Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam: Nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán
Thùy Vinh - 24/05/2024 08:33
 
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2024.

Thực tế cho thấy, việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và dấu hiệu hồi phục ở một số ngành nghề là động lực chính giúp thị trường tăng trưởng ở những tháng đầu năm 2024.

Tính đến hết tháng 4/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.209,52 điểm, tăng 7,0% so với cuối năm 2023; tổng mức vốn hóa thị trường ước đạt 6.455.851 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2023. Ngoài ra, thanh khoản thị trường đạt bình quân 24.020 tỷ đồng/phiên, tăng 25,4% so với bình quân năm 2023.

Theo bà Lệ, những rủi ro từ bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm thực hiện giảm lãi suất hơn dự kiến, USD tiếp tục mạnh lên, các xung đột địa chính trị trên thế giới leo thang… sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán trong những tháng còn lại của năm 2024.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam).

Tuy nhiên, Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam nhận định, triển vọng của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan nhờ vào các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô, như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng nội địa cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.

Đồng thời, môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì (dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ), để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; và quyết tâm của chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. 

Hiện thị trường kỳ vọng và UOB giữ nguyên dự báo rằng, khả năng Fed sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất USD vào tháng 9 và tháng 12 năm nay. Nhưng điều này cũng không thể chắt chắn nếu lạm phát Mỹ chưa giảm về kỳ vọng 2%. 

Theo biên bản công bố hôm 22/5 của cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm khi họ vẫn phải tìm cách giải quyết lạm phát duy trì dai dẳng trên ngưỡng mục tiêu dài hạn 2% của ngân hàng này.

Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy các quan chức Fed nhìn chung cảm thấy rằng các số liệu gần đây không đủ để củng cố niềm tin rằng lạm phát đang tăng bền vững ở mức 2%.

Theo bà Lệ, trong trường hợp Fed không cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tác động tích cực lên USD và một khi USD lên cao sẽ tác động lên áp lực tỷ giá. Điều này cũng sẽ khiến nhà điều hành gặp khó khăn hơn trong việc điều hành tỷ giá. Bởi nếu tỷ giá tăng sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư cũng như dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, bà Lệ cho rằng, trước bối cảnh thị trường hiện chắc chắn nhà điều hành đã có những giải pháp để kịp thời ứng phó linh hoạt. Diễn biến của thị trường thế giới, lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed giảm bớt kỳ vọng sẽ tác động lên chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng cuối năm 2024.

Bởi kinh tế có dấu hiệu hồi phục và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tăng trong quý I/2024. Theo thống kê từ các công ty trong danh mục theo dõi của chúng tôi, lợi nhuận ròng tăng bình quân 14,3% theo năm và 24,4% theo quý. 

Xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của Viêt Nam đang cải thiện. Nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại với sự tăng tốc của ngành du lịch. Dòng vốn từ nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng tốt. 

Yếu tố tác động tiếp theo là nền mặt bằng đang được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng, cho dù lãi suất tiết kiệm và lãi suất OMO có tăng nhẹ gần đây nhưng vẫn khá thấp so với trước. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tích cực, thu hút nguồn vốn FDI tăng, đồng thời Việt Nam đang từng bước nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi… Với các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư cổ phiếu lâu nay được cho là có khả năng chịu đựng rủi ro nên một khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp, nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

Tuy nhiên, khác với trước đây, nhiều người nghĩ và thực tế cũng không ít nhà đầu tư tìm đến chứng khoán với ý định chỉ lướt sóng, nhưng hiện nay chiến lược đầu tư của nhiều nhà đầu tư có cái nhìn dại hạn hơn, thay vì chỉ ngắn hạn. Đây cũng là điều tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Chứng khoán đạt đỉnh, lừa đảo đầu tư tăng đột biến tại Nhật Bản
Cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Nhật Bản, một diễn biến đáng lo ngại khác cũng xuất hiện tại quốc gia này: lừa đảo đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư