Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Trà Vinh tập trung ba đột phá chiến lược
Huy Tự - 17/10/2023 22:41
 
Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch thứ 14 của cả nước và là bản quy hoạch thứ 3 của vùng ĐBSCL sau tỉnh Long An và tỉnh Sóc Trăng được Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch tỉnh Trà Vinh khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tỉnh có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua đó, tạo nền tảng để đến năm 2050, Trà Vinh thực hiện đạt được mục tiêu: Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng ĐBSCL, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu; có các đô thị biển phát triển, hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và các khu chức năng kết nối hiệu quả với vùng ĐBSCL và cả nước. Văn hóa, xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Quy hoạch tỉnh Trà Vinh có 36 phương án phát triển các ngành, lĩnh vực được tích hợp; trong quy hoạch cũng xác định 3 đột phá phát triển; 2 vùng kinh tế - xã hội; 3 trục động lực phát triển và 3 cửa ngõ kết nối; lựa chọn, xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư và đưa ra các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu khai mạc Lễ công bố quy hoạch tỉnh Trà Vinh

Tập trung 3 đột phá chiến lược để phát triển bền vững, hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, tỉnh Trà Vinh quyết tâm thực hiện 3 đột phá chính:

Một là đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và tư duy kinh tế của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành quan trọng như: thủy sản, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, cảng biển, logistics, năng lượng sạch. Thực hiện hiệu quả liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu kết hợp chuyển giao khoa học công nghệ đáp ứng các mục tiêu phát triển.

Ba là ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa, hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hiện đại, trọng tâm là các tuyến giao thông kết nối liên tỉnh, liên huyện, các tuyến đường thủy nội địa và hệ thống cảng, các công trình phòng chống thiên tai, nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, kiểm soát xâm nhập mặn.

Đồng thời tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội thành: 2 vùng kinh tế - xã hội; 3 trục động lực phát triển và 3 cửa ngõ kết nối, trong đó:

- 2 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng liên huyện phía Đông và vùng liên huyện phía Tây; trong đó vùng phía Đông là vùng động lực phát triển, tập trung phát triển kinh tế biển, phát triển Khu kinh tế Định An thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, công nghiệp và du lịch của vùng ven biển, hình thành và phát triển mạng lưới đô thị ven biển, trong đó lấy thị xã Duyên Hải làm trung tâm. Vùng liên huyện phía Tây, lấy thành phố Trà Vinh là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

- 3 trục động lực phát triển, gồm: Trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, là trục phát triển kinh tế động lực của tỉnh, trọng tâm là Khu Kinh tế Định An; Trục phát triển theo tuyến quốc lộ 60, là trục kết nối không gian hướng Bắc - Nam;  Trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT36), là trục kết nối Đông - Tây.

- 3 cửa ngõ kết nối, gồm: Cửa ngõ phía Tây Bắc, trong đó huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh mở rộng là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh; cửa ngõ phía Tây Nam, trong đó huyện Tiểu Cần và huyện Trà Cú là cửa ngõ quan trọng của tỉnh với trục phát triển hình thành bởi hành lang đô thị phía Đông sông Hậu, kết nối với tuyến Nam sông Hậu đi các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau qua tuyến quốc lộ 60, quốc lộ 54 và đường thủy qua sông Hậu; Cửa ngõ phía Đông Thông qua Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và luồng Định An - biên giới Campuchia.

Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Trà Vinh cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác. Quy hoạch tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá môi trường, từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

Tiếp tục đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố quy hoạch tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Chinh phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu rất quan trọng để Trà Vinh làm cơ sở vững chắc cho việc tập trung các nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ quy hoạch đề ra, trong đó tập trung vào 5 vấn đề chính để xoay chuyển tình thế, tạo đột phá phát triển đưa Trà Vinh trở thành tỉnh khá vào tốp đầu của vùng ĐBSCL vào năm 2030, bao gồm: tiết kiệm chi tăng nguồn thu, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, tăng cường hợp tác công tư, kêu gọi thu hút đầu tư vào các thế mạnh tiềm năng của tỉnh, nhất là tiềm năng về kinh tế biển và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Với truyền thống đoàn kết dân tộc, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác của doanh nghiệp, Thủ tướng kỳ vọng tỉnh Trà Vinh sẽ triển khai thành công bản quy hoạch theo mục tiêu đề ra.           

Trong thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, tỉnh cần chú ý hài hòa lợi ích giữa phát triển của địa phương và hiệu quả, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp để nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh lâu dài và đó chính là cơ hội để thuyết phục, giữ chân nhà đầu tư hiệu quả nhất, Thủ tướng nhấn mạnh.

9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh đạt 8,51%; đến ngày 30/9/2023, tổng thu ngân sách 12.993 tỷ đồng, đạt 100,83% so với dự toán, khả năng vượt thu năm 2023 tăng cao (khoảng 10%). Công tác chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tổng chi ngân sách 9 tháng đạt 54,78% so với dự toán.

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt. Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng. Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng tốt hơn (năm 2022, Trà Vinh đứng đầu về chỉ số xanh cấp tỉnh, chỉ số PCI xếp thứ 26/63, chỉ số PaPi thứ 48/61). Thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, Hydro xanh (có 5/9 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại, nhà máy sản xuất Hydrogen (xanh) đã khởi công), tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cảng Định An.

Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 72,3% kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 78,64% kế hoạch. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút 09 dự án đầu tư trong và ngoài nước; thành lập mới 428 doanh nghiệp, đạt 82,3% kế hoạch.

Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo, chính quyền tỉnh Trà Vinh vào cuối tuần qua, Thủ tướng chỉ đạo, để triển khai hiệu quả có chất lượng cao bản quy hoạch Trà Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050,  Trà Vinh cần tập trung vào 3 đột phá chiến lược theo mục tiêu quy hoạch đề ra, nhất là giải quyết điểm nghẽn chính của Trà Vinh là về giao thông, cần đột phá về hạ tầng giao thông (hạ tầng cao tốc, đường bộ và đường thủy nội địa) và hạ tầng sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, Trà Vinh cần rà soát triển khai các kế hoạch, quy hoạch, dự án, đề án mới được ban hành. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, xuất phát từ thực tiễn có các giải pháp xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tổng kết đánh giá bài học kinh nghiệm, xây dựng mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng. Tiếp tục phát huy tốt tinh thần đoàn kết, đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Quy hoạch tỉnh Trà Vinh đến năm 2050: Hướng ra biển, làm giàu từ kinh tế biển
Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, làm cơ sở quan trọng cho định hướng chiến lược phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư