Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TPP đẩy sóng FDI
Nguyên Đức - 02/09/2013 08:29
 
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ngóng việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Ngày 29/8, ông C.K.Sun, Tổng giám đốc Công ty TAL (Hồng Kông) đã đến Thái Nguyên để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Sẽ không có gì đáng nói, nếu Thái Nguyên không phải là một trong số gần 20 địa phương mà ròng rã trong vòng 2 tháng qua, TAL đã liên tục đi - đến và tìm hiểu, sau khi đã bày tỏ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào trung tuần tháng 6/2013 về kế hoạch mở một tổ hợp sản xuất mới, bao gồm các nhà máy se sợi, nhuộm và dệt may, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, sau đó sẽ tiếp tục đầu tư thêm 200 triệu USD nữa.

Ngành công nghiệp dệt may sẽ trở nên “chật chội” khi Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP: (Ảnh: Lê Toàn)

Trước TAL 10 ngày, ông Richard R. Vuylsteke, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hồng Kông đã dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp cũng đến Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội và môi trường đầu tư.

Không hề giấu giếm tham vọng của mình, ông Vuylsteke, khi trao đổi với báo giới đã thẳng thắn thừa nhận, các doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm tới việc Việt Nam gia nhập TPP.

Thậm chí, ông này còn nhắc tới một “làn sóng đầu tư mới” vào Việt Nam, khi TPP được thông qua.

Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp Amcham quan tâm đến TPP, nhiều nhà đầu tư cũng đã rất quan tâm tới khả năng Việt Nam gia nhập Hiệp định hiện có 12 thành viên tham gia đàm phán này. Ngay như TAL, khi sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, cũng được cho là “hành động đón đầu TPP”.

Lý do là vì, nếu xây dựng nhà máy ở Việt Nam, bao gồm cả sợi, nhuộm và dệt may, khi TPP được các bên ký kết, TAL sẽ chỉ còn phải chịu thuế suất % khi xuất khẩu hàng sang Mỹ, thay vì 7% như hiện tại. Mà TAL, hiện có tới 90% sản phẩm được xuất xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với các thương hiệu như Burberry, Brooks Brothers, Banana Republic, Tommy Hilfiger… Năm ngoái, doanh thu của TAL là 600 triệu USD. TAL cũng đã xây dựng một nhà máy ở Việt Nam từ năm 2004, nhưng chỉ đơn thuần là dệt may, với tổng vốn đăng ký khoảng 42,2 triệu USD.

Cũng nằm trong xu hướng này, Tập đoàn Texhong (Hồng Kông), sau khi đưa nhà máy dệt nhuộm, 300 triệu USD, ở Quảng Ninh đi vào hoạt động, thì ngày 28/8 vừa qua cũng đã tiếp tục ký một thỏa thuận đầu tư với tỉnh này.

Tất nhiên, sự hợp tác sẽ “lan sang” cả đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị, phát triển du lịch thương mại, công nghiệp giải trí…, nhưng dệt nhuộm vẫn là lĩnh vực chủ chốt mà Texhong muốn phát triển mạnh ở Việt Nam. Từ năm 2006, Texhong cũng đã xây dựng một nhà máy dệt tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.

Dệt may, da giày là lĩnh vực được các chuyên gia cho rằng sẽ thu hút được đầu tư lớn. Bởi thế, không chỉ TAL, Texhong, mà còn có Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Sunrise (Trung Quốc), thậm chí, cả một số nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc… đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội mới.

Ngay cả Nike, một hãng giày nổi tiếng của Mỹ, cũng đã rất quan tâm tới việc gia tăng các đơn hàng ở Việt Nam - hiện đang là địa điểm gia công lớn nhất của Nike. Nếu Nike làm hàng ở Việt Nam, rồi xuất sang Mỹ, họ sẽ được hưởng thuế suất 0%, thay vì 12% như hiện tại.

“Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào những cơ hội có được từ việc thị trường xuất khẩu rộng mở, thuế suất thấp, để tìm đến Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Thực ra, các cơ hội tăng cường thu hút đầu tư từ các quốc gia tham gia TPP, như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Mỹ… đều đã rất nhiều lần được khẳng định. Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), lại không khỏi băn khoăn. Lý do là vì, theo ông Mại, khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam đã “tới hạn”.

“Tỷ lệ vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 25% như hiện nay là phù hợp. Nếu vốn FDI quá nhiều, thì chúng ta sẽ không còn ‘đất’ cho doanh nghiệp trong nước”, ông Mại nói và cho rằng, cần phải đánh giá một cách chính xác những lợi - hại đối với kinh tế - xã hội đất nước khi Việt Nam tham gia TPP.

Trên một khía cạnh khác, cũng phải thấy rằng, không phải cứ tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn về thuế suất. Bởi theo các điều khoản đang được đàm phán, thì các sản phẩm như dệt may, da giày xuất khẩu sẽ chỉ được hưởng thuế suất 0%, khi 70% nguyên phụ liệu được sản xuất tại các quốc gia thành viên TPP.

Trong khi hiện tại, phần lớn nguyên phụ liệu lại được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc - quốc gia hiện đứng ngoài cuộc chơi TPP.

Thêm nữa, theo một nguồn tin của Báo Đầu tư, thì một số điều khoản đang đàm phán cũng sẽ có tác động nhất định đối với việc thu hút FDI của Việt Nam.

Chẳng hạn, các đề xuất về việc tự do hóa đầu tư, theo đó không được có bất cứ quy định nào về việc nhà đầu tư phải đạt một tỷ lệ nội địa hóa nhất định, hay phải chuyển giao công nghệ, phải sử dụng công nghệ, thiết bị nào đó… thì mới được hưởng ưu đãi đầu tư. Các quy định về bảo hộ đầu tư cũng có thể sẽ gây không ít khó khăn, nhất là khi giải quyết tranh chấp…

Ba điểm yếu cần khắc phục khi tham gia TPP
 Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, doanh nghiệp Việt còn rất mơ hồ về Hiệp định Đối tác kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư