Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
TP.HCM ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh
Việt Dũng - 20/09/2021 16:37
 
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Cụ thể, tại siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm có 7 tiêu chí để đánh giá đạt hoặc không đạt. Trong các tiêu chí an toàn có yêu cầu khách hàng và bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng phải có “Thẻ Xanh COVID”. Các bộ phận còn lại tối thiểu có “Thẻ Xanh COVID giới hạn phạm vi hoạt động”.

Đảm bảo kiểm soát mật độ người hoạt động tại địa điểm kinh doanh theo các quy định phòng, chống dịch (mật độ tối thiểu là 4m2/người tính theo diện tích kinh doanh) và giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận; Có phương án, biện pháp bố trí, xếp hàng cho khách hàng tham gia mua sắm và quy định số lượng để không bị ùn ứ...

Tại chợ truyền thống cũng có 7 tiêu chí để đánh giá an toàn. Ngoài việc phải có “Thẻ Xanh COVID” và giữ khoảng cách, cần phải tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc đeo khẩu trang. Đối với chợ truyền thống không có nhà lồng, bảo vệ chợ có thể kiêm nhiệm việc giám sát, nhắc nhở.

Không được bố trí làm việc đối với nhân viên đơn vị quản lý chợ và nhắc nhở khách hàng, thương nhân không vào chợ khi có ít nhất một các các triệu chứng mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở...

Giữ khoảng cách là một trong những tiêu chí an toàn được áp dụng tại các điểm kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại... (Ảnh: Lê Toàn)
Giữ khoảng cách là một trong những tiêu chí an toàn được áp dụng tại các điểm kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại... (Ảnh: Lê Toàn)


Tại chợ đầu mối, các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất và văn phòng làm việc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, cũng có 7 đến 8 tiêu chí để đánh giá an toàn.

Đối tượng áp dụng là người lao động, người sử dụng lao động tại các đơn vị; các đối tác cung cấp; khách hàng mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các đơn vị nêu trên cung cấp.

Điều kiện áp dụng, người lao động, người sử dụng lao động tại các đơn vị; các đối tác cung cấp; khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ có “Thẻ Xanh COVID”, cùng với việc tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Một người có “Thẻ Xanh COVID” khi hội đủ các điều kiện như: Xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định; Tiêm vắc-xin hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh; Không có tiếp xúc gần với người F0 trong vòng 14 ngày…

Người có “Thẻ Xanh COVID” được tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội theo mức độ kiểm soát dịch của Thành phố. Người có bị giới hạn hoạt động được tham gia các hoạt động hạn chế hơn, tùy thuộc vào điều kiện môi trường làm việc, mức độ rủi ro lây nhiễm và mức độ quan trọng của hoạt động tham gia.

Về Nguyên tắc hoạt động, phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định và xem đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đơn vị chỉ được sản xuất, kinh doanh khi đảm bảo các tiêu chí về hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các hoạt động bán lẻ hàng hóa hoặc hoạt động thương mại, dịch vụ có tổ chức giao hàng thông qua lực lượng giao nhận phải thực hiện theo phương thức không tiếp xúc. Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt thì phải có khay giao và nhận tiền riêng; hàng hóa phải được giao qua phương tiện trung gian, tránh tiếp xúc trực tiếp.

Về việc đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị phải tự đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, thông báo với các cơ quan có chức năng để tổ chức hậu kiểm. Đối với các đơn vị hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì thông báo với Ban Quản lý. Đối với các đơn vị khác thì thông báo với UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Việc tự đánh giá và triển khai thực hiện được áp dụng với từng cơ sở trong hệ thống phân phối, các khu vực ngành hàng trong chợ và trong từng khu vực hoạt động để đảm bảo việc khoanh vùng, xử lý khi có trường hợp nhiễm Covid-19 trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng và đảm bảo duy trì hoạt động an toàn tại các khu vực sản xuất, điểm kinh doanh khác.

Phương pháp đánh giá, các đơn vị đạt các tiêu chí theo quy định thì được phép hoạt động. Các đơn vị không đạt các tiêu chí theo quy định thì không được phép hoạt động và phải có biện pháp khắc phục, tổ chức đánh giá lại.

Việc tạm dừng hoạt động hay thực hiện các biện pháp khắc phục của đơn vị sẽ áp dụng theo từng cơ sở trong hệ thống phân phối, các khu vực ngành hàng trong chợ, từng phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất, từng cụm, điểm văn phòng… và theo mức độ an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở kinh doanh thương mại (hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm) và các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch thì được phép hoạt động.

Nhiều loại hình kinh doanh ở TP.HCM được mở cửa đến 21 giờ
Đây là một trong những hoạt động được nới lỏng trên địa bàn TP.HCM kể từ 0h00 ngày 16/9 trong văn bản số 3072/UBND-VX do UBND TP.HCM ban hành vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư