Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
“Tôi đã quyến luyến Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên”
Kỳ Thành - 29/01/2023 09:31
 
Coi Việt Nam là quê hương thứ hai, GS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam yêu mến ngôn ngữ du dương, sự cởi mở của người dân, nền kinh tế năng động, nhưng trên hết là văn hóa và lịch sử phong phú của Việt Nam.
GS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam 

Nhận ra tiềm năng to lớn của Việt Nam

Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam trung tuần tháng 11/2022, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz đã nhiều lần nhấn mạnh: “Với nước Đức, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng”. Là một người Đức đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, Giáo sư nhận định thế nào về phát biểu này?

Thành thật mà nói, đôi khi các chính trị gia rất biết cách nói khéo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Thủ tướng Olaf Scholz đã lựa chọn từ ngữ một cách rất cẩn thận. Trong EU, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Hiện có hàng trăm công ty Đức có đại diện tại Việt Nam, không chỉ là những tên tuổi lớn, nổi tiếng như Siemens, Adidas hay Bosch, mà ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của nền kinh tế Đức. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam thông qua các pháp nhân là chi nhánh ở các nước khác.

Hơn nữa, ở Đức có một cộng đồng 180.000 người Việt mạnh mẽ và thành đạt. Tại Việt Nam, khoảng 100.000 người nói tiếng Đức - một con số độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam và biển Đông còn là một nhân tố địa chính trị quan trọng trong khu vực.

Tóm lại, tôi có thể đánh giá một cách xác đáng rằng, Việt Nam là một nhân tố thiết yếu đối với nước Đức trong ASEAN nói riêng, cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Vậy Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư và người dân Đức như thế nào?

Phải thừa nhận rằng, dù ngày càng có nhiều công ty Đức hoạt động tại Việt Nam hoặc thiết lập mối quan hệ kinh doanh với các công ty Việt Nam, nhưng người Đức còn biết quá ít về đất nước các bạn. Nhiều người Đức vẫn chỉ biết đến Việt Nam thông qua "cuộc chiến tranh chống Mỹ", hoặc chỉ xem đây như một địa điểm du lịch.

Nhưng thực tế, Việt Nam còn nhiều điều thú vị hơn thế. Đất nước các bạn có lịch sử kéo dài hàng ngàn năm và một nền văn hóa phong phú từ thời các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, đến các triều đại Lý, Lê, Trần và Nguyễn..., mà tôi được biết đến trong quá trình học đại học về lịch sử Đông Nam Á.

Mục tiêu của tôi là một mặt đóng góp vào sự hiểu biết quốc tế giữa Việt Nam và Đức, mặt khác giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam trên con đường sự nghiệp và cuộc sống của họ.

Đặc biệt, phải kể đến sự trỗi dậy của Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, với điểm nhấn là Đổi mới 1986 và trở thành thành viên WTO từ năm 2007. Ngay cả trong thời kỳ Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư Đức, đặc biệt là những người từng sống và làm việc tại Việt Nam, đã nhận ra tiềm năng to lớn của đất nước này.

Tôi đã đọc được ở đâu đó những so sánh giữa Việt Nam với Đức, trong đó có nhận định rằng, hai nước có rất nhiều điểm tương đồng…

Mặc dù Hà Nội và Berlin cách nhau hơn 8.000 km, hai nền văn hóa Việt Nam và Đức cũng rất khác nhau, nhưng tôi nhận thấy, vẫn có nhiều điểm chung giữa hai quốc gia. Cả hai đều từng bị chia cắt trong lịch sử và phải đi lên từ những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ. Cả hai đã phải tự đứng dậy sau một cuộc chiến tranh và sự hủy diệt gần như hoàn toàn.

Ngoài ra, hai quốc gia liên kết nhau bởi tình hữu nghị sâu sắc. Trong giai đoạn chiến tranh trước năm 1975 tại Việt Nam, Tây Đức đã gửi một tàu bệnh viện đến Việt Nam cho mục đích nhân đạo, Đông Đức hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong những thập kỷ gần đây, người Việt Nam đã đến Đức sinh sống, lập nghiệp và tìm thấy quê hương thứ hai ở đó.

Giáo sư nghĩ sao về một tương lai Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển như đã được xác định trong mục tiêu đến năm 2045?

Đối với tôi, chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển thành một nước công nghiệp trong tương lai gần. Nếu Việt Nam từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới vào những năm 1970, thì ngày nay, các bạn đã mạnh mẽ hơn nhiều. Không chỉ có tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia (GNP) ấn tượng, chất lượng phát triển cũng rất đáng chú ý.

Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư thú vị nhất trong khu vực, với cam kết rõ ràng về thương mại tự do và nền kinh tế thị trường, quyền sở hữu, chính sách đầu tư cởi mở và sự chắc chắn về mặt pháp lý. Tất nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo, nhưng có quốc gia nào trên thế giới mà mọi thứ đều hoàn hảo chứ. Điều quan trọng chính là xu hướng và xu hướng đó là tích cực ở Việt Nam.

Nặng tình với Việt Nam

Điều gì khiến ông cảm thấy yêu mến Việt Nam và coi đây là quê hương thứ hai của mình?

Từ khi còn là một thiếu niên, tôi đã cảm thấy hứng thú với Đông Nam Á và tìm hiểu rất nhiều về khu vực này. Tôi từng đến Thái Lan, Singapore khi còn là thanh niên và đến Việt Nam vào năm 2009 với tư cách Thành viên Hội đồng Quản trị Deutsche Bank. Tôi đã quyến luyến Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên và bắt đầu tập trung học tiếng Việt cũng như hòa mình vào văn hóa Việt Nam.

Trở về Đức, tôi nghỉ việc ở ngân hàng sau 18 năm công tác để có nhiều thời gian nghiên cứu về đất nước, với tư cách là giáo sư quản trị kinh doanh và quản trị quốc tế tại TP. Munich (Đức). Năm 2019, tôi kết hôn với một cô gái Việt Nam và trở lại Hà Nội với tư cách là Giám đốc Quốc gia của Viện FNF - một tổ chức phi chính phủ của Đức.

Bạn thấy đó, tôi rất yêu nước Đức quê hương tôi, nhưng cũng đã tìm được quê hương thứ hai của mình, đó là Việt Nam. Tôi thích ngôn ngữ du dương, sự cởi mở của người dân, sự năng động tuyệt vời của nền kinh tế, nhưng trên hết là nền văn hóa và lịch sử phong phú của Việt Nam. Và không thể không nói đến người vợ Việt Nam cũng giữ một vị trí quan trọng trong trái tim tôi.

Tình yêu đó được chuyển hóa như thế nào vào các hoạt động của Giáo sư và FNF tại Việt Nam?

Nhiệm vụ chính của FNF là phát triển quan hệ Đức - Việt Nam, thúc đẩy các ý tưởng về chủ nghĩa tự do và nền kinh tế thị trường. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi lựa chọn và hợp tác với một số đối tác Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị và hành chính thông qua các bộ, ngành, địa phương; hợp tác khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu; hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với các tổ chức trong nước…

Với FNF, tôi đặc biệt tập trung vào quan hệ công chúng và quảng bá ở Việt Nam và ở Đức. Như bạn có thể thấy từ báo chí, FNF liên tục phủ sóng và được giới doanh nhân Đức biết đến. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi cũng đang quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thị trường Đức.

Đối với cá nhân, mục tiêu của tôi là một mặt đóng góp vào sự hiểu biết quốc tế giữa Việt Nam và Đức, mặt khác giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam trên con đường sự nghiệp và cuộc sống của họ.

Được biết, những năm qua, FNF và cá nhân ông có rất nhiều hoạt động hướng tới giới trẻ Việt Nam, như hỗ trợ các cuộc thi khởi nghiệp, Chương trình Tài chính thông minh, hay gần đây nhất, ông đã ra mắt cuốn sách “Refresh! 20 ngày làm mới bản thân”. Đây có phải nhóm đối tượng mà ông tâm huyết?

Việt Nam đang phát triển rực rỡ về kinh tế, mà thanh niên là tương lai của đất nước. Như vậy, giới trẻ là một trong những nhóm đối tượng chính trong các chương trình và hoạt động của FNF tại Việt Nam.

Trong các cuộc trò chuyện với người Việt, tôi nhận thấy rằng, nhiều người, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi 20 - 40, gặp khó khăn trong việc thực hiện ước mơ của họ. Ai cũng muốn thành công, nhưng để xoay chuyển cuộc đời, sẽ cần một người hỗ trợ, một huấn luyện viên.

Cuốn sách “Refresh! 20 ngày làm mới bản thân” mà tôi mới cho ra mắt giúp người trẻ tìm ra con đường của mình trong cuộc sống bằng cách kết hợp tư tưởng phương Tây với hoàn cảnh cụ thể mà họ đang sống. Sau 2 tháng ra mắt, tôi rất vui vì độc giả Việt Nam đã đón nhận và có những phản hồi tích cực.

Còn quá sớm để đặt vấn đề này, nhưng có những người nước ngoài sau thời gian làm việc tại Việt Nam, đã lựa chọn ở lại gắn bó với Việt Nam. Đối với Giáo sư thì sao?

Trong cuốn sách "Refresh! 20 ngày làm mới bản thân", tôi khuyên các bạn trẻ nên đặt mục tiêu trong cuộc sống và luôn có những lựa chọn thay thế. Tôi thích sống ở Việt Nam và nhìn thấy nhiều cơ hội tuyệt vời ở đất nước này. Do đó, việc tiếp tục sống và làm việc tại Việt Nam, ngay cả sau khi hợp đồng với FNF kết thúc, là điều tôi rất mong đợi. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những cơ hội. Vợ tôi cũng rất thích việc chúng tôi sống tại Việt Nam và đối với tôi, đó cũng là một sự kết nối mang tính gia đình.

Doanh nghiệp Đức đầu tư dự án công nghệ cao 40 triệu USD vào Bình Định
Dự án Nhà máy sản xuất Nhũ và Màng mỏng công nghệ cao 40 triệu USD của Tập đoàn Kurz (Đức) được xác định là tiên phong đầu tư vào Khu công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư