Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Trăn trở chọn ngành, chọn trường
Ngân Dương - 17/05/2021 07:24
 
Học ngành nào, trường gì để ra trường dễ xin việc, lại phù hợp với đam mê, sở thích đang là câu hỏi khiến nhiều sĩ tử và cả các bậc phụ huynh trăn trở.
Mua thi đến, các sĩ tử lại băn khoăn trước việc lựa chọn ngành nghề
Mua thi đến, các sĩ tử lại băn khoăn trước việc lựa chọn ngành nghề

Chọn ngành dễ tìm việc, hay chọn ngành “hot”?

Trong đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhiều lao động trong ngành du lịch rơi vào cảnh mất việc làm, không có thu nhập. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý lựa chọn ngành học của những thí sinh.

Nhiều thí sinh mong muốn được học ngành du lịch đang rất trăn trở với những câu hỏi, như: bao giờ Covid-19 chấm dứt; 4 năm sau, khi ra trường, ngành “công nghiệp không khói” phục hồi chưa; sau Covid-19, còn dịch bệnh nguy hiểm nào xảy ra, đe dọa sự phát triển của ngành hay không…?

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh sự vinh quang, vẻ vang của nghề nghiệp, nhân lực ngành y cũng chịu không ít áp lực, thường xuyên đối diện với hiểm nguy.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, em M.T., lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù rất thích học ngành y, nhưng em đang vấp phải sự phản đối của phụ huynh. T. là con một, nên bố mẹ T. mong muốn em học ngành kinh tế để sau đó về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.

“Học ngành y mất 6 năm, sau đó ra trường lại phải thực hành 18 tháng tại các cơ sở y tế. Sắp tới, học viên y khoa còn phải vượt qua kỳ thi đánh giá do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức, nếu đạt mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Chỉ tính riêng thời gian học đã gấp đôi so với ngành khác, chưa kể quá trình học hành vất vả, do vậy, gia đình em không đồng ý”, T. tâm sự.

Những năm gần đây, nhiều thí sinh có xu hướng lựa chọn các ngành “hot” theo xu thế như kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng, y, dược, logistics, công nghệ thông tin, chế tạo robot… để chứng minh bản thân… không tụt hậu!

Trên thực tế, với những trường top đầu như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Y Hà Nội, vào được trường đã khó, nhưng cầm được tấm bằng tốt nghiệp cũng không kém gian nan. Điển hình, mỗi năm Trường đại học Bách khoa Hà Nội có khoảng 700 - 800 sinh viên không được tiếp tục học hệ chính quy do không đáp ứng được yêu cầu. Điều này làm “chùn chân” khá nhiều thí sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp.

Không riêng thí sinh gặp khó khăn trong việc chọn trường, chọn nghề, mà bản thân nhiều trường đại học hiện cũng trong cảnh “khát” người học, dù cơ hội việc làm trong các ngành mà trường đào tạo không thấp. Một số ngành như nông - lâm nghiệp, kỹ thuật môi trường, năng lượng tái tạo, sinh viên ra trường có thu nhập khá tốt, nhưng lại ít được lựa chọn.

GS-TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp chia sẻ, trong tiềm thức của người học, nhắc đến lâm nghiệp là nghĩ đến khai thác rừng hay chế biến lâm sản, phạm vi xin việc hẹp, song thực tế, ngành chế biến gỗ công nghiệp hay nội thất đang rất khát nhân lực. Sinh viên chưa ra trường đã có doanh nghiệp đến “đặt chỗ”, thu nhập không hề thấp.

GS-TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho biết, sinh viên ngành nông - lâm nghiệp ra trường có thể nhận được mức lương 20 triệu đồng/tháng, nhưng số thí sinh đăng ký theo học ngành này rất thấp.

Căn cứ vào nhu cầu thị trường

Trước lo lắng của các thí sinh muốn theo ngành du lịch, nhiều chuyên gia trấn an, thí sinh không nên lo lắng, bởi ngành du lịch sẽ sớm phục hồi và thu hút lượng nhân lực mới, bởi lẽ, khi chất lượng cuộc sống nâng cao, thì nhu cầu đi du lịch chỉ có tăng, không giảm.

Về nỗi lo “không thể tốt nghiệp” mà nhiều thí sinh trăn trở, PGS-TS. Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, những thí sinh bị ra khỏi hệ chính quy phần lớn do không đảm bảo được yêu cầu đào tạo mà nhà trường đặt ra. Một trong những nguyên nhân là ngay từ đầu, sinh viên không xác định rõ mục tiêu chọn ngành, khi vào học thì chểnh mảng, không dành tâm huyết cho việc học, dẫn đến nợ môn thường xuyên. “Đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, nên các em xác định vào đại học là để học, chứ không phải để xả hơi”, PGS-TS. Nguyễn Phong Điền gửi thông điệp tới thí sinh.

Khuyến cáo thí sinh cần phân biệt ngành “hot” và ngành dễ kiếm việc làm, PGS-TS. Nguyễn Phong Điền cho hay, ngành kỹ thuật môi trường, năng lượng tái tạo đang ít thí sinh lựa chọn, nhưng khoảng 5 năm nữa, chắc chắn ngành này sẽ rất “nóng”. Ngoài ra, thí sinh thi vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội không nên chỉ quan tâm đến ngành tự động hóa, công nghệ thông tin, mà nên quan tâm tới những ngành học quan trọng trong tương lai, rất cần cho sự phát triển kinh tế như cơ khí, hóa học…

Trả lời câu hỏi có nên lựa chọn ngành “hot” theo xu thế, TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên (Trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ngành học được coi là “hot” hôm nay có thể sẽ hết “hot” trong 4 - 5 năm tới. Do vậy, thí sinh chọn ngành học theo cảm tính, theo số đông có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Thí sinh nên lựa chọn học ngành theo sở trường, đam mê của bản thân và nhu cầu việc làm thực tế của thị trường.

Bí quyết chọn ngành học theo năng lực bản thân
 Ngày 18/1 tới đây, tại Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo "Bí quyết chọn ngành học phù hợp". Sự kiện này đặc biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư