Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trông đợi điều gì từ Fed?
 
Khi bình minh đầu tiên của năm 2019 chuẩn bị tới, một trong những câu chuyện nhận được sự quan tâm lớn của tất cả các thành viên thị trường là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ngừng việc nâng lãi suất?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn về việc Fed nâng lãi suất hầu như hàng tuần kể từ khi thị trường tài chính đi xuống
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn về việc Fed nâng lãi suất hầu như hàng tuần kể từ khi thị trường tài chính đi xuống

Trong thời gian qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell luôn có những động thái mạnh mẽ theo đuổi lộ trình bình thường hóa lãi suất và việc cơ quan này nâng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018 vào cuộc họp diễn ra tháng 12 tới gần như chắc chắn. Tuy nhiên, giới đầu tư đã bắt đầu băn khoăn, khi cuối tuần trước, ông Powell có vẻ rụt rè hơn trong việc khẳng định tiến trình nâng lãi suất năm 2019.

Cụ thể, trong phát biểu gần nhất, Chủ tịch Fed đánh giá “lãi suất đang ở mức gần sát mức trung bình”, thay vì nhấn mạnh “còn cách xa so với mức trung bình” như ông vẫn thường lặp lại trước đó.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân Fed trở nên “dịu giọng” hơn xuất phát từ một số yếu tố bất ổn như thị trường chứng khoán theo đà xuống dốc, giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất 1 năm qua và các mối lo ngại về căng thẳng thương mại, tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó, bất kể khi nào Fed ở giữa chừng của quá trình nâng lãi suất và khi lợi suất cơ bản trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, nhà đầu tư thường bắt đầu tự đặt câu hỏi, liệu việc nâng lãi suất đã sắp kết thúc.

Trong cả 3 lần gần nhất lãi suất trái phiếu Mỹ đi xuống gắn với quá trình thắt chặt tiền tệ vào năm 1999, 2005 và 2006, nhà đầu tư đều chứng kiến cơ quan này chấm dứt việc nâng lãi suất trong năm tiếp theo đó. Diễn biến này đã gây ấn tượng và tạo kỳ vọng Fed ngừng việc nâng lãi suất vào năm 2019 đối với các nhà đầu tư trên thị trường.

Việc dự đoán khi nào quá trình nâng lãi suất ngừng lại là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư tập trung vào tài sản mang lại thu nhập cố định, bởi họ đã phải “sinh tồn” qua gần 1 thập kỷ trong môi trường lãi suất thấp tại Mỹ và cả các thị trường phát triển khác.

Chưa kể, việc Fed ngừng nâng lãi suất cũng là tiếng chuông reo mừng đối với thị trường hàng hóa và các nền kinh tế mới nổi. Thực tế, quá trình bình thường hóa lãi suất khiến đồng USD mạnh hơn, tạo sức ép lên các loại hàng hóa và thị trường mới nổi trong vài năm qua. Đây là lý do, ngay sau phát biểu “dịu dàng” của ông Powell, đồng USD đã giảm giá mạnh.

Đáng chú ý, không riêng các thành viên thị trường tập trung sự chú ý vào Chủ tịch Fed. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn về việc Fed nâng lãi suất hầu như hàng tuần kể từ khi thị trường tài chính đi xuống. Fed luôn cố gắng chứng tỏ là cơ quan độc lập với các hoạt động chính trị, tuy nhiên, không khó để nhận ra áp lực từ những nhà cầm quyền là rất lớn.

Vậy đâu là các số liệu Fed sẽ tập trung theo dõi nhằm đưa ra quyết định nâng lãi suất hay không? Theo các chuyên gia, yếu tố đầu tiên là nền kinh tế Trung Quốc, bởi nơi đây là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bất kỳ dấu hiệu tăng trưởng chậm lại nào của nền kinh tế Trung Quốc đều có khả năng kéo lùi tăng trưởng toàn cầu. Chưa kể, Fed cần theo dõi sát sao để đo lường những tác động mà cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đem lại.

Bên cạnh đó, các diễn biến của thị trường bất động sản Mỹ cũng sẽ được chú ý theo dõi, bởi các số liệu gần đây nhất cho thấy, việc lãi suất gia tăng đã ảnh hưởng mới tới sức mua bất động sản.

Đồng thời, lĩnh vực năng lượng là trọng tâm khi việc đầu tư tăng trưởng khai thác dầu khí tại Mỹ đã diễn ra khá mạnh trong năm 2018. Với việc giá dầu đang theo đà lao dốc, nhiều khả năng thị trường năng lượng sẽ lại chao đảo và ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ.

Fed: Không có lý do gì để ngừng lộ trình tăng lãi suất
Fed cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ không thấy có lý do gì để ngừng lộ trình tăng lãi suất từng bước hiện nay, bất chấp sự phản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư