Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Lần đầu đón tàu hơn 54.000 tấn qua luồng Soài Rạp
Hồng Sơn - 18/05/2014 09:56
 
Chiều 17/5, TP.HCM đã đón tàu container NORTHERN GENIUS (Nhật Bản) tải trọng 54.020 tấn vào cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT) tại huyện Nhà Bè, qua luồng Soài Rạp.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, sau hơn 1 năm thi công, đến nay việc nạo vét đã đạt độ sâu 9,5m; chiều rộng luồng đạt 120m cho đoạn luồng sông, 160m cho đoạn ngoài biển. Tương lai, luồng Soài Rạp sẽ tiếp tục được nạo vét sâu đến 12 m để đón được tàu 70.000 tấn.

  TP.HCM: Lần đầu đón tàu hơn 54.000 tấn qua luồng Soài Rạp  
     

Bên cạnh đó, hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống phao tiêu và các thiết bị dẫn đường cũng đã được hoàn tất để tàu tải trọng 54.020 tấn vào cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT) một cách an toàn.

Dự án khơi thông luồng sông Soài Rạp đã được đầu tư gần 2.800 tỉ đồng, từ nguồn vốn ODA của Vương quốc Bỉ và vốn đối ứng của thành phố Hồ Chí Minh.

Luồng sông nạo vét dài khoảng 54 km với hơn 12 triệu m3, cát, bắt đầu từ Khu công nghiệp Hiệp Phước ra cửa biển Cần Giờ

Ông Wiliam Khoury, Tổng giám đốc cảng SPCT cho biết, khi các tàu đi luồng Soài Rạp để đến cảng SPCT sẽ giúp giảm được 2 giờ chạy tàu, giảm một nửa chi phí hoa tiêu cũng như chi phí nhiên liệu so với đi theo sông Lòng Tàu. Ước tính chi phí tiết kiệm hơn 500.000 USD trong một năm cho tàu 50.000 tấn.

Ngoài ra, luồng Soài Rạp không giới hạn về chiều dài tàu và hạn chế hàng hải vào ban đêm như luồng Lòng Tàu (giới hạn chiều dài tàu dưới 200m khi chạy ban đêm) nên chủ tàu có thể giải phóng và xếp hàng nhanh hơn, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian.

Cũng theo vị này, đến nay đã có 5 hãng tàu thông báo với SPCT rằng họ sẽ mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP. HCM đến các thị trường lớn trên thế giới, thay vì phải trung chuyển qua một cảng trung gian ở Đông Bắc Á hoặc Đông Nam Á. Theo dự báo của SPTC, dự kiến công suất của cảng sẽ tăng trên 50% khi tàu đi qua luồng Soài Rạp.

Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của Chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng với kinh tế biển thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Bởi thông qua luồng này sẽ rút ngắn khoảng gần 30 km và tiết kiệm 2 giờ đồng hồ so với việc đi qua luồng Lòng Tàu hiện nay, góp phần tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Hiện tàu biển từ biển Đông vào TP. HCM phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Rành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn với quãng đường 85 km. Mặt khác, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào.

Việc tàu có trọng tải lớn vào cảng SPCT qua luồng Soài Rạp sẽ giúp di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TP.HCM được nhanh hơn và góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước và là một trong những thương cảng quan trọng trong khu vực.

Trước đó, vào ngày 19/4, cảng SPCT đã đón tàu container trọng tải 30.000 tấn đi theo luồng sông Soài Rạp đã cập bến an toàn sau hành trình dài hơn 4 giờ.

Báo Đầu tư điện tử -Baodautu.vn giới thiệu một số hình ảnh tại sự kiện này.

   
   
   
TIN LIÊN QUAN
VietinBank là cổ đông chiến lược của cảng Hải Phòng
Cảng Đà Nẵng sắp IPO hơn 8,3 triệu cổ phần
Vinashin bàn giao tàu biển đầu tiên năm 2013

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư