Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Tổng thống Ấn Độ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Như Thành - 11/09/2014 16:17
 
() Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, đề ra các phương hướng tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tướng Mỹ ủng hộ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam
Putin: Nga coi trọng phát triển quan hệ với Ấn Độ-Nhật Bản-Việt Nam
Nhật - Mỹ hỗ trợ các nước ASEAN đối phó tội phạm mạng

Chiều 11/9, tại buổi Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã cung cấp một số thông tin ngoại giao quan trọng trong tuần tới.

Theo đó, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14/9 đến ngày 17/9/2014. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ cùng nhau rà soát việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 10/2011 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2013, đề ra các phương hướng tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, cũng như bàn thảo các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế sẽ dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 15/9 đến ngày 19/9/2014. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ về các vấn đề quan tâm trong đàm phán TPP, hướng tới sớm kết thúc đàm phán thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, cũng như hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế giữa hai nước.

Nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh về thương mại và đầu tư ASEAN - Trung Quốc lần thứ 11 tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 14/9 đến ngày 16/9/2014.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị thượng đỉnh về thương mại và đầu tư ASEAN - Trung Quốc cũng như Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần này nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại; củng cố mối quan hệ đối tác hữu nghị cùng có lợi giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là sự khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đẩy mạnh mở rộng khai thác thị trường ngoài nước, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Người phát ngôn Lê Hải Bình cũng đã trả lời một số câu hỏi về các vấn đề ngoại giao, quốc tế đang được dư luận quan tâm.

  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình  
  Người phát ngôn Lê Hải Bình tại cuộc Họp báo ngày 11/9  

PV: Xin cho biết quan điểm của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao về thông tin Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma và xung quanh Trường Sa?

Người phát ngôn Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng tại khu vực này đều là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông DOC, làm phức tạp thêm tình hình tại biển Đông và khu vực.

PV: Xin cho biết quan điêm của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ cho phép nhập một số hoa quả của Việt Nam?

Người phát ngôn Lê Hải Bình: Việt Nam hoan nghênh việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như vải, nhãn. Đây là bước đi nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam hi vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét cấp phép cho việc nhập khẩu thêm các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam.

PV: Về thông tin Tổng thống Ấn Độ sắp thăm chính thức Việt Nam, báo chí Ấn Độ có đưa tin Việt Nam và Ấn Độ ký hợp đồng mua tên lửa chống hạm của Ấn Độ, xin Người phát ngôn xác nhận thông tin này?

Người phát ngôn Lê Hải Bình: Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin mà phóng viên nêu.

PV: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam khi Trung Quốc tuyên bố giữ tàu cá Việt Nam do các tàu này sử dụng chất nổ trong đánh bắt?

Người phát ngôn Lê Hải Bình: Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ vào ngày 9/9/2014.

Theo thông báo ngày 9/9 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hành động nói trên của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Ngày 09/09/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.”

PV: Được biết, trong 2 ngày 10 và 11/9, nhóm làm việc chung của Vatican và Việt Nam đã tiến hành họp. Xin hỏi kết quả của phiên họp này và tiến triển trong thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vatican?

Người phát ngôn Lê Hải Bình: Thực hiện thỏa thuận tại cuộc họp vòng 4 nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam và Tòa thánh Vatican hồi tháng 6/2013, cuộc họp vòng 5 nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 10 và 11/9. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Antoine Camilleri đồng chủ trì cuộc họp này.

Tại cuộc họp, hai bên đã đánh giá quan hệ Việt Nam với Tòa thánh Vatican đã có bước phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc ở các cấp, qua các cuộc họp nhóm công tác hỗn hợp, cũng như qua hoạt động của Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam.

Hai bên thống nhất duy trì đối thoại, tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, góp phần giúp Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện tốt lời dạy của Giáo hoàng.

Hai bên cũng nhấn mạnh lại các đường hướng như sống phúc âm giữa lòng dân tộc và giáo dân tốt phải là 1 công dân tốt. Phía Vatican khẳng định Giáo hoàng Francis luôn theo sát tình hình phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican nhằm khuyến khích cộng đồng Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp vào công việc chung của đất nước, đồng thời ghi nhận những tiến bộ trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, đặc biệt là thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Phía Việt Nam khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân, ủng hộ Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đất nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư