Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
Xuân Lương - 02/09/2013 13:57
 
Lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam, mãi mãi ngời sáng bản hùng ca cuộc cách mạng công - nông 19/8 và Quốc khánh 2/9/1945, lập nên nền cộng hòa của nước Việt Nam mới sau đêm dài đen tối, nô lệ của ngoại bang hàng thế kỷ. Bản sắc phương Đông trong Tuyên ngôn Độc lập

Niềm vui độc lập vừa mới đến thì ở phía Nam, Pháp đánh Nam Bộ; ở phía Bắc, quân đồng minh và Tưởng Giới Thạch tràn vào. Đất nước chia cắt, buộc ta cùng lúc phải đối phó với hai kẻ thù.

Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào đêm 19/12 mùa Đông năm 1946. Tiếp đó, Pháp tấn công lên Việt Bắc với mưu đồ xóa sạch bộ tham mưu chiến lược của Cách mạng Việt Nam vừa mới thiết lập tại ATK (an toàn khu) với Trung tâm là Định Hóa (Thái Nguyên) được gọi là thủ đô gió ngàn.

Trước tình thế mới, Bác Hồ nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập”. Hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Võ Đại tướng gọi thời điểm này là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Chỉ với hai điều vừa dẫn ra, có thể thấy tình thế cách mạng của dân tộc ta vào thời điểm đó vô vàn khó khăn. Nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác, có mặt trận đoàn kết keo sơn của toàn dân tộc, tại Chiến khu Việt Bắc, chiến công đã nối tiếp chiến công tạc vào đá núi chẳng hề phai: Ta đập tan chiến dịch tấn công Việt Bắc của Pháp (thu đông năm 1947); tiếp đó quyết định mở một loạt chiến dịch khác, trong đó có chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm nên cột mốc Việt Nam là quốc gia duy nhất và đầu tiên trên thế giới đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ. Một thời gian sau, Việt Nam đánh sập cả chủ nghĩa thực dân mới bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Có thể cho rằng, Thái Nguyên là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Nhắc lại bản hùng ca bất hủ 19/8, Quốc khánh 2/9 và những cột mốc của Việt Bắc kháng chiến những năm về trước, để nhớ về truyền thống yêu nước, hào khí cách mạng, hào khí Việt Bắc vốn đã đi vào thơ của Tố Hữu: “Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/ Mình về mình có nhớ không/Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?” hoặc “Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

Cụ Hoàng Đạo Thúy, trong bài viết “Cụ Hồ” kể lại kỷ niệm kháng chiến ở ATK: Mỗi khi Hội đồng Chính phủ khai hội là được Bác Hồ gọi lên báo cáo… cũng hay là được gần gũi Chủ tịch nước (...). Có những đêm lửa trại, ngồi quanh Cụ Hồ còn có Cụ Tôn Đức Thắng, Cụ Phan Kế Toại, Cụ Phạm Bá Trực… Cụ Thúy bước đến trước mặt Bác với lời mời Chủ tịch hát mở đầu lửa trại. Cụ Hồ đứng dậy, vui vẻ cất tiếng hát xao động cả núi rừng “Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu. Dấy binh lấy lau làm cờ…”. Mọi người thấy lạ với câu hỏi, sao Cụ biết bài hát của hướng đạo sinh.

Nơi chiến khu tuy gian khổ, nhưng tinh thần lạc quan cách mạng, yêu đời, đằm thắm tình người nên mọi khó khăn đều vượt qua. “Ta bên Người, Người tỏa sáng bên ta”. Sâu xa hơn, đó là sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Bộ Tham mưu chiến lược của Đảng ta. Từ ATK Việt Bắc đến đường mòn xuyên Việt mang tên Hồ Chí Minh, đường mòn trên biển của những đoàn tàu không số… để rồi làm nên Đại thắng mùa Xuân 40 năm về trước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định tại hội thảo khoa học thực tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa - Thái Nguyên rằng: “Nói đến ATK, chúng ta không thể không nhắc đến Pắc Bó (Cao Bằng); Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên); Tân Trào, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang)… Thái Nguyên là địa bàn quan trọng “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng. Bởi thế, năm 1943, Bác Hồ đã chỉ thị cho tôi tổ chức con đường Nam Tiến - tức là con đường trong lòng dân. Sau ngày tuyên bố độc lập một thời gian, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương tích cực củng cố Việt Bắc, để nếu bắt buộc chúng ta phải kháng chiến, các cơ quan sẽ trở lại Việt Bắc. Bởi vậy, các anh Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh được Bác giao nhiệm vụ bí mật xây dựng căn cứ địa Việt Bắc”.

ATK Định Hóa chính là Trung tâm của thủ đô kháng chiến bởi Bác Hồ ở Tỉn Keo, Khuôn Tát tới 4-5 lần. Hội đồng Chính phủ họp ở Định Hóa, Cơ quan đồng chí Trường Chinh thường ở gần Bác và Tổng quân ủy. Đồng chí Phạm Văn Đồng khi ở khu 5 ra cũng về ở tại Phú Đình, gần chỗ đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt…

Ngợi ca đất và người Việt Bắc, nhà báo Hoàng Tùng viết: “Hình thể đất nước: Ba phần núi, bốn phần biển, một phần đồng bằng. Kẻ thù lợi dụng biển cả, ta phát huy thế mạnh của núi rừng. Đây là bức trường thành thiên nhiên quan trọng. Nhưng cái mạnh cơ bản, quyết định của ta là là bức trường thành bền vững của lòng người”. Trần Hưng Đạo nói: “Ý chí muôn dân là thành lũy kiên cố”. Trương Hán Siêu viết: “Phải đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.

Lịch sử đã chứng minh tác dụng vô cùng to lớn của căn cứ địa Việt Bắc đối với sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước không chỉ trong điều kiện cách mang mới ở giai đoạn đầu, mà còn có ý nghĩa trường tồn. Đó cũng là nơi hồn thiêng non nước, giúp ta nuôi chí bền, hướng về phía trước của ước mơ và hy vọng.

68 năm: 5 lần chuyển vị thế đất nước
68 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945). Trong 68 năm ấy, Việt Nam đã 5 lần chuyển vị thế và kỳ vọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư