Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Trung Nam chưa bị dừng huy động phần công suất chưa có giá từ 0h00 ngày 5/3
Thanh Hương - 04/03/2022 22:36
 
Công ty Mua bán điện đã có công văn thông báo tạm dừng việc không huy động phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Chiều ngày 4/3, Công ty Mua bán điện (EPTC) đã có văn bản thông báo việc tạm thời chưa thực hiện văn bản 897/EPTC-KDMĐ-GDTT ngày 22/2/2022 mà đơn vị này gửi tới Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Như vậy, phần công suất chưa có giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW sẽ chưa bị dừng khai thác kể từ 0h00 ngày 5/3/2022 như thông báo trước đây của EPTC.

Trước đó, EPTC căn cứ ủy quyền thực hiện Hợp đồng mua bán điện và chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EPTC đã thông báo kể từ 0h00 ngày 5/3/2022, EVN sẽ dừng khai thác đối với phần công suát chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW.

Nếu theo đúng thứ tự các nhà máy điện mặt trời có tại Ninh Thuận vào vận hành thì Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW hiện có 277,88 MW nằm trong phạm vi 2.000 MW công suất tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh. Phần công suất nằm ngoài 2.000 MW này là hơn 172 MW hiện chưa được xác định cơ chế giá.

Nguồn tin của Báo Đầu tư - baodautu.vn cho hay, việc EVN/EPTC tạm dừng ý định không huy động phần công suất hơn 177 MW chưa có cơ chế giá điện này là kết quả của cuộc họp diễn ra vào sáng ngày 4/3 tại Bộ Công thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Tại cuộc họp này, EVN đã được nhắc nhở căn cứ nhu cầu sử dụng điện và nhu cầu huy động các nguồn điện trong từng thời điểm để huy động các nhà máy.

Đối với phần công suất điện mặt trời đã vào vận hành trong năm 2020 nhưng không đủ điều kiện để áp dụng giá cố định theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, hướng giải quyết có thể sẽ là tiến hành đấu giá trong khung giá do Bộ Công thương ban hành. Sau khi có giá trúng thì việc thanh toán mới được tiến hành.

Dẫu vậy con số 2.000 MW chính thức thuộc về những nhà máy nào xem ra sẽ phải chờ Bộ Công thương xác định chính thức một lần cho dứt điểm.

Nguyên do, trong số 2.000 MW này có Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 do EVN là chủ đầu tư đang được nhiều ý kiến cho rằng không nên cho hưởng giá 9,35 UScent/kWh vì hạch toán phụ thuộc EVN, sản lượng điện được hạch toán vào sản lượng điện của EVN và không có hợp đồng mua bán điện với EVN.

Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đã đi vào hoạt động hơn 16 tháng và từ đó tới nay đã được EVN huy động công suất của toàn dự án để hòa vào lưới điện quốc gia. Nếu diễn ra việc dừng khai thác 40% công suất chưa có cơ chế giá mua điện của Dự án Trung Nam Thuận Nam như thông báo của EPTC đồng nghĩa với việc dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế.

Theo báo cáo của Bộ Công thương cách đây 1 năm, vào ngày 2/3/2021 cho hay, theo thống kê EVN, đã có 32 Dự án hoặc phần Dự án đã đi vào vận hành thương mại tại Ninh Thuận, với tổng công suất 2.216 MW.
Với yêu cầu “có chủ trương đầu tư được phê duyệt trước ngày 23/11/2019 và đưa vào vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021” cùng giới hạn 2.000 MW được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh, hiện còn khoảng 216 MW của một số dự án không biết áp dụng mức giá bán điện nào để thanh toán.
Bàn giao đường dây 500 kV của Trung Nam về EVN với giá 0 đồng: Còn chờ hướng dẫn
Việc bàn giao lưới điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân tù từ nhân về EVN sẽ phải chờ hướng dẫn của các bộ ngành, còn phần công suất điện vượt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư