Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trò chuyện với sếp tổng 7x của Ngân hàng HSBC
Ngọc Thủy - 04/01/2015 10:25
 
Từ một nhân viên bình thường, sau 20 năm kinh qua nhiều vị trí, ông Phạm Hồng Hải đã trở thành Tổng giám đốc của Ngân hàng HSBC, ngân hàng nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Bước tiến mới này là sự ghi nhận những nỗ lực làm tốt từng việc nhỏ của ông.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ông Phạm Nhật Vượng đứng đầu danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2014
"Chưa bằng lòng vì thu nhập nhân viên vẫn thấp"
Doanh nhân Việt và tinh thần “hiệp đồng tác chiến”
Doanh nhân Đỗ Long: Từ thầy giáo thành ông chủ Bitas
Bước lùi chủ động của ông chủ Alphanam
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Những ngày đầu tháng 12, báo chí đồng loạt đưa tin về tân Tổng giám đốc của Ngân hàng HSBC, ông Phạm Hồng Hải. Thông tin này có ý nghĩa đặc biệt vì lần đầu tiên sau hơn 140 năm hoạt động tại Việt Nam, HSBC có tổng giám đốc là người Việt Nam. Đáng chú ý, vị tân Tổng giám đốc này chỉ mới 40 tuổi, còn rất trẻ so với lớp lãnh đạo ngân hàng hiện nay.

Cơ hội nối tiếp cơ hội

Việc bầu chọn ông vào chức vụ cao nhất ở Ngân hàng HSBC Việt Nam có phải là quyết định táo bạo của HSBC?

Tôi nhớ lại năm 2004 khi lần đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc kinh doanh vốn và tiền tệ tại Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên HSBC bổ nhiệm người Việt Nam làm công tác này vì có liên quan rất lớn tới quản lý rủi ro thị trường và thanh khoản của ngân hàng.

Tôi luôn cảm ơn việc Tập đoàn đã tin tưởng giao các trọng trách cho tôi. Điều đó nói lên họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử thách nhân viên của mình. Một số các thị trường khác trong khu vực châu Á cũng có Tổng Giám đốc là người bản địa như Hồng Kông, Đài Loan, Philippines.

Với chính sách nhân sự coi trọng việc phát triển tài năng bản địa, HSBC mong muốn các Tổng giám đốc bản địa sẽ đưa ngân hàng phục vụ khách hàng tại nơi đó tốt hơn, với sự am hiểu thị trường địa phương cộng với kinh nghiệm hoạt động trong môi trường đa quốc gia.

Trở thành Tổng giám đốc ở HSBC, ngoài những mục tiêu chung được giao phó, cá nhân ông có tự đề ra cho mình những mục tiêu riêng?

Tôi có 3 mục tiêu riêng muốn thực hiện. Thứ nhất, tôi muốn đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường thế giới, cụ thể là đến 74 quốc gia mà HSBC đang có mặt. Người Việt Nam là người làm công tác quảng bá Việt Nam tốt nhất.

Thứ hai, tôi muốn tăng cường kết nối với các chi nhánh của HSBC trên khắp thế giới, đưa các sản phẩm dịch vụ đã có của HSBC về phục vụ cho thị trường Việt Nam.

Mục tiêu thứ ba là gia tăng đào tạo để có được đội ngũ nhân viên ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, vừa đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật sở tại, vừa đảm bảo các chuẩn mực chung của HSBC toàn cầu.

Việc quảng bá Việt Nam ra thế giới liệu có thể hoàn thành trong thời gian ngắn?

Thực ra chúng tôi đã và đang xúc tiến cho công tác này. Gần đây nhất trong năm 2013 và 2014, chúng tôi đã đi cùng Bộ Tài chính trong các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư quốc tế để quảng bá cho Việt Nam, tạo điều kiện cho giao dịch bán trái phiếu trị giá 1 tỷ đô la Mỹ vào tháng 11 qua với mức lợi tức thấp nhất trong các quốc gia dưới chuẩn đầu tư đã phát hành trong năm 2014.

Nhìn vào tình hình Việt Nam, chúng ta thấy sự ổn định về kinh tế, cơ hội làm ăn đa dạng tại một nước đang phát triển đang có nhu cầu lớn về phát triển kinh tế, và các nhà lập pháp khá cởi mở, có thiện chí muốn học hỏi và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng tôi sẽ tăng cường đề cập các thông tin này cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với những khách hàng đã vào Việt Nam, HSBC sẽ là cầu nối đối với các nhu cầu tài chính và tìm kiếm đối tác. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài, HSBC, với ưu thế tuyệt đối về mạng lưới toàn cầu, có thể tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn những đối tác thích hợp, đáng tin cậy để bắt tay.

Ông có định sẽ tái cơ cấu hoạt động ở HSBC?

Tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở HSBC trên nền tảng chiến lược đã có của Tập đoàn, vẫn sẽ tập trung vào nhóm khách hàng mà HSBC có lợi thế như nhóm khách hàng xuất nhập khẩu, các công ty đầu ngành, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI…

Chiến lược của HSBC là không cạnh tranh về giá, nhưng tập trung phát triển sản phẩm mới, các sản phẩm thuộc về thế mạnh của ngân hàng mà không nhiều đối thủ cạnh tranh có thể làm được, và tăng cường chất lượng dịch vụ. Đây mới là bước cạnh tranh lâu dài, ổn định.

Xây dựng văn hóa tại HSBC Việt Nam với những giá trị cốt lõi của HSBC như làm điều đúng, cởi mở và kết nối là ưu tiên của tôi bên cạnh việc tạo cảm hứng để đội ngũ HSBC Việt Nam luôn vận động và đưa ngân hàng đi lên phía trước.

Ông thấy HSBC ở Việt Nam đã đạt mức phát triển như mong muốn chưa?

Dù là ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam nhưng nếu nhìn vào thị phần của HSBC trên tổng thị trường thì chưa phải là lớn. Năm 2013, tổng tài sản của HSBC Việt Nam không quá 1% toàn thị trường; ngoại hối chiếm khoảng 8% thị trường. Nghĩa là HSBC vẫn là ngân hàng tương đối nhỏ so với quy mô thị trường.

Nhưng tôi quan niệm, mở rộng thị trường không phải là giành phần bánh của người khác, mà là làm sao cho chiếc bánh to ra để mọi người cùng hưởng. HSBC sẽ tìm cách thu hút thêm khách hàng từ quảng bá hình ảnh Việt Nam, làm sao để Việt Nam thu hút nhiều dòng vốn mới, có nhiều giao dịch thì cơ hội cho HSBC trong triển khai sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng lên.

Với khách hàng sẵn có, chúng tôi sẽ thuyết phục họ sử dụng thêm những sản phẩm đa dạng khác của chúng tôi. Tuy không dễ dàng để khai phá thị trường mới nhưng tôi đánh giá tiềm năng thị trường cho HSBC vẫn rất lớn.

Theo ông, các ngân hàng muốn đẩy mạnh doanh thu, lợi nhuận trong năm 2015 và các năm tiếp theo thì nên làm gì?

Tùy mỗi nhóm ngân hàng mà họ sẽ có những mục tiêu khác nhau. Ở nhóm ngân hàng nước ngoài, mối quan tâm lớn nhất là làm sao đa dạng hóa sản phẩm, đưa những sản phẩm thành công ở các thị trường khác vào Việt Nam.

Đặc biệt, trước xu hướng doanh nghiệp trong nước đang từng bước tiếp cận thị trường vốn quốc tế, các giao dịch mua bán và sáp nhập tăng cao, dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, các ngân hàng phải làm sao để đón đầu xu hướng đó. Và cũng phải thấy rằng trong bối cảnh kinh tế hiện tại, việc kiếm tiền đã trở nên khó khăn hơn nên đây là thời điểm thích hợp để xây dựng lại các nền móng cơ bản, đào tạo lại con người bài bản hơn.

Các vị trí mà ông từng trải qua ở HSBC đều có liên quan đến tiền tệ, ngoại hối. Đây có thể gọi là duyên với nghề không?

Hai mươi năm trước khi bắt đầu với HSBC Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ ngồi đây và làm công việc này. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, những việc ta làm đều có sự kết nối nào đó để rồi đưa ta đến mục đích cuối cùng. Vì thế, bất cứ khi nào có cơ hội, tôi quan niệm mình nên cố gắng hết khả năng trong từng cơ hội thì cơ hội này sẽ dẫn đến cơ hội khác và tới thành công cuối cùng.

Liên tục điều chỉnh

Kinh qua nhiều vị trí, bản thân ông có phải liên tục điều chỉnh để thích hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của công việc?

Đối với tôi, mỗi ngày đi làm là một bài học mới cho mình. Mỗi ngày đều phải học, học ở người tốt lẫn người xấu. Học điều tốt để bắt chước và phát huy, học điều xấu để nhận biết và né tránh.

Trong 20 năm qua, tôi đã phải tự hoàn thiện và điều chỉnh bản thân rất nhiều. Chẳng hạn, khi còn là nhân viên phòng kế toán, tôi phải rất cố gắng vì bản thân không phải dân kế toán và tính cách cũng không thích hợp với kế toán.

Khi về làm ở phòng kinh doanh ngoại tệ, tôi cũng phải tự học hỏi không ít vì kiến thức học được từ trường lớp chỉ là quản trị kinh doanh chung chung. Ham thích các hoạt động giao dịch và rất tập trung vào kiếm lợi nhuận cho ngân hàng nhưng tôi buộc phải điều chỉnh khi về làm ở bộ phận ngân hàng toàn cầu vì vị trí này đòi hỏi sự cân bằng trong quan hệ với khách hàng.

Bạn không thể lúc nào cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng đó chính là điều mới mẻ hấp dẫn tôi. Chúng tôi xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng, đó là mối quan hệ phải đảm bảo hai bên cùng có lợi. Nói chung, quá trình tự trau dồi, học hỏi đã liên tục diễn ra và bây giờ tôi vẫn phải tự cập nhật mỗi ngày để không bị lạc hậu.

Có sự điều chỉnh nào đối với bản thân mà ông thấy hài lòng?

Sự tự tin. Trước khi vào làm ở HSBC, tôi là người khá khép kín và không hay thể hiện bản thân nhất là trước đám đông. Nhưng yêu cầu công việc buộc tôi phải điều chỉnh và tôi thấy không có gì mà chúng ta không làm được. Có thể xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, nhưng nếu nỗ lực và xác định rõ mục tiêu thì không khó để đi tới đích.

Ở vị trí tổng giám đốc, ông có nghĩ mình tiếp tục phải điều chỉnh bản thân?

Khó nhất là quản lý con người. Tuy nhiên, tôi cũng không lo lắm đâu (cười), vì tôi quan niệm đơn giản rằng, đầu tiên mọi người phải xây dựng được niềm tin với nhau.

Thứ hai, bản thân người lãnh đạo phải thực tâm mong muốn và nêu gương. Khi kêu gọi nhân viên đồng lòng đoàn kết với nhau mà người lãnh đạo lại không hợp tác thì rất khó thuyết phục nhân viên của mình. Hành động của người lãnh đạo phải đồng nhất với thông điệp mình đưa ra.

Cuối cùng, nếu chủ trương, quyết định của người lãnh đạo xuất phát từ quyền lợi nhân viên, vì lợi ích tập thể thay vì mợi ích của riêng bản than họ thì chắc chắn sẽ được ủng hộ của mọi người.

HSBC cất nhắc ông lên vị trí cao nhất tại HSBC Việt Nam vì nhìn thấy năng lực của ông. Có thành tích nào mang ý nghĩa đối với ông?

Thành tích nào ở HSBC cũng là thành tích chung của cả nhóm, bởi “một con én không thể mang lại mùa Xuân”. Trong quá trình làm việc của tôi cũng có những cột mốc đáng nhớ.

Ví dụ, năm 2004, HSBC muốn triển khai giao dịch phái sinh, hoán đổi tiền tệ cặp tiền USD - VND đầu tiên ở Việt Nam. Thời điểm đó, quy định pháp luật chưa cho phép loại hình giao dịch này nên việc của chúng tôi là vừa phải mời chào khách hàng sử dụng sản phẩm, vừa phải thuyết phục Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho sản phẩm được chào bán ra thị trường. Rất thách thức nhưng chúng tôi đã làm được và đó có thể xem là một trong những cột mốc ý nghĩa trong việc phát triển thị trường phái sinh tại Việt Nam.

Với tôi, thành công không phải chỉ thể hiện ở lợi nhuận mà còn ở cách thức chúng ta làm cho thị trường ngày càng phát triển. Ngày nay, trên thị trường phái sinh, hoán đổi tiền tệ là sản phẩm phát triển mạnh nhất.

Đi lên từ nhiều vị trí, con người dễ rơi vào tình trạng không thoát ra được những thói quen và tư duy cũ. Ông làm thế nào để mình không bị như vậy?

Tôi quan niệm, bất kỳ việc gì khi thấy nhân viên làm được, tôi giao hết, chứ không ôm đồm. Vì họ làm được và làm tốt và đảm trách công việc thì tôi không còn giá trị nhiều đối với việc đó nữa. Tôi phải đi tìm việc khác để làm nếu không muốn bị đào thải.

Nhưng chỉ khi giao đúng việc cho đúng người thì mới mang lại hiệu quả, ông có nghĩ vậy không?

Đây mới là cái khó nhất. Chưa chắc người được chọn đã đủ khả năng như ta đánh giá, hoặc chưa chắc họ đã muốn nhận thử thách này. Việc chọn ai vào vị trí nào có một mức độ rủi ro nhất định và người lãnh đạo phải chấp nhận rủi ro này.

Với cá nhân tôi, tùy từng người mà tôi sẽ có cách giao việc khác nhau. Với người đã rất kinh nghiệm, bản lĩnh và tự tin, tôi chỉ cần làm công việc hậu kiểm. Có người giao việc xong cần phải đốc thúc họ làm, có người tôi chưa thể giao hẳn mà phải mất thêm thời gian để theo sát và chỉ việc.

Ở người đứng đầu, quan trọng nhất vẫn là khả năng ra quyết định. Ông chọn cách ra quyết định nhanh, dứt khoát hay cần suy nghĩ kỹ?

Tùy công việc và tùy giai đoạn mà cách thức ra quyết định sẽ khác nhau. Khi còn làm ở Phòng Kinh doanh ngoại tệ, tính chất công việc không cho phép tôi suy nghĩ lâu. Có khi trong vòng chưa tới 1 giây tôi đã phải quyết định nên mua hay bán. Khi đó, quyết định dù có dựa trên nhiều phân tích thì vẫn mang cảm tính.

Sau này, càng lên các vị trí cao hơn, các quyết định của tôi có phần chậm lại. Vì lúc này, mỗi quyết định đều có ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều việc, nên cần được suy xét và có ý kiến đồng thuận của mọi người.

Ông vốn thích được làm việc trong môi trường giao dịch nhanh nhạy và nhiều thử thách. Đảm trách vị trí đứng đầu HSBC Việt Nam, mỗi việc đều sẽ phải suy xét kỹ lưỡng liệu có làm ông thấy gò bó?

Chuyện này liên quan đến việc tôi có dám bước ra khỏi vùng thoải mái, an toàn để đi qua vùng mới hay không. Tôi nghĩ ở vị trí mới, tôi vẫn có thể thực hiện niềm đam mê của mình nhưng sẽ theo một cách khác trước.

Chẳng hạn, khi đi gặp khách hàng, tôi vẫn có thể chia sẻ, tư vấn cho họ về thị trường, giao dịch, huy động vốn, về cách thức thích nghi với các biến động của thị trường… Nghĩa là tôi có thể dung hòa được tính chất công việc với sở thích của bản thân.

Nhiều người cho rằng con đường công danh của ông suôn sẻ là nhờ may mắn. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Tôi không phủ nhận yếu tố may mắn, bởi dù mình chuẩn bị kỹ càng mọi kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ xã hội thì cũng mới chỉ là ứng viên. Được chọn hay không mình không kiểm soát được, phải nhờ đến may mắn.

Nhưng rõ ràng may mắn có phần do mình tạo ra. Nếu không chuẩn bị, bạn có nắm được may mắn không?

Cũng thú nhận là trong 20 năm đi làm, tuy không phải trải qua những nỗi niềm như thất nghiệp, bị thuyên chuyển nhưng trong mỗi công việc của tôi đều gặp không ít thất bại. Mỗi lúc như vậy, tôi đều phải học cách vượt qua và tiến lên phía trước.

Ông học và chọn con đường đi cho mình có định hướng nghề nghiệp trước không?

Tôi nghĩ phần lớn thế hệ của tôi đều không được hưởng cái gọi là định hướng nghề nghiệp. Học gì, làm ở đâu đều theo phong trào, cứ kiếm chỗ nào tạm được thì nộp đơn vào làm, hoàn toàn không có phân tích gì hết.

Cho nên với cuộc đời, tôi nghiệm thấy là mình không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra nhưng mình nên thử hết sức. Nếu đã cố hết sức nhưng vẫn không ra kết quả thì nên tìm kiếm cơ hội mới.

Mặc dù hỏi bây giờ có vẻ quá sớm nhưng ông có tính trước khi về hưu ông sẽ làm gì?

Một trong những sở thích và ý định của tôi là đi dạy. Đi dạy cũng là cách chia sẻ kiến thức của mình và cũng học được rất nhiều từ các bạn trẻ. Còn sức nữa thì tôi sẽ làm viện dưỡng lão, vì tôi tin trong tương lai sẽ có nhu cầu rất cao đối với loại hình dịch vụ này và viện dưỡng lão cũng tạo giá trị riêng cho xã hội.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Càng để lâu, "sửa" hệ thống ngân hàng càng tốn kém

() Ông Phạm Hồng Hải, tân Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, muốn hội nhập hoàn toàn với kinh tế thế giới, muốn trở thành đối tác bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không nên trì hoãn việc nâng chuẩn hệ thống ngân hàng.

HSBC Việt Nam bổ nhiệm người Việt vào vị trí CEO

() Ngày 1/12, sau khi nhận được sự chấp thuận từ NHNN và Tập đoàn HSBC, ông Phạm Hồng Hải đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (CEO) mới của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam). Ông Hải là người Việt Nam đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại HSBC Việt Nam.

Ít có khả năng các ngân hàng xé rào lãi suất

(Baodautu.vn) Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, đợt giảm trần lãi suất huy động lần này sẽ khiến người dân xem xét lại các kênh đầu tư, huy động vốn của các ngân hàng sụt giảm, song xé rào lãi suất sẽ không xảy ra.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư