Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu: Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra
Hữu Tuấn - 28/10/2016 14:36
 
Đó là nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trình bày tại Quốc hội ngày 28/10.

 Báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày trước Quốc hội, công tác phòng, chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.

Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành văn hóa phòng chống tham nhũng.

Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo về phòng chống tham nhũng trước Quốc hội
Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo về phòng chống tham nhũng trước Quốc hội

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương thực hiện chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng.

Công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin - cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...

Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.

Bên cạnh đó là bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm, bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng chưa thật sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức về công tác phòng chống tham nhũng chưa đồng đều, thiếu tự giác trong chấp hành các quy định về phòng chống tham nhũng. Tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến…

Yêu cầu về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhưng cụ thể hoá trong pháp luật chuyên ngành trên từng lĩnh vực còn hạn chế…

Báo cáo cũng nêu lên phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 là tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp phòng chống tham nhũng đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật phòng chống tham nhũng; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…

Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định rõ phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2017, Chính phủ tiếp tục xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ là: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp phòng chống tham nhũng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng; triển khai quyết liệt chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương vềphòng chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng của các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về những biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; hoàn thành dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội…

Tạo chuyển biến trong phòng chống tham nhũng
Trong thời gian tới, công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, Thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư