Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: 35 năm vươn tầm thế giới, kết nối toàn cầu
Bích Thủy - 16/03/2024 08:40
 
Xuất phát từ nhu cầu về một cảng quân sự chính quy, hiện đại ở phía Nam, là căn cứ phòng thủ, hậu cần - kỹ thuật, vận tải, chi viện cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày 15/3/1989, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký Quyết định số 41/QP thành lập Quân cảng Sài Gòn, nay là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.
Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc với các tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu

Khi mới thành lập, nhiệm vụ chủ yếu của Tân cảng Sài Gòn là phục vụ cho quốc phòng, đồng thời được tận dụng năng lực dôi dư để khai thác kinh tế. Từ một bến cảng quân sự cũ, với nguồn vốn ban đầu chỉ 17,5 tỷ đồng và 36 cán bộ, chiến sỹ được điều động từ các đơn vị, chưa từng biết đến công việc kinh doanh; đến nay, Tân cảng Sài Gòn đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng, có tính lịch sử cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả và năng lực quản trị điều hành, hội nhập quốc tế sâu rộng theo xu thế số hóa, xanh hóa, có những đóng góp quan trọng cho phát triển của kinh tế đất nước, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các cơ sở cảng và trang thiết bị do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý, khai thác đều mang tính lưỡng dụng: “Khi bình là ngư, khi biến là binh”, đã cùng với các lực lượng trong Quân chủng Hải quân xếp dỡ, tiếp nhận hàng hóa quân sự, bảo đảm cầu bến cho các tàu của Hải quân Việt Nam đi làm nhiệm vụ trên biển; thi công nhiều công trình quân sự khó khăn trên các vùng biên giới, hải đảo; thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tân cảng Sài Gòn được biết đến là doanh nghiệp khẳng định thương hiệu quốc gia trong kinh doanh khai thác cảng và dịch vụ logistics, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần củng cố, nâng cao năng lực, vị trí của doanh nghiệp nhà nước, giữ vai trò dẫn dắt mở đường cho các thành phần kinh tế khác.

Từ năm 1997 đến nay, Tân cảng Sài Gòn luôn giữ vững vị trí số một về kinh doanh khai thác cảng biển, trong đó 3 cảng giữ vị trí  hàng đầu về sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua lớn thứ nhất, thứ hai và thứ ba cả nước là: Cảng Tân cảng Cát Lái - cảng biển lớn, hiện đại nhất Việt Nam, xếp thứ 30 thế giới; Cảng quốc tế Tân cảng Cái Mép - cảng biển lớn thứ hai và là cảng nước sâu lớn nhất toàn quốc; Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng - cảng biển lớn thứ ba cả nước và là cảng nước sâu lớn nhất khu vực miền Bắc.

Hiện Tân cảng Sài Gòn đảm nhiệm xếp dỡ 56,8% thị phần container hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển của cả nước; thứ hạng toàn cầu 4 năm gần đây, mỗi năm tăng một bậc. Ngành khai thác cảng của Tân cảng Sài Gòn hiện xếp thứ 17 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới, đưa thương hiệu cảng biển Việt Nam đến với trên 150 hãng tàu, đại lý hãng tàu trên thế giới, hiệu suất khai thác hàng đầu thế giới.

Cảng quốc tế Tân cảng Cái Mép là một trong những cảng nước sâu lớn nhất cả nước

Từ năm 2013, với sự ra đời của 2 trụ cột kinh doanh là dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển, Tân cảng Sài Gòn tiếp tục nối dài chuỗi dịch vụ, mang “cảng” đến tận nhà máy, công trình cho khách hàng, hình thành hệ sinh thái trọn gói, đảm nhận mắt xích quan trọng, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của đất nước vận hành thông suốt, kể cả trong tâm dịch Covid-19. Trung bình các năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng Tân cảng Sài Gòn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn quốc; số thu thuế xuất nhập khẩu hàng qua cảng Tân cảng Sài Gòn đóng góp từ 16 đến 20% thu ngân sách TP.HCM, khoảng 6% tổng thu ngân sách quốc gia.

Để có được thành công trên, Tân cảng Sài Gòn luôn tiên phong, đi đầu trong đầu tư trang thiết bị, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, dịch vụ trực tuyến trong quản lý, điều hành, duy trì chất lượng dịch vụ, xây dựng “cảng xanh”, “dịch vụ thông minh”... để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo sự khác biệt về chất lượng dịch vụ, tạo ưu thế cạnh tranh bền vững, góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng chính phủ số, giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng, giảm giá thành sản phẩm, phát triển kinh tế đất nước.

Những đóng góp của Tân cảng Sài Gòn đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: danh hiệu Anh hùng Lao động (2004); 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 6 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, cùng nhiều phần thưởng khác.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống, Tân cảng Sài Gòn tiếp tục vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai. Cảng Tân cảng - Cát Lái và Cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép là 2 cảng đầu tiên của Việt Nam do Tân cảng Sài Gòn khai thác được Hiệp hội Cảng biển APEC cấp Chứng chỉ quốc tế về cảng xanh (GPAS). Tân cảng Sài Gòn 7 lần liên tiếp được Hội đồng Thương hiệu quốc gia bình chọn đạt “Thương hiệu quốc gia”; 5 lần liên tục được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.

Lần thứ 7 liên tiếp Tân cảng Sài Gòn nhận Thương hiệu quốc gia

Nhìn lại hành trình hơn 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chia sẻ: “Tân cảng Sài Gòn có được ngày hôm nay bắt nguồn từ đổi mới của Đảng. Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp với quốc phòng của Quân đội; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đi tắt đón đầu, sáng tạo không ngừng, đề ra chiến lược kinh doanh đúng, trúng, kịp thời trong từng thời kỳ. Đề cao đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật và đặc biệt xây dựng được văn hóa đặc trưng Tân cảng Sài Gòn là cội nguồn sức mạnh để phát triển”.

Nét văn hóa nghĩa tình, trách nhiệm cộng đồng trên địa bàn đứng chân

Đến cảng Tân cảng Cát Lái, cảng lớn nhất của cả nước trong những ngày tháng 3 này, chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động, hàng ngàn container hàng hóa liên tục được xếp dỡ, đi theo những chuyến tàu vượt đại dương, càng thêm hy vọng về một năm khởi sắc của nền kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam gặp gỡ đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam vừa có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về nghiên cứu hợp tác đầu tư trong lĩnh vực khai thác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư