu và hệ thống cầu vượt đã cơ bản hoàn thành. Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, đơn vị đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án 2 đã bố trí cán bộ trực 24/24h trên hiện trường để đôn đốc, giải quyết mọi vướng mắc cho nhà thầu. Trong giai đoạn nước rút, Ban quản lý dự án 2 đã chủ động điều chuyển một lượng lớn khối lượng từ nhà thầu thi công chậm cho các đơn vị khỏe hơn nhằm không để công địa "chết".

cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Mũi thảm bê tông nhựa của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn -
Bộ Quốc phòng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Tính đến giữa tháng 12/2013, toàn bộ phần mặt bằng trên chính tuyến - "khúc xương" dai dẳng của Dự án đã được chủ đầu tư bàn giao cho nhà thầu. Trong số này có vị trí mố M0 cầu Phù Lôi và đường dẫn đoạn qua xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn cũng đã thông tuyến. Đây là vị trí sẽ phải xử lý kỹ thuật do phải chờ lún do mặt bằng bàn giao trễ.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Hà Nội, là nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải giữa vùng thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng núi phía Bắc Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Dự án có tổng chiều dài 63,8 km đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên với điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Ninh Hiệp (Hà Nội) giao với QL1A mới. Điểm cuối nối vào điểm đầu của tuyến tránh Thái Nguyên thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 km/h theo TCVN 5729-97. Dự án được chia làm 2 đoạn chính: đoạn Ninh Hiệp – Sóc Sơn sẽ được khai thác với qui mô 4 làn xe cao tốc với Vmax =100 km/h; đoạn Sóc Sơn – Thái Nguyên sẽ được khai thác với qui mô 4 làn xe cấp I với Vmax = 80km/h.

Khối lượng chính của dự án bao gồm: 63,8 km đường, trong đó có 19 cầu và 6 nút giao khác mức trong đó các Nút giao Tân Lập, Nút giao Yên Bình, Nút giao Phổ Yên đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ GTVT, JICA cho phép bổ sung và bắt đầu thi công vào tháng 10/2012 để đảm bảo kết nối với các tuyến đường trong khu vực, nhằm phát huy năng lực khai thác và hiệu quả đầu tư của dự án.

Dự án được thực hiện bằng các nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chỉnh phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là 10.004 tỷ đồng trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỷ đồng

Dự án được Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án II làm đại diện chủ đầu tư; Tư vấn thiết kế và giám sát: Liên danh Tư vấn NIPPON KOEI - JBSI phối hợp với TEDI. Nhà thầu thi công: toàn bộ Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp gồm các gói PK1- A; PK1- B; PK1- C và gói thầu PK2.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư