Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM: Doanh nghiệp kêu thủ tục từ một cửa đi ngược lại thành nhiều cửa
Lê Quân - 31/08/2022 16:42
 
Cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại TP.HCM đều than phiền về thủ tục hành chính từ cơ chế một cửa, nay đi ngược lại thành nhiều cửa.

Ngày 31/8, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thành phố năm 2022 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.

bà
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM nêu ý kiến tại hội nghị.- Ảnh: Lê Minh

Vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị đó chính là thủ tục hành chính đang khiến doanh nghiệp mất niềm tin.

Phản ánh với lãnh đạo TP.HCM, bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) TP.HCM, cho biết vấn đề thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp, đồng thời suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.

Cụ thể là vấn đề điều chỉnh phê duyệt quy hoạch do nhiều quy định pháp luật gần đây bị thay đổi theo hướng đi ngược từ một cửa trở lại cơ chế nhiều cửa dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. "Thời gian qua đã có tình trạng doanh nghiệp tiến hành xin điều chỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể dù là điều chỉnh cục bộ nhưng mất khoảng 2 năm mới xong ,trong khi trước đây mất từ 3 đến 6 tháng" bà nói.

Không những vậy, các thông tin về chính sách ưu đãi mà Khu công nghệ cao chia sẻ trên website thoạt nhìn có vẻ rất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế các loại phí mà ban quản lý Khu công nghệ cao đang thu như phí duy tu hạ tầng, phí an ninh trật tự, bảo vệ đều có xu hướng tăng, giá thuê đất cũng tăng.

Điều đó không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM và làm giảm sức cạnh tranh giữa khu công nghệ cao với các nơi khác.

Để giảm bớt các khâu thủ tục hành chính phải qua nhiều cấp, bà Uyên đề nghị TP.HCM cho phép Khu công nghệ cao thực hiện cơ chế một cửa để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hơn thay vì để doanh nghiệp phải đi trình hồ sơ tại nhiều cấp.

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) phản ánh, sau dịch nhiều sở ban ngành của Thành phố có cách làm việc theo kiểu cũ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bà đề nghị TP.HCM siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong cải cách thủ tục hành chính đối với cán bộ, công chức.

“Chúng tôi rất mong Thành phố và các sở ban ngành có bộ phận tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp qua đó lãnh đạo Thành phố trực tiếp lắng nghe để sửa đổi quy trình, thủ tục còn bất cập, gây phiền hà cho doanh nghiệp” bà Chi đề nghị với lãnh đạo TP.HCM.

Liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng thông tin thêm rằng trước thềm hội nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả cho thấy doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp phải mất thêm kinh phí chạy theo để sửa đổi.

gh
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để sửa đổi những bất cập về thủ tục hành chính - Ảnh: Lê Minh

Trước các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ quan trọng được Thành phố quan tâm thực hiện. Dù đã nỗ lực nhưng thời gian qua vẫn cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Chủ tịch UND TP.HCM đề nghị các sở, ngành của Thành phố phải minh bạch hồ sơ, minh bạch trách nhiệm. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư