Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tổng cục Hải quan: Thặng dư thương mại quý I đạt 4,8 tỷ USD
Thế Hoàng - 16/04/2023 08:05
 
Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023 thặng dư 4,81 tỷ USD là con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tăng thêm 800 triệu USD so với các số liệu trước đó.

Đã có thay đổi về cán cân thương mại của nước ta trong quý đầu năm, khi Tổng cục Hải quan công bố kết quả xuất khẩu trong 15 ngày cuối tháng 3.

Số liệu cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2023  đạt 30,79 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 3,62 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 3/2023.  

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong quý I/2023 đạt 153,79 tỷ USD, giảm 13,5% (tương ứng giảm 24,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 107,76 tỷ USD, giảm 13,2% (tương ứng giảm 16,3 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 46,04 tỷ USD, giảm 14,4% (tương ứng giảm 7,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.   

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 16,38 tỷ USD, tăng 22,8% (tương ứng tăng 3,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 3/2023.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 2 tăng so với kỳ 1 là điện thoại các loại và linh kiện tăng 715 triệu USD (tương ứng tăng 40,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 442 triệu USD (tăng 19,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 432 triệu USD (tăng 27,5%); sắt thép các loại tăng 274 triệu USD (tăng 131,7%); giày dép các loại tăng 157 triệu USD ( tăng 22,2%)...

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn  kỳ 2 tháng 3 năm 2023 so với kỳ 1 tháng 3 năm 2023
Trị giá xuất khẩu một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 3 so với kỳ 1/3/2023.

Như vậy, tính trong quý 1/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%, tương ứng giảm 10,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 12,02 tỷ USD, tăng 23,3% so với kỳ 1, nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2023 của nhóm này lên 59,06 tỷ USD, giảm 10,6% (tương ứng giảm 7,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 14,4 tỷ USD, tăng 4,2% (tương ứng tăng 576 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2023.

Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu trong kỳ 2 tăng so với kỳ 1, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 300 triệu USD (tương ứng tăng 9,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 145 triệu USD (tương ứng tăng 8,5%); hạt điều tăng 82 triệu USD (tương ứng tăng 51,7%)...

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn  kỳ 2 tháng 3 năm 2023 so với kỳ 1 tháng 3 năm 2023
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 so với kỳ 1/3/2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 đạt 9,06 tỷ USD, tăng 4% (tương ứng tăng 346 triệu USD) so với kỳ 1.Tính trong quý 1/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 48,7 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm 9,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Kỳ 2 tháng 3 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,98 tỷ USD. Tính trong quý I/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,81 tỷ USD.

Các số liệu thống kê trước đó, thặng dư thương mại quý I đạt 4,07 tỷ USD.

Nhìn vào kết quả xuất nhập khẩu sẽ thấy, dù mới qua quý đầu tiên, có thể thấy rõ, tác động không mong muốn của suy giảm kinh tế toàn cầu đã khiến động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu, tiêu dùng gặp nhiều thách thức.

Dù cán cân thương mại thặng dư trên 4,8 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,87 tỷ USD), nhưng đây lại là dấu hiệu của suy giảm hoạt động sản xuất vì thiếu đơn hàng. Xuất siêu là do nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào giảm do cầu yếu (đơn đặt hàng ít đi) chứ không phải do xuất khẩu tăng, thành thử, nỗi lo càng lớn.

Theo đó, gỡ khó cho xuất nhập khẩu, đầu tư, khôi phục sản xuất trong nước…là những chỉ đạo mới nhất của người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới phục hồi, tăng trưởng toàn cầu, xuất nhập khẩu giảm sút mạnh so với cùng kỳ.


Xuất siêu toàn ngành nông nghiệp giảm gần 40%
Do ảnh hưởng của lạm phát, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực nông, lâm, thủy sản của Việt Nam giảm 14,4% so với cùng kỳ, xuất siêu chỉ còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư