Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Trong gian khó, càng tự hào hai chữ “nghề y”
Mộc An - 26/02/2021 08:55
 
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, chúng ta tự hào về một thế hệ những cán bộ, nhân viên y tế, chiến đấu với tất cả sức lực, trí tuệ để giữ an toàn tính mạng người dân.
Những y, bác sỹ đang cố gắng hết sức trên tuyến đầu chống dịch
Những y, bác sỹ đang cố gắng hết sức trên tuyến đầu chống dịch

Niềm tin trong gian khó

Suốt hơn một năm qua, từ khi Việt Nam xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, đội quân tiên phong là những y, bác sỹ nơi tuyến đầu đã, đang và sẽ còn chịu nhiều cực nhọc, hy sinh. Họ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, tất bật chạy đua, gắng sức điều trị cho bệnh nhân; những bát cơm ăn vội, những phút gục xuống bàn, tranh thủ chợp mắt sau nhiều đêm thức triền miên; những bác sỹ đã về hưu, hay sinh viên trường y còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng tình nguyện lên đường, ra tuyến đầu chống dịch. Họ luôn giữ vững một niềm tin, để cả nước vững tâm chống lại đại dịch thế kỷ.

Cũng như nhiều “cuộc chiến” khác, càng ở trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu thương, đùm bọc giúp đỡ nhau của người Việt lại càng phát huy.

Trong tiết trời nắng như đổ lửa của tháng 7, tháng 8, khi ổ dịch ở Bệnh viện C Đà Nẵng bùng phát với nhiều ca mắc là bệnh nhân nặng, các chiến sỹ tuyến đầu đã có người kiệt sức, sốc nhiệt vì nhiều ngày liên tiếp dầm mình trong bộ quần áo bảo hộ kín mít. Có những người cả tháng trời bám trụ ở chiến tuyến nóng bỏng nhất, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh, quên cả sức khỏe bản thân.

Đầu năm 2021, khi thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề, Covid-19 bùng phát mạnh tại Hải Dương, càng thử thách ý chí và nghị lực của đội ngũ nhân viên y tế vốn đã quá tải trong suốt thời gian dài chống dịch nhọc nhằn.

Tại Trung tâm Y tế Chí Linh - nơi thực hiện việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi mắc Covid-19, guồng quay công việc diễn ra trong khẩn trương, hối hả.

Chị Phan Thị Hương, kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm, Trung tâm Y tế Chí Linh cho hay, nhiều ngày các chị trở về nghỉ ngơi thì trời đã rạng sáng.

Trong bối cảnh dịch bệnh khốc liệt, chị Hương và đồng nghiệp phải chạy đua với thời gian nhằm đưa ra kết quả chẩn đoán sớm nhất để khoanh vùng, dập dịch. Có hôm, khi cả kíp đang thực hiện xét nghiệm biến chứng đông máu thì máy trục trặc. Dù nỗ lực sửa chữa, song kết quả vẫn chưa như mong đợi. 1h30 sáng, nhìn sang đồng nghiệp, qua lớp kính bảo hộ, thấy mắt ai cũng đỏ ngầu vì thiếu ngủ và mệt mỏi.

“Thương nhau, xót xa, mọi người giục nhau về trước, song chẳng ai chịu và đều đợi đến lúc máy sửa xong, lúc đó là 4h30 sáng. Quá tải công việc, thiếu ngủ cộng với sự khó chịu, ngột ngạt, nóng bức do bộ đồ bảo hộ gây ra khiến tôi nhiều lúc tưởng chừng gục ngã, nhưng nghĩ tới sự nỗ lực của mình sẽ giúp khoảng cách tới chiến thắng đại dịch được rút ngắn, tôi lại có thêm động lực”, chị Hương trải lòng.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ánh, kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm lại mang một nỗi đau. 10 ngày trước khi dịch bùng phát, gia đình chị mất người thân (chị gái qua đời). 25 Tết, đang trong ca làm việc với nỗi nhớ con thơ thì chị lại bàng hoàng khi nhận tin cháu ruột qua đời.

Ngồi trong labo xét nghiệm, chị lặng đi rất lâu, sau đó mới kịp định thần lại và không cho phép mình tuyệt vọng, bởi đất nước đang trong những tháng ngày căng thẳng. Chị hiểu rằng, nếu bản thân buồn chán sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của mọi người, nên chị chỉ còn biết lấy công việc làm động lực để sớm được về gặp người thân và cũng là cách để nguôi ngoai nỗi đau gặm nhấm trong tim.

Lắng nghe tâm sự của hai nữ kỹ thuật viên tại tâm dịch Chí Linh, người viết không khỏi xúc động và cay nơi sống mũi.

Bác sỹ Vương Xuân Toàn (Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) là một trong số ít bác sỹ thuộc thế hệ 9x đã 2 lần chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng và Hải Dương. Nhiệm vụ của anh là chiến đấu giành giật sự sống cho các bệnh nhân.

Đêm 29 Tết, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái. Bác sỹ Toàn thấy bệnh nhân có triệu chứng giảm ô xy máu thầm lặng khiến diễn biến bệnh trở nặng nhanh hơn.

Ngay lập tức, bác sỹ Toàn tức tốc cho bệnh nhân thở máy và xin chỉ đạo của các chuyên gia đầu ngành. Họ đề nghị dùng tất cả các trang thiết bị vật tư có tại Bệnh viện dã chiến 2 để điều trị cho bệnh nhân.

Ngay trong đêm, ê-kíp đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân để loại bỏ bớt các chất độc trong máu, đồng thời bổ sung thầy thuốc để theo sát bệnh nhân liên tục.

Nhớ lại “đêm trắng” đó, bác sỹ Toàn cho biết, anh và ê-kíp túc trực cùng bệnh nhân đến sáng sớm. Sau 6 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị.

Những buổi chiều 30 Tết hàng năm, bác sỹ Toàn vẫn cùng bố mẹ chuẩn bị cúng tất niên, rồi quây quần bên nhau tối 30 ấm cúng. Năm nay là năm đầu tiên anh ăn Tết xa nhà, hơn nữa, đã mấy tháng rồi chưa về quê thăm bố mẹ, dù nhà chỉ cách nơi làm việc 15 km.

“Bố mẹ muốn lên thăm cậu con trai út, nhưng tôi không đồng ý. Bởi tôi hiểu rằng, bản thân mình là đối tượng nguy cơ, phải hạn chế tiếp xúc, trong khi bố mẹ tuổi đã cao, nếu không may lây nhiễm thì rất đáng lo ngại”, bác sỹ Toàn nói.

Anh chỉ biết an ủi rằng bố mẹ hãy yên tâm, con đi chống dịch, để quê hương sớm trở lại yên bình.

Xếp bút nghiên lên đường chống dịch

Đất nước đang trải qua những ngày khó khăn, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng lớn dưới tác động của Covid-19. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều “cuộc chiến” khác, càng ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, sức chiến đấu mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu thương, đùm bọc giúp đỡ nhau của người Việt lại càng phát huy, tỏa sáng.

Khi đất nước cần, mỗi người dân Việt sẵn sàng hy sinh những lợi ích bản thân, góp sức cho cộng đồng. Đó là một học sinh trung học thức khuya dậy sớm làm bánh lấy tiền mua khẩu trang tặng y, bác sỹ; một sinh viên dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để ủng hộ chống dịch; một chủ quán ăn nhỏ ngày đêm chuẩn bị suất ăn cho người bị cách ly, cho nhân viên y tế; một cụ già hơn trăm tuổi dành tiền tiết kiệm ít ỏi của mình mua gạo tặng bộ đội. Đó là các sinh viên trường y, xếp bút nghiên lên đường chống dịch…

Có mặt tại buổi lấy mẫu xét nghiệm ở thôn Cầu Dòng, phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, Hoàng Thị Xuân (quê ở Cao Bằng, lớp xét nghiệm 10B, Trường đại học Kỹ thuật Hải Dương) đã cùng hàng trăm sinh viên khác lựa chọn một cái Tết xa nhà để góp một phần sức lực nhỏ bé cho tuyến đầu Hải Dương.

Vừa nghe tin dịch bệnh bùng phát, Xuân và một số bạn đã viết đơn tình nguyện tham gia công tác chống dịch. Tuy người thân có nhiều lo lắng, song đều tin tưởng và tự hào với lựa chọn của em.

Giống như Xuân, Nguyễn Anh Tài và Nguyễn Thị Hiền (sinh viên năm thứ 3, Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương) là hai chị em họ, dù đã về Thái Bình nghỉ Tết, nhưng ngay khi nghe tin, hai chị em đã không ngần ngại xin phép bố mẹ lên đường quay lại Hải Dương. 

“Bố mẹ em ban đầu cũng lo lắng, nhưng vì chúng em đã chọn nghề này nên chỉ có thể động viên cả hai chị em cố gắng, chú ý bảo vệ bản thân. Tuy phải ăn Tết xa nhà, nhưng đổi lại, chúng em có một cái Tết thực sự ý nghĩa cho hành trang sinh viên ngành y”, Nguyễn Anh Tài tâm sự.

Năm Canh Tý là năm vô cùng đáng nhớ đối với bác sỹ Đỗ Thị Băng Ngân (Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện phổi Quảng Ninh), chị đã 3 lần hoãn cưới để lao vào điểm nóng chống dịch.

Bác sỹ Ngân nhớ lại, đầu năm Canh Tý, chị có kế hoạch tổ chức đám cưới với người yêu đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Dịch bệnh bất ngờ bùng phát, không ngần ngại, chị lập tức tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh.

Trước đó, đợt dịch đầu tiên, bác sỹ Ngân vào viện từ giữa tháng 2/2020. Lúc đó chị cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, chỉ nghĩ là cùng các đồng nghiệp chống dịch đến khi nào các bệnh nhân khỏi mới an tâm về với gia đình. 

Sau khi đợt dịch đầu tiên đã được kiểm soát, còn chưa kịp lo toan chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương (8/2020) bùng phát, bác sỹ Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch, tuy nhiên lần này chị không phải cách ly. Thế nhưng, người yêu chị quê ở Hải Dương nên hai gia đình chưa thể tổ chức đám cưới.

Đầu năm Tân Sửu, gia đình dự kiến tổ chức đám cưới sau hai lần trì hoãn, thì một lần nữa dịch bệnh lại ập tới, lần này là ở Quảng Ninh và Hải Dương. Bệnh viện Phổi, nơi bác sỹ Ngân công tác, trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Gác lại những nỗi niềm riêng, bác sỹ Ngân và người chồng sắp cưới lại cùng nhau tham gia công tác chống dịch, người vòng trong, người vòng ngoài.

“Đám cưới lại thêm một lần trì hoãn, vẫn chưa biết khi nào mới có thể tổ chức được. Nhưng vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vì vậy, câu chuyện cá nhân của bản thân có thể gác lại sau cũng được. Chúng tôi chỉ mong góp chút sức lực nhỏ bé cùng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi đại dịch”, bác sỹ Ngân tâm sự.

Cuộc chiến chống Covid-19 được dự báo sẽ khó có thể kết thúc trong một khoảng thời gian ngắn, không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Dịch đã và sẽ còn có những tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, đặc biệt là đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhìn vào những nỗ lực chống dịch ở Việt Nam thời gian qua, từ người đứng đầu Chính phủ, cùng sự hy sinh, vượt gian khó của hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế và hàng triệu người dân, chúng ta có niềm tin sắt đá rằng, trong cuộc chiến này, Việt Nam tất sẽ thắng. Và trong gian khó, chúng ta lại càng tự hào về những chiến sỹ áo trắng.

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ mua khoảng 15 triệu liều vaccine Covid-19
Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội có công văn gửi Bộ Y tế về việc đề nghị hỗ trợ mua khoảng 15 triệu liều vắc xin để tiêm cho người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư