Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, tài năng và đức độ
Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, tài năng và đức độ của Đảng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới.  Ảnh: TTXVN

Là người có nhiều năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương và đặc biệt, tôi có mấy năm vinh dự là thành viên Tổ Giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Dù đã biết sức khỏe của đồng chí thời gian gần đây giảm sút nhiều và không được tốt, khi được nghe thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí được Bộ Chính trị quyết định tặng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta, linh tính đã mách bảo trước cho tôi về một chuyện “chẳng lành” sắp xảy ra. Nhưng khi biết tin chính thức đồng chí đã ra đi “về với thế giới người hiền”, tôi vẫn không thể nào kiềm chế được xúc động của mình, cổ họng như nghẹn lại, nước mắt cứ trào ra...

Cùng với nỗi đau thương và sự mất mát lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tôi xin cung cấp thêm một số thông tin về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà nhiều người chưa được biết. Đó cũng là một nén tâm nhang kính viếng hương hồn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí.

(1) Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một trong hai Tổng Bí thư của Đảng (đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Nguyễn Phú Trọng) khi đương chức 80 tuổi. Đồng chí sinh ngày 14/4/1944, tại xã Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Ngày 14/4/2024 vừa qua, đồng chí vừa tròn 80 tuổi.

(2) Đồng chí là một trong số ít người được kết nạp vào Đảng khi đang là sinh viên năm thứ 4 - Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Đồng chí cũng là một trong số ít những sinh viên xuất sắc của Trường, nên được viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, với chủ đề “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu”. Có lẽ vì “duyên nợ” với thơ Tố Hữu và thơ Tố Hữu đã ngấm vào tâm hồn đồng chí từ thuở sinh viên, nên trong các bài viết, bài phát biểu của mình, đồng chí hay trích dẫn thơ Tố Hữu.

Ngày 2/2/2023, khi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, đồng chí đã mượn thơ Tố Hữu khi đang ở trong nhà tù của thực dân Pháp để thay cho lời hứa của mình với Đảng: “Còn một giây, một phút tàn hơi; Vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”. Trong tác phẩm “Tin tưởng và tự hào dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giầu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, đồng chí cũng mượn thơ Tố Hữu để nói lên niềm tự hào và lòng tin son sắt đối với Đảng của mình: “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt; Đảng ta đây xương sắt, da đồng; Đảng ta muôn vạn công nông; Đảng ta chung một tấm lòng, niềm tin”.

Và thật cảm động khi đồng chí thắp hương viếng Bác ở Nhà 67 và thăm Phủ Chủ tịch, khi được nhận trái bưởi từ vườn cây của Bác, đồng chí lại xúc động, nghẹn ngào đọc 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai; Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài; Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm; Quanh mặt hồ in mây trắng bay;…”.

(3) Sau 24 năm công tác, từ một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường về công tác ở Tạp chí Học tập - nay là Tạp chí Cộng sản (kể cả gần 5 năm đồng chí đi học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương và ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Đảng Cộng sản Liên - Xô), đồng chí đã trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng ta, tương đương Bộ trưởng). Đây là một “kỷ lục” về thời gian phấn đấu, trưởng thành và phát triển của cán bộ mà ít người có được.

(4) Đồng chí là trường hợp đầu tiên được Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ra quyết nghị về việc tiếp tục tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp (vì Điều lệ Đảng hiện hành quy định: Chức danh Tổng Bí thư không giữ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp).

(5) Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều nhiệm kỳ là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đồng chí đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa (từ khóa VII đến khóa XIII); tham gia Bộ Chính trị 6 khóa (từ khóa VIII đến khóa XIII); là đại biểu Quốc hội 5 khóa (từ khóa XI đến khóa XV); có 4 khóa là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trong đó 1 khóa làm Chủ tịch Quốc hội và 3 khóa làm Tổng Bí thư của Đảng (khóa XI, XII, XIII).

(6) Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người Việt Nam thứ 3 (sau Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh) vừa là người đứng đầu Đảng, vừa là người đứng đầu Nhà nước. Trong thời gian giữ chức Tổng Bí thư khóa XII, đồng chí có một nửa nhiệm kỳ vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước. Đặc biệt, có một sự kiện đáng nhớ là sau đúng 50 năm kể từ khi Bác mất (tháng 9/1969), người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài lại được nghe thơ chúc Tết lúc Giao thừa của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Giao thừa năm 2019, đồng chí nói: “Học theo thơ Bác Hồ, tôi xin có mấy vần: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua; Thắng lợi tin vui khắp nước nhà; Cả nước hân hoan mừng xuân mới; Khải hoàn ta viết tiếp bài ca”. Giao thừa năm 2020, đồng chí cũng lại nói: “Học theo thơ Bác Hồ tôi lại xin có mấy vần: Năm qua thắng lợi vẻ vang; Năm nay cả nước chắc càng thắng to; Hòa bình, hạnh phúc, ấm no; Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam”.

(7) Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của Đảng có học hàm, học vị cao nhất từ trước đến nay (đồng chí là GS -TS. chính trị học chuyên ngành xây dựng Đảng). Năm 1992, đồng chí được Nhà nước phong hàm phó giáo sư và năm 2002 được phong hàm giáo sư. Đồng chí có nhiều năm làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Báo cáo Chính trị và để lại nhiều dấu ấn trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội IX của Đảng đến nay.

(8) Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự là một “vị tướng” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Với trách nhiệm là Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, quyết liệt và hiệu quả với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không chịu bất kỳ sức ép của tổ chức cá nhân nào”, nhưng lại rất “nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình” và “tâm phục, khẩu phục”. Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả như những năm gần đây, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

(9) Từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa trực tiếp làm Bí thư Quân ủy Trung ương, vừa tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Đây là trường hợp đầu tiên mà đồng chí Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

(10) Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới; là một hình mẫu tiêu biểu về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng chí thực sự là một tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang
Tang lễ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Trong hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư