Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản nên giao cho bộ nào?
Nguyễn Lê - 12/08/2024 08:59
 
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vẫn để hai phương án về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo. 

Sáng nay (12/8), mở đầu phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) cho biết đã chỉnh lý 72 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, có ý kiến đề nghị giao cho Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các quy hoạch khoáng sản tương tự như Luật Khoáng sản hiện hành là phù hợp và không gây mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.

Theo đó, các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến được Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng gắn kết hài hòa giữa thăm dò, khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản; quán triệt nghiêm túc với yêu cầu tại Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị là gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản.

Nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch, Bộ sẽ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch và cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản.

Thường trực cơ quan thẩm tra cho hay, trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên phân công trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch khoáng sản như quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Khoáng sản năm 2010, nhưng cũng có ý kiến thống nhất chỉ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch khoáng sản. Vì vậy, Thường trực Ủy ban phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 2 phương án.

Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội).

Phương án 2: Giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).

Việc quy định 2 phương án như trên liên quan đến việc chỉnh lý Điều 13 (Quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản), Điều 14 (Căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản), Điều 15 (Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản) và khoản 3 Điều 115 (Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch).

Về Phương án 1, báo cáo nêu, việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập, trình phê duyệt các quy hoạch khoáng sản sẽ bảo đảm đồng bộ trách nhiệm quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, việc thực hiện theo Phương án 1 là thay đổi so với các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch), thay đổi chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của sự thay đổi chính sách này vì nội dung này nằm ngoài phạm vi các nhóm chính sách trong hồ sơ xây dựng Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua. Do vậy, Phương án này cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Với Phương án 2, theo Thường trực Ủy ban việc giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng chủ trì lập các quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II thì các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến sẽ được Bộ chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng; hạn chế tình trạng khép kín trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản (một Bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản).

Việc thực hiện theo Phương án 2 là tiếp tục duy trì phân công trách nhiệm các Bộ lập các quy hoạch khoáng sản như thực tế hiện nay, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương theo phân công của Chính phủ và hạn chế xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo Phương án 2 thì Chính phủ cần nghiên cứu, quy định trong dự thảo Nghị định về việc tăng cường phối hợp giữa các bộ trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đồng ý theo Phương án 2, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng tán thành phương án 2 để tránh xáo trộn và đảm bảo tính kế thừa. 

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. 

Đà Nẵng chi tiền tỷ mua 2 máy bay không người lái để quản lý quy hoạch, khoáng sản
UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng thành phố nghiên cứu để mua hai máy bay không người lái của Nga.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư