Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Tối ưu vận hành thủy điện, EVN chỉ phải xả 3,62 tỷ m3 cho vụ Đông Xuân
Hoàng Minh - 21/02/2023 14:55
 
Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 2 đợt là 3,62 tỷ m3, thấp hơn khoảng 1,14 tỷ m3 so với dự kiến của EVN.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao việc tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện tối đa khả năng cho phép để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá cao công tác tổ chức điều hành và thông tin của EVN, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Cụ thể, thông tin điều hành xả nước của Tập đoàn được gửi hằng ngày đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, thông tin điều hành xả các hồ chứa thủy điện và dự báo mực nước hệ thống sông Hồng - Thái Bình tại hạ du được EVN và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp cập nhật liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành xả nước và lấy nước.

Theo báo cáo, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 2 đợt là 3,62 tỷ m3 (Đợt 1 là 1,41 tỷ m3, Đợt 2 là 2,21 tỷ m3), thấp hơn khoảng 1,14 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Riêng trong đợt 2, các nhà máy thủy điện đã vận hành tối đa công suất phát điện nên dòng chảy hệ thống sông Hồng được duy trì ở mức cao nhất theo khả năng, mực nước trung bình cả đợt tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,61 m, tạo điều kiện tốt hơn cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước.

Mực nước trên hệ thống sông Hồng trong các đợt lấy nước cơ bản phù hợp với kịch bản tính toán, tạo điều kiện các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước, các trạm dã chiến và các cống lấy nước vùng triều có điều kiện vận hành tốt.

Tuy nhiên, do tình trạng hạ thấp mực nước trên hệ thống sông tiếp tục diễn biến nhanh, dẫn đến các công trình chưa được đầu tư nâng cấp như trạm bơm Trung Hà, Phù Sa (Thành phố Hà Nội), các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Thành phố Hà Nội), Long Tửu (tỉnh Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước. Đáng nói là tình trạng này đã thường xuyên diễn ra từ vài năm gần đây nhưng vẫn không được địa phương tập trung xử lý dứt điểm.

Để có được kết quả tích cực như trên, EVN và các đơn vị đã rất chủ động trong việc chuẩn bị triển khai thực hiện. Ngay sau khi nhận được thông báo từ Tổng Cục Thủy lợi vào cuối tháng 11/2022 về lịch lấy phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, EVN đã xây dựng kế hoạch vận hành và xả nước từ các hồ thủy điện phía Bắc (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) và kế hoạch đảm bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy.

EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch cung cấp điện, đồng thời điều tiết các hồ chứa duy trì mực nước tại Hà Nội ở mức hợp lý để tiết kiệm nguồn nước đảm bảo hiệu quả cao nhất của 2 đợt lấy nước tập trung và đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2023 cho hệ thống điện Quốc gia.

EVN cũng đã yêu cầu các Công ty Điện lực rà soát, kiểm tra và chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện trong suốt thời gian lấy nước tập trung (từ ngày 06/01/2023 đến 08/02/2023) và sau các đợt lấy nước để phục vụ bơm dẫn nước. Các trạm bơm được cung cấp điện ổn định, liên tục, không xảy ra sự cố lưới điện và các thiết bị cơ khí trong suốt thời gian lấy nước.

Đặc biệt, để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện, EVN và các Công ty Thủy điện liên quan đã chủ động đề nghị, phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/ thành phố chỉ đạo ngay các địa phương chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi.

Các đơn vị của ngành Điện lực cũng đề nghị các Công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.

Tổng lượng xả của năm 2023 thấp hơn 0,62 tỷ m3 so với năm  2022, thấp hơn 1,52 tỷ m3 so với năm 2021, cao hơn 0,94 tỷ m3 so với năm 2020  (năm có mưa lớn vào Tết Nguyên Đán), thấp hơn 1,06 tỷ m3 so với năm 2019.

Giá điện đứng im, EVN lo lỗ hơn 93.000 tỷ đồng
Nếu giá điện vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không còn tiền trong tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư