Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Trọng tâm Năm Pháp - Việt
Thanh Tùng - 08/04/2013 15:53
 
Ngài Jean Nol Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư về tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với doanh nghiệp Pháp, cũng như hợp tác thương mại và đầu tư Việt - Pháp nhân dịp tuần lễ khởi động “Năm Pháp - Việt 2013 - 2014” tại Việt Nam diễn ra vào tuần này.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Thưa Đại sứ, có thể cho rằng, quan hệ thương mại và đầu tư là điểm thành công nhất trong quan hệ Việt – Pháp được thiết lập từ 40 năm qua?

Đúng vậy. Nhờ sự năng động của nền kinh tế Việt Nam, thương mại và đầu tư là các lĩnh vực chính trong quan hệ kinh tế hai nước.

Trong 20 năm qua, Pháp luôn là một trong những nhà đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai ở Việt Nam, với hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động. Quan hệ đầu tư, thương mại song phương ngày càng được cải thiện trong hai thập kỷ qua. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương Việt - Pháp đạt 4,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2011. Nhưng tôi cho rằng, vị trí của Pháp tại Việt Nam có thể được củng cố mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại song phương.

Thương mại và đầu tư đang là trọng tâm của “Năm Pháp - Việt 2013-2014”. Sự kiện này bắt đầu tại Hà Nội vào ngày 9/4 tới, với chuyến thăm, làm việc chính thức Việt Nam của bà Nicole Bricq, Bộ trưởng Ngoại thương Pháp cùng hai sự kiện chính thức nữa là Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp – Việt tại TPHCM (7-11/4) và Phiên họp thứ nhất Diễn đàn Kinh tế thường niên cấp cao tại Hà Nội (9/4). Tại diễn đàn này, hai bên sẽ thảo luận về nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hiện thị trường Việt Nam quan trọng như thế nào trong chính sách kinh tế của Chính phủ Pháp?

Đóng vai trò nổi bật trong ASEAN và nhờ sự năng động của mình, Việt Nam đang nỗ lực trở thành một nền kinh tế phát triển. Để có được vị thế kinh tế hàng đầu trong khu vực, Việt Nam cần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch, cũng như cải thiện việc tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư. Tất cả các thách thức này, cũng như việc cải cách tài chính và kinh tế hơn nữa, cần phải được thực hiện, bởi ổn định là yếu tố quyết định để thu hút nhà đầu tư. Về khía cạnh này, Pháp đặc biệt chú ý tới việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đang được tiến hành.

Với những lý do trên và trên cơ sở quan hệ văn hóa và lịch sử hai nước, Việt Nam là một đối tác lớn của Pháp và sẽ nhanh chóng trở thành đối tác chiến lược của Pháp.

Tại cuộc họp cấp cao diễn ra tại Seoul vào cuối tháng 3/2012, hai bên cam kết ưu tiên hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, hàng không, giáo dục và kết cấu hạ tầng. Quá trình hợp tác trong các lĩnh vực này đang diễn ra như thế nào?

Về thương mại, Pháp đã và đang hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thương mại. Dự kiến, trong chuyến thăm làm việc tới Việt Nam của bà Nicole Bricq, hai bên sẽ ký văn kiện tập trung vào hợp tác sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của Việt Nam.

Về năng lượng, Cơ quan Phát triển Pháp cũng hỗ trợ Việt Nam sản xuất điện và truyền tải điện. Hai nước cũng hợp tác toàn diện trong ngành hàng không và vũ trụ. Trung tâm Đào tạo phi công ở Cam Ranh (Khánh Hòa) do Pháp tài trợ đã được khánh thành vào tháng 9/2012. việc phóng vệ tinh viễn thám trái đất đầu tiên của Việt Nam vào cuối tháng 4 này cũng do Pháp tài trợ.

Về kết cấu hạ tầng, Pháp đang tài trợ xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 3 tại Hà Nội. Doanh nghiệp Pháp cũng muốn tham gia vào các dự án giao thông, cảng, sân bay, vệ sinh, môi trường và giáo dục tại đây.

Bà Nicole Bricq sẽ dẫn đầu đoàn hơn 100 doanh nghiệp Pháp sang Việt Nam tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Pháp. Ông kỳ vọng gì về chuyến thăm này?

Nhiều kỳ vọng lắm! Doanh nghiệp Pháp sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam thông qua các dự án với đối tác Việt Nam. Tất nhiên, đây không phải là quan hệ một chiều. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi từ các bí quyết, công nghệ từ các đối tác Pháp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư