Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trung Quốc là thị trường “khổng lồ” cho nông sản Việt
Phương Anh - 14/10/2019 17:29
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc là thị trường “khổng lồ” cho nông sản.
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú tại diễn đàn

Ngày 14/10, tại Hà Nội, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú thăm chính thức Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Trung Quốc là thị trường “khổng lồ” cho nông sản, trong khi Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp lớn, không chỉ đáp ứng cơ bản cho 100 triệu dân mà còn xuất khẩu hơn 40 tỷ USD ra nước ngoài. 

Riêng đối với chè, cà phê là hai sản phẩm có tiềm năng rất lớn tại Trung Quốc, bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, "khó có sản phẩm gì tạo ra hương vị, sự đam mê cuốn hút như chè và cà phê".

Tổng sản lượng cà phê trên thế giới là 9 triệu tấn hạt, tạo giá trị đồ uống 300 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ hai thế giới khi sản xuất được gần 2 triệu tấn trong số 9 triệu tấn hạt đó, đem về giá trị 3,2 tỷ USD. Riêng đối với tiềm năng tiêu thụ tại Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng và tốc độ đô thị hóa nhanh nên việc sử dụng chè và cà phê tại thị trường ngày càng tăng cao. 

Đối với mặt hàng chè, cả thế giới có 4,2 triệu ha với sản lượng đạt 5 triệu tấn. Trung Quốc đứng vị trí số 1 với 2,9 triệu ha, mỗi năm thu khoảng 2 tỷ USD trong chuỗi giá trị 8 tỷ USD trên toàn thế giới.

Còn Việt Nam, đứng thứ 7 về diện tích và thứ 5 về sản lượng trên toàn thế giới và có điều kiện thuận lợi về khí hậu. Hiện có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp với công suất chế biến đạt trên 5.204 tấn/ngày. Năm 2018, diện tích cây chè cả nước đạt khoảng 125.000 ha và có năng suất trên 1 triệu tấn búp tươi mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều giống chè đặc sản như chè ô long, chè Phổ Nhĩ, chè thảo dược....

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều lợi thế và vị thế trên thế giới đối với ngành hàng chè và cà phê, nhưng cần phải bắt tay mở rộng hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để cung cấp nông sản cho thị trường toàn cầu.

“Nếu chúng ta phối hợp hợp tác với nhau ở góc độ sản xuất và chế biến thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà phê, chè không dừng lại ở Việt Nam và Trung Quốc mà có thể hướng đến thị trường 7,7 tỷ dân toàn cầu”, Bộ trưởng cho hay.

.
Toà cảnh Diễn đàn

Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu thụ chè, cà phê của Trung Quốc rất lớn. Với dân số 1,4 tỷ người, cộng với lượng khách du lịch đến Trung Quốc mỗi ngày, nhu cầu sử dụng đối với 2 loại đồ uống này ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu đứng thứ 12 về cà phê (kim ngạch trên 109 triệu USD) và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam (kim ngạch gần 20 triệu USD). Trong khi Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu số 1 đối với cao su, rau quả, sắn các loại của Việt Nam.

Theo ông Hàn Trường Phú, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp cà phê, chè của Việt Nam sang Trung Quốc tìm kiếm thị trường, đối tác.

"Bản thân chúng tôi cũng có nhu cầu về mặt hàng này và mong muốn trong thời gian tới, 2 nước sẽ tăng cường thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chè, cà phê chất lượng, có thương hiệu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú chia sẻ.

Hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc: Doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng
Những tin vui cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm, báo hiệu một năm xuất khẩu suôn sẻ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư