Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Trung Quốc tăng trưởng chững lại, nhà đầu tư "bẻ lái" sang thị trường khác
Đông Phong - 28/07/2023 10:19
 
Các nhà đầu tư toàn cầu đang có xu hướng bỏ qua thị trường Trung Quốc và tìm đến các thị trường mới nổi khác đang hưởng lợi từ các rủi ro địa chính trị.
Bên ngoài trụ sở Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Bên ngoài trụ sở Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Dòng tiền tìm đến Mexico, Ấn Độ và Đông Nam Á

Tài sản của các quỹ tương hỗ dành cho thị trường mới nổi (EM) và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) ngoại trừ thị trường Trung Quốc đã tăng vọt do các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu ngày càng thận trọng với quyết định đầu tư. Năm nay, họ tỏ ra thận trọng hơn đối với thị trường Trung Quốc khi sự phục hồi của nền kinh tế này sau Covid-19 gây thất vọng do thiếu phản ứng chính sách mạnh mẽ trong khi căng thẳng Trung - Mỹ về thương mại, công nghệ và địa chính trị gia tăng.

Theo công bố mới đây của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế này trong quý II/2023 đã tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7,3%.

Dòng tiền "bẻ lái" chuyển đến các thị trường được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng trên, chẳng hạn như Mexico, Ấn Độ, Việt Nam và các quốc gia khác đang gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư quyết định chuyển hướng dòng tiền với lý do đơn thuần là tìm đến các thị trường có triển vọng tăng trưởng tốt hơn, đơn cử như Brazil.

Ông Malcolm Dorson, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại quỹ hoán đổi danh mục Global X (Mỹ), cho biết: "Sự thống trị xuất khẩu của Trung Quốc đang suy giảm, tạo cơ hội cho các thị trường mới nổi khác lấp đầy khoảng trống, bao gồm Mexico, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á". Chuyên gia này cũng cho rằng quy mô thay đổi cần thiết trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể thúc đẩy dòng vốn như vậy trong thập kỷ tới.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy các quỹ tương hỗ tập trung vào thị trường Trung Quốc đã bị rút ròng 674 triệu USD trong quý II/2023. Trái lại, gần 1 tỷ USD đã được chuyển vào các quỹ tương hỗ dành cho các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc.

Đáng chú ý, iShares MSCI Emerging Markets ex-China ETF, quỹ ETF lớn nhất thế giới dành cho các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc, đang nắm giữ cổ phần lớn nhất của các công ty ở Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ. Quỹ này đã thu hút dòng vốn ròng kỷ lục 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

"Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất mà các nhà đầu tư quan tâm nhất trong các thị trường mới nổi", ông John Lau, Giám đốc danh mục đầu tư cho thị trường mới nổi và châu Á - Thái Bình Dương tại công ty quản lý đầu tư SEI (Mỹ) đánh giá.

Tuy nhiên, "sự tăng trưởng và định giá thuận lợi ở các thị trường Mỹ Latinh, những yếu tố thuận lợi do công nghệ thúc đẩy đối với các công ty ở Hàn Quốc và Đài Loan, và những thay đổi trong chuỗi cung ứng đang mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội tốt hơn so với thị trường Trung Quốc", ông Lau cho biết.

Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy, tính đến giữa tháng 7/2023, nhà đầu tư đã chi 39 tỷ USD mua vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi châu Á ngoại trừ Trung Quốc trong trong 12 tháng qua. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 lượng mua này vượt quá dòng vốn chảy vào cổ phiếu của thị trường Trung Quốc đại lục thông qua chương trình Kết nối chứng khoán (Stock Connect). Stock Connect là chương trình hỗ trợ tiếp cận thị trường tương hỗ, qua đó cho phép các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông giao dịch các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường khác thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và trung tâm thanh toán bù trừ tại ngay thị trường quê nhà.

Rút lui vì rủi ro danh tiếng

Theo công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ), quy mô của 10 quỹ tương hỗ hàng đầu tập trung vào thị trường Trung Quốc đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh thiết lập năm 2021.

Quỹ đầu tư cơ hội UBS Trung Quốc chứng kiến tài sản giảm xuống còn 4,5 tỷ USD vào cuối tháng 6/2023, bằng 1/4 so với mức tài sản vào tháng 1/2021.

Ông Jeffrey Jaensubhakij, Giám đốc đầu tư tại quỹ đầu tư Singapore GIC, cho biết cơ quan này đã "tăng cường" chuyển vốn của mình sang các lĩnh vực và quốc gia được hưởng lợi từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phần lớn trong số đó "cơ bản đã rời khỏi Trung Quốc và chảy vào các quốc gia như Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam".

Nhiều nhà quản lý và cố vấn quỹ đầu tư đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các danh mục tập trung cho thị trường Trung Quốc.

Ông Benjamin Low, giám đốc đầu tư cấp cao tại công ty tư vấn Cambridge Associates (Mỹ), cho biết: "Trong 6 đến 12 tháng qua, hầu như không có câu hỏi nào về danh mục tập trung cho thị trường Trung Quốc". Thay vào đó, một số khách hàng của ông Low đang xem xét các phương án khác ở châu Á, chẳng hạn như Nhật Bản.

CSI 300 - chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A của Trung Quốc - vẫn đi ngang so với đầu năm, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản nhảy vọt 25% còn chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng gần 19%.

Các nhà đầu tư đã trở nên e dè kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty quân sự Trung Quốc. Họ càng thận trọng hơn sau khi chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden mở rộng danh sách cấm, bao gồm các lĩnh vực như chip bán dẫn và điện toán lượng tử.

"Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn năm ngoái khi các nhà đầu tư vẫn còn điều gì đó (mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 - BTV) để mong đợi", một giám đốc phát triển kinh doanh giấu tên tại một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Hong Kong đánh giá. Vị này cho biết quỹ này đã xoay sở để kiếm lợi nhuận tại một thị trường đầy thách thức trong nửa đầu năm trong khi vật lộn để huy động vốn mới từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc tuần này cam kết sẽ tăng cường các biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế, một động thái mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói điều đó có thể có tác động ra sao đối với dòng tiền nước ngoài chảy vào thị trường này.

Ngoài rủi ro tài chính, các nhà đầu tư tổ chức của phương Tây còn lo ngại rủi ro danh tiếng. Họ cho biết ngày càng khó lý giải về các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Đơn cử, Canada đã tổ chức một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 5 vừa qua để xem xét một số quỹ hưu trí trong nước về mối quan hệ với Trung Quốc. Còn chính quyền Mỹ đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế các khoản đầu tư ra nước ngoài của Mỹ vào Trung Quốc.

"Các nhà đầu tư Mỹ, Canada và một số nước châu Âu đang rời thị trường Trung Quốc do áp lực chính trị. Nhìn bề ngoài, Mỹ dường như đã bắt đầu một cuộc chiến đầu tư, sau cuộc chiến thương mại và cuộc chiến công nghệ", ông Wong Kok Hoi, giám đốc đầu tư tại quỹ quản lý tài sản APS, nhận định.

Sóng đầu tư vào Trung Quốc có thể dâng trở lại
Đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy hoạt động giám sát pháp lý ở Trung Quốc có thể bắt đầu nới lỏng sau nhiều tháng Bắc Kinh "nắn gân" các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư