Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Trung Quốc bắt đầu chơi con bài kinh tế với Việt Nam?
Hà Tâm - 09/06/2014 12:27
 
Có thông tin một số DN quốc doanh của Trung Quốc nhận được chỉ đạo cấm tham gia đấu thầu các dự án mới ở Việt Nam. Cán bộ kinh tế của Trung Quốc ở Việt Nam không bình luận về thông tin này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc hung hăng, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc hứng chịu
Căng thẳng biển Đông không ảnh hưởng đến FDI vào Việt Nam
Bức bách tìm giải pháp giảm nhập siêu với Trung Quốc
Kinh tế Việt Nam làm gì để giảm tình trạng lệ thuộc

Báo chí đưa tin, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tiết lộ, Chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm các doanh nghiệp quốc doanh của nước này tham gia đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam. 

Theo đó, lãnh đạo một công ty quốc doanh của Trung Quốc đề nghị giấu tên cho hay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã gọi điện thoại thông báo cho lãnh đạo Công ty về lệnh cấm tạm thời nói trên.

Trong khi đó, một số nguồn tin khác xác nhận, 3 nhà thầu Trung Quốc khác đang làm việc tại Việt Nam cũng được thông báo nội dung tạm thời cấm tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam.

  Trung Quốc bắt đầu chơi con bài kinh tế với Việt Nam?  
  Tàu 46101 của Trung Quốc phun vòi rồng rồi đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển VN. (Ảnh Tuấn Hợp)  

Các nguồn tin đều không nói đến thời hạn của lệnh cấm, cũng như không nói rõ cơ quan chức năng có văn bản nào về việc này hay không, hoặc lệnh cấm được truyền miệng.

Về vấn đề này, ông Xu Qisong, Tham tán kinh tế và thương mại tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam từ chối đưa ra bình luận.

Như vậy, nếu lệnh cấm tạm thời nói trên có thực, thì đây là động thái về kinh tế cụ thể nhất mà Trung Quốc nhắm đến Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và bị Việt Nam cũng như dư luận quốc tế cực lực lên án, yêu cầu rút giàn khoan vô điều kiện.

Ngay các học giả Trung Quốc cũng thừa nhận việc Trung Quốc sẽ dùng áp lực kinh tế đối với láng giềng. Ông Xu Liping, một chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc gia về Chiến lược quốc tế trực thuộc Học viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách gây sức ép kinh tế lên Việt Nam.

“Bất kỳ biện pháp nào nhằm tăng cường đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đều không phù hợp với tình hình căng thẳng hiện nay”, ông Xu nói.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm các công ty quốc doanh Trung Quốc đấu thầu các dự án ở Việt Nam của Trung Quốc sẽ không đem lại kết quả như ý với Bắc Kinh.

Bởi lẽ, theo thống kê chính thức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ năm 2004 đến nay, nhưng không phải là đối tác bỏ vốn đầu tư lớn vào Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc chỉ xếp thứ 11 về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Con số thống kê cho thấy, hiện có khoảng 113 công ty, bao gồm các công ty điện và hóa chất, đang hoạt động ở Việt Nam.

Công ty Lưới điện Phương Nam của Trung Quốc hiện dẫn đầu nhóm nhà đầu tư trong dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,76 tỷ USD. Đây được cho là hợp đồng lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay.

Do đó, có thể thấy, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc thiên về quan hệ thương mại, trong chuỗi cung ứng cấp 1 (nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc để làm hàng xuất khẩu), hơn là quan hệ đầu tư.

Ông Zhang Jie, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định, ảnh hưởng của lệnh cấm không cho các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tham gia đấu thầu ở Việt Nam sẽ chỉ ở mức hạn chế đối với Việt Nam.

“Trung Quốc không thể đe dọa sự phát triển kinh tế của Việt Nam, vì sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc ở đó là quá nhỏ. Cho dù các doanh nghiệp Trung Quốc có đấu thầu các dự án ở Việt Nam, thì trong điều kiện hiện nay, cũng khó mà thắng thầu”, ông Zhang nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư