Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Tội phạm tham nhũng tăng qua lý giải của Viện trưởng Lê Minh Trí
Nguyễn Lê - 15/09/2022 16:26
 
Năm 2022, tội phạm tham nhũng tăng trên 33%, nhưng theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí thì "cũng không băn khoăn là càng chống tham nhũng càng tăng".
.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ 15, sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Một trong những vấn đề được đặt ra tại phiên họp là năm 2022 nhiều loại tội phạm giảm nhưng tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2022 đã phát hiện ra 396 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ, đã khởi tố 327 vụ với 836 bị cáo và tăng 33,3%. Ông Tùng cho rằng, mức tăng đối với loại tội phạm trong lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tương đối cao.

Lĩnh vực chứng khoán, đấu thầu, đấu giá tài sản, nhất là trong đấu giá tài sản cũng xuất hiện những hành vi tập trung vào những khâu như là thẩm định giá, thẩm định thầu, thông đồng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, dùng quân xanh, quân đỏ thao túng giá trúng thầu, mua bán lòng vòng để nâng giá nhiều lần. Đây là những hành vi rất điển hình xảy ra trong một loạt vụ, nhất là liên quan đến đất đai, đất đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, ông Tùng khái quát.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nguy hiểm cũng đã được xử lý hết sức quyết liệt và xử lý nghiêm, có tính răn đe rất cao nhưng mà loại tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà lại còn tăng lên tương đối cao (trên 33%).

Đặc biệt là những vụ án như ở Công ty cổ phần Việt Á, vụ án Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, do đó, đề nghị phân tích sâu hơn và có giải pháp hữu hiệu để kiềm chế, đẩy lùi loại tội phạm này, ông Tùng nói.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định công tác phát hiện, điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lâm cho rằng, "tinh thần này phải được thể hiện ở trong báo cáo, nhất là trong thẩm tra (của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - PV). Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực và cơ bản là chúng ta đã ngăn chặn được bước đầu những tham nhũng".

Cũng được mời phát biểu, Viện trưởng Lê Minh Trí khái quát, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và dịch bệnh, tội phạm vẫn tiếp tục tăng, trong đó có một số lĩnh vực có giảm nhưng tính chất vẫn phức tạp.

"Ví dụ tội phạm về trật tự xã hội tuy có giảm, nhưng nếu nói về tính chất là tăng, bởi tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trên mạng là một trong những lĩnh vực mới và khó đấu tranh", ông Trí nói.

Viện trưởng cũng nhấn mạnh, tội phạm ở lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. Trong khi đây là một kênh huy động vốn đặc biệt quan trọng của nền kinh tế.

"Qua những vụ án vừa rồi xử lý cũng đã cân nhắc nhiều phía và rõ ràng đã chấn chỉnh một bước, cả về mặt nhận thức lẫn hành động và các cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng phải suy nghĩ để đảm bảo chặt chẽ hơn, chúng ta không chấn chỉnh kịp thời thì hậu quả rất lớn cho nền kinh tế", ông Trí phân tích.

Đáng chú ý, loại tội phạm tăng, nhưng đồng thời cũng tăng phức tạp, theo Viện trưởng là tội phạm tham nhũng và ma tuý.

Tội phạm ma túy tăng vì đi qua nước thứ ba, coi như là trung chuyển, còn những vụ án ma tuý tính bằng tấn không có nghĩa là tiêu thụ hết trong nội địa của chúng ta, ông Trí nhận định.

Riêng với tội phạm tham nhũng, Viện trưởng cho rằng, "không quá lo lắng".

"Trước đây, chúng ta làm nhưng làm chưa tới mức thì khả năng phát hiện bị hạn chế. Bây giờ chúng ta làm theo chỉ đạo của Đảng, của Trung ương và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta làm nhiều việc, phát hiện cả cái cũ và kể cả cái mới để chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn", ông Trí lý giải.

Thực chất tội phạm tham nhũng tăng là do trước phát hiện chưa được thì bây giờ phát hiện, người đứng đầu ngành kiểm sát khái quát.

Theo Viện trưởng, giai đoạn này phải vừa tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn cũng như phải xử lý có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm để tiếp tục răn đe, giáo dục.

"Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã khẳng định không coi nhẹ cái nào. Nhưng phải thấy rằng tội phạm tham nhũng tăng là do chúng ta làm mạnh, làm quyết liệt thì nó tăng lên", ông Trí nhấn mạnh thêm nguyên nhân tội phạm tham nhũng tăng tới hơn 33%.

Phòng, chống tham nhũng: Căn cơ là công tác cán bộ
Nhận định, hàng ngàn vụ trộm cắp có khi không nguy hại bằng vụ Việt Á hay vụ việc xảy ra ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đại biểu Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư