Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 05 năm 2024,
TP.HCM đề xuất mở rộng lĩnh vực quản lý nhà nước đặc biệt về kinh tế
Ngô Sơn - 11/10/2023 11:36
 
UBND TPHCM đề xuất mở rộng phân cấp quản lý nhà nước đặc biệt lĩnh vực kinh tế, như tăng thời hạn hoạt động của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất mở rộng phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho Thành phố triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, UBND TP.HCM đề xuất phân cấp cho UBND Thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế như: Trình HĐND  quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa; Xem xét, quyết định điều chỉnh tăng thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp; Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y; Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung...

TP.HCM cho rằng cần mở rộng phân cấp quản lý nhà nước cho Thành phố để đột phá.

Đồng thời phân cấp cho UBND Thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước như: Trình HĐND TP.HCM quyết định các chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Thành phố mà không phải lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Xem xét, quyết định giảm tiền thuê đất phải nộp đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn.

Phân cấp cho UBND TP.HCM trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông - vận tải như: Tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc địa giới hành chính Thành phố; Thỏa thuận vị trí vùng nước neo đậu, khu neo đậu phương tiện thủy (vùng nước gần bờ, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa và hàng hải, không thuộc các quy hoạch có liên quan) để neo đậu phương tiện của tổ chức, cá nhân phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thủy thuộc địa giới hành chính; Ban hành quy định về khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu đường cao tốc (cầu cạn) đối với hệ thống đường bộ do UBND Thành phố chịu trách nhiệm quản lý khai thác và bảo trì..

UBND TP.HCM cũng đề nghị được phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục như: Thẩm định, phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ; Thẩm định phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp đối với các cơ sở giáo dục liên kết giáo dục nước ngoài; Phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng trên địa bàn; Công nhận hội đồng quản trị đối với các trường cao đẳng tư thục trên địa bàn Thành phố…

Cơ chế đặc thù TP.HCM: Ngay từ cái nhìn đầu tiên
TP.HCM cần cơ chế đặc thù để nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu quốc gia, một đô thị thông minh. Vậy điều đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư