Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 01 năm 2025,
Trăn trở của người “giữ lửa” làng rèn Đa Sỹ
Huyền Lân - 06/12/2023 10:05
 
Đa Sỹ là làng rèn nổi tiếng và lâu đời, hiện thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Ở đó, bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc vẫn bền bỉ ngày đêm “giữ lửa” cho chiếc lò rèn. Nhưng những thay đổi của đời sống, tác động của khoa học kỹ thuật khiến ông không khỏi trăn trở về việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của làng.

Kỹ thuật rèn bí truyền

Đầu đông, những cơn mưa phùn vừa nhẹ vừa mỏng như một tấm màn nước mờ mờ, ảo ảo phủ lên muôn vật, tạo nên khung cảnh như sương như khói ở làng Đa Sỹ. Giữa tấm màn mờ ảo dệt bởi mưa phùn, chen với những luồng gió giấu trong mình cái buốt giá mang vẻ huyền bí, nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc thoắt ẩn, thoắt hiện theo nhịp lửa điện tóe sáng rực rỡ như pháo hoa bên chiếc lò rèn. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc là chủ lò rèn Mộc - Hiếu, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề rèn ở làng Đa Sỹ. Ông là đời thứ 3 tiếp nối nghề rèn của gia đình. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng hàng ngày ông vẫn gắn bó với cây búa, máy mài và  hơi nóng từ ngọn lửa đỏ trên nền than hồng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc với nghề rèn truyền thống

Vừa thoăn thoắt mài lưỡi dao, ông Mộc vừa chia sẻ: “Rèn là nghề truyền thống của làng Đa Sỹ, tất cả các kỹ thuật, các phương pháp đều là từ bố truyền lại cho con. Tôi bắt đầu làm quen với nghề từ thuở bé, cứ mỗi khi đi học về lại cầm búa vào tập làm, bé thì làm việc nhẹ trước, khi lớn lên, đủ sức khỏe rồi thì làm các công việc nặng hơn như quai, tôi thép”. 

Nghệ nhân bật mí, để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt rất công phu, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật. Quan trọng nhất là tôi thép và làm nguội. Đầu tiên, người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, công đoạn này gọi là cắt phôi. Sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Tùy vào từng loại thép và sản phẩm tạo ra dày hay mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau, loại thép tốt nhất thường được dùng là nhíp ô tô. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa. 

“Ngày xưa khi chưa có máy móc, các công đoạn đều phải thực hiện thủ công, cứ một người giữ, hai người quai, cả vợ và con tôi đều làm, cứ thế thay nhau. Khi rèn xong thì đến công đoạn làm nguội, phải ủ vào tro củi để thép nguội từ từ, bởi nếu nguội nhanh thép sẽ giòn, sau đó mài cho lưỡi dao mỏng đi và đưa vào lò tôi lại một lần nữa để tăng độ cứng của thép. Rồi tiếp tục mài bằng máy cho đến khi lưỡi dao thật sắc bén”, ông Mộc chia sẻ thêm.

Đến công đoạn cuối cùng là đánh bóng, mài nước hay tra cán… thường được trẻ con hay phụ nữ trong nhà đảm nhận, công việc này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ để hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất. Có thể thấy, trong suốt quá trình làm ra sản phẩm, tất cả “nhân lực” trong gia đình đều được phân công công việc phù hợp với sức khỏe và tuổi tác. 

Nỗi lòng người làm nghề

Nghề nào cũng có những cái khó, những nỗi vất vả riêng, và nghề rèn cũng không ngoại lệ. Hiện nay máy móc cũng đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình sản xuất, tuy nhiên một số công đoạn thủ công vẫn cần đến bàn tay chắc khỏe của người thợ rèn. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với lò nung thường xuyên cũng gây hại cho phổi bởi bụi than khi luyện thép ở nhiệt độ cao. Không chỉ cần sức khỏe, mà nghề này còn đòi hỏi con mắt thẩm mỹ, sự khéo léo, tính kiên trì và bền bỉ của người thợ.

Nghề rèn tiếp xúc thường xuyên với lò nung hơn 1.000 độ C

Đôi mắt không giấu được vẻ lo lắng, người nghệ nhân trải lòng: “Chính những sự vất vả đó đã khiến lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề rèn, ở làng này chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, bố mẹ cũng không giữ, con cái thấy vất vả nên cũng làm nghề khác hết. Gia đình tôi may mắn truyền thụ lại được nghề rèn cho con trai mình, nhưng đến thế hệ trẻ như cháu ngoại tôi lại chọn học cơ khí ô tô. Cũng khó trách giới trẻ, bởi hiện tại nghề rèn thu nhập không mấy dư dả, chỉ đủ ăn tiêu thôi”.

Dẫu còn bao điều trăn trở, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc luôn tự hào về nghề rèn truyền thống của làng Đa Sỹ. Những lưỡi dao cho máy xay nhựa là sản phẩm chuyên biệt của lò rèn Mộc - Hiếu. Ông vẫn luôn hạnh phúc vì đã đóng góp một phần nhỏ vào công việc tái chế phế liệu, bảo vệ môi trường. Nhờ kiên trì, bền bỉ giữ nghề, cùng với đôi bàn tay tài hoa, năm 2017, ông Mộc được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề rèn truyền thống.

Danh hiệu nghệ nhân của ông Nguyễn Văn Mộc

Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, cũng là một nghệ nhân theo nghề rèn lâu năm của làng cho biết: “Hiện nay ở làng có hơn 1.000 hộ gia đình tham gia sản xuất, nhưng chỉ có gần 400 hộ sản xuất từ vừa đến lớn. So với thời kỳ hoàng kim ở những năm 80, 90 của thế kỷ XX thì một vài năm trở lại đây, Hiệp hội ghi nhận chỉ còn khoảng 60% hộ viên đáp ứng nhu cầu làm nghề. Đặc biệt từ đại dịch Covid-19 đến nay, mức thu nhập của người dân làm rèn đã giảm từ 30 - 40%”.

Nghệ nhân Đinh Công Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nghề rèn bị mai một như hiện nay, trong đó có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do cơ chế thị trường, các mặt hàng khác từ nước ngoài tràn vào làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của địa phương. Thứ hai là mặt bằng sản xuất để đưa các công cụ, máy móc vào đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi chưa giải quyết được mặt bằng cho điểm công nghiệp làng nghề của làng.

Ông Đoán bày tỏ mong muốn, các cấp lãnh đạo nhanh chóng giải quyết được mặt bằng làng nghề, để có thể đưa máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với thế giới. Tiếp đó là có thể hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất. Mong muốn của ông cũng đại diện cho nguyện vọng của những người dân làng Đa Sỹ để có thể giữ gìn và phát huy nghề rèn truyền thống, đồng thời cũng giải quyết được công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.

Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cũng đang cố gắng giữ vững nghề rèn truyền thống bằng cách phối hợp với các ban ngành có liên quan mở các lớp dạy nghề hàng năm để truyền dạy, bồi dưỡng tay nghề cho thế hệ trẻ; tổ chức các cuộc họp tuyên truyền người dân cố gắng duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ uy tín làng nghề địa phương. 

Ở Đa Sỹ, nghề rèn không chỉ đơn thuần là một nghề mà đó còn là nét đẹp văn hóa. Với quyết tâm giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của quê hương, các nghệ nhân và những người làm nghề rèn nơi đây vẫn miệt mài, bền bỉ, cần mẫn “giữ lửa” nghề, họ như những bông hoa lửa mãi rực sáng những bên lò rèn hàng trăm năm ở Đa Sỹ.

Theo sử sách ghi lại, nghề rèn Đa Sỹ có từ lâu đời, chuyên rèn vũ khí và nông cụ sản xuất. Tới cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 mới chính thức trở nên chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy cho dân làng những bí quyết của nghề rèn. Từ đó truyền thống làm rèn vẫn được người dân trong làng duy trì cho đến ngày nay.
Đưa sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã họp Hội đồng giám khảo nhằm đánh giá, phân loại, chọn lọc các tác phẩm xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư